Siêu âm tim thai nhi là kiểm tra quan trọng trong quá trình mang thai nhằm phát hiện sớm những bất thường ở tim mạch của thai nhi. Hãy cùng tìm hiểu về phương pháp chẩn đoán này trong bài viết dưới đây.
Tim thai xuất hiện ở tuần thứ mấy?
Trong quá trình hình thành và phát triển của thai nhi, tim bắt đầu đập vào khoảng 22 ngày từ ngày thụ thai thành công, thường là trước khi người mẹ nhận ra mình đang có thai. Nhịp tim của thai nhi thường xuất hiện vào tuần thứ 6–7 của thai kỳ. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp phải đến tuần thứ 8–10 mới có thể nghe thấy tim thai. Điều này phụ thuộc vào chu kỳ kinh nguyệt (để tính tuổi thai) cũng như sự phát triển của phôi thai.
Tim bắt đầu phát triển từ dạng ống đơn giản, sau đó xoắn và phân chia, cuối cùng hình thành trái tim có 4 ngăn và van tim. Từ tuần thứ 20 trở đi, nhịp đập của tim thai đã trở nên mạnh mẽ và lúc này chỉ cần dùng tai áp vào là có thể nghe thấy được. Nhịp tim to và dễ nghe thấy chứng tỏ thai nhi khỏe mạnh và đang phát triển bình thường.
Mục đích của việc siêu âm tim thai nhi
Siêu âm tim thai nhi là phương pháp chẩn đoán hình ảnh y học nhằm đánh giá tình trạng tim mạch của bào thai, bao gồm nhịp tim, hình dạng, chức năng… từ đó phát hiện sớm những dị tật tim nặng, giúp can thiệp kịp thời ngay từ giai đoạn đầu của thai kỳ.
Tỉ lệ trẻ mắc tim bẩm sinh chiếm 0.8% số trẻ sinh ra tính theo năm. Trong đó có 50% trẻ bị tim bẩm sinh rất nặng, để lại nhiều di chứng về sau nếu không được phẫu thuật (chỉ 1 nửa số trẻ bị tim bẩm sinh được làm phẫu thuật). Mặc dù vậy việc kiểm tra dị tật tim bẩm sinh lại là việc nhiều mẹ mang thai hay bỏ sót.
Siêu âm tim thai là việc cực kỳ cần thiết để bác sĩ có thể đánh giá tình trạng tim mạch của bào thai. Cùng với sự tiến bộ về công nghệ, siêu âm tim thai có thể phát hiện chính xác dị tật tim bẩm sinh trong thai kỳ với tỉ lệ chính xác lên đến 99%.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo nên đưa siêu âm tim thai vào chẩn đoán tiền sản giúp phát hiện sớm dị tật tim bẩm sinh nặng để có thể kịp thời can thiệp điều trị ngay từ giai đoạn đầu của thai kỳ, đồng thời góp phần hạn chế tình trạng chấm dứt thai kỳ do những sai sót tác trách trong chẩn đoán, tư vấn bệnh về tim bẩm sinh.
Những trường hợp nào cần siêu âm tim thai?
Tất cả phụ nữ mang thai được khuyến cáo thực hiện siêu âm tim thai nhi trong thai kỳ, đặc biệt là những trường hợp nằm trong nhóm có nguy cơ cao như:
- Siêu âm thai định kỳ có phát hiện bất thường
- Thai nhi được thụ tinh nhân tạo
- Gia đình có tiền sử mắc bệnh tim bẩm sinh, người mẹ từng có con bị tim bẩm sinh
- Thai phụ có vấn đề về sức khỏe (tiểu đường, 1 số bệnh di truyền, bị nhiễm Rubella, bệnh tự miễn… khi mang thai)
- Thai phụ sử dụng thuốc có ảnh hưởng đến thai nhi (thuốc chống co giật/trầm cảm..)
Phương pháp siêu âm tim thai nhi cũng được chỉ định cho thai nhi có tiên lượng dễ mắc tim bẩm sinh:
- Nhịp tim thai bất thường, loạn nhịp
- Độ mờ da gáy tăng trong 3 tháng đầu thai kỳ
- Nghi ngờ hội chứng trao đổi song sinh hoặc đa thai
- Phát hiện dấu hiệu bất thường nhiễm sắc thể
- Bất thường khác ngoài tim
- Nhau thai bị phù.
Đâu là thời điểm thích hợp để siêu âm tim thai?
- Tuần thứ 6–7 thai kỳ khi bắt đầu xuất hiện tim thai
- Tuần thứ 8–10 nếu tim thai chưa nghe thấy được ở các tuần trước đó
- Khoảng tuần thứ 18–20 của thai kỳ khi tim thai đã phát triển tương đối hoàn chỉnh, nhịp tim đập mạnh và rõ ràng hơn.
Kết quả đo tim thai như thế nào thì là bình thường?
Khi siêu âm tim thai nhi, các bác sĩ thường sử dụng 1 máy siêu âm chuyên tim với các đầu dò để đo được chính xác nhịp tim hoặc sử dụng máy siêu âm Doppler 4D.
Theo các bác sĩ, nhịp đập tim thai của một thai nhi khỏe mạnh, phát triển bình thường sẽ dao động trong khoảng 120–160 nhịp/phút. Vào những thời điểm bé chuyển động, đạp vào bụng mẹ thì nhịp tim của bé lúc này có thể lên tới 180 nhịp/phút.
Đến tuần thứ 20, nhịp tim sẽ nhanh hơn. Tuy nhiên, nếu nhịp đập của tim thai cao vượt quá 180 nhịp/phút, thì sản phụ cần được kiểm tra lại và chẩn đoán kịp thời vì rất có thể đây là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm đối với thai nhi.
Siêu âm tim thai là việc làm vô cùng cần thiết mẹ nên thực hiện trong thời gian mang thai. Hy vọng rằng những thông tin trong bài viết sẽ phần nào giải đáp thắc mắc của mẹ về phương pháp kiểm tra này. Chúc các mẹ mang thai an toàn.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!