Thai nhi đạp nhiều bụng dưới là tình trạng em bé đang chuyển động xoay mình, uốn người, động đậy tay chân…trong bụng mẹ. Thông thường, mẹ bầu có thể cảm nhận những cú đạp và sự chuyển mình của con từ tuần 20 trở đi.
- Vì sao thai nhi đạp nhiều bụng dưới?
- Thai nhi đạp nhiều bụng dưới có ổn không?
- Dấu hiệu nhận biết thai máy
- Các dấu hiệu bình thường và bất thường khi thai máy.
Vì sao thai nhi đạp nhiều bụng dưới?
Hiểu đơn giản thì thai máy ở bụng dưới là hiện tượng thai nhi cử động nhưng tập trung ở phần bụng dưới trong bụng mẹ với các động tác như: xoay mình, uốn người, động đậy tay chân. Mẹ bầu có thể bắt đầu cảm nhận được việc thai nhi đạp bụng dưới ở tuần thứ 20. Càng cận tháng sinh tần suất thai máy càng tăng.
Thai máy sẽ giúp cho mẹ biết tình trạng của con. Thông qua việc theo dõi thai máy, mẹ bầu sẽ nhận được các tín hiệu về tình trạng và sức khỏe của con mình. Nếu thai nhi khỏe mạnh thì từ tuần thứ 20 trở đi chắc chắn mẹ sẽ cảm nhận được thai máy ở bụng dưới.
Chính vì thế, trong thai kỳ mẹ bầu rất cần học cách theo dõi việc thai nhi đạp bụng dưới để biết con có đang gặp vấn đề gì hay không? Đạp bình thường chứng tỏ thai nhi khỏe mạnh, không cảm thấy thai máy rất có khả năng thai bị suy hoặc lưu thai.
Thai máy là một dấu hiệu cho mẹ theo dõi được sức khỏe của thai nhi (Ảnh: istockphoto)
Bạn có thể chưa biết:
Cách đếm thai máy tháng cuối để phát hiện sớm sảy thai, lưu thai chính xác nhất
Thai nhi đạp nhiều bụng dưới có ổn không?
Trong ba tháng giữa của thai kỳ, thông thường thai máy ở bụng dưới của mẹ sẽ không đều. Càng về sau khi thai càng phát triển thì tần suất này càng đều đặn hơn. Và thể hiện rõ nhất là khi thai bước vào tuần thứ 26 của thai kỳ. Tuy nhiên, thai máy ở mỗi mẹ bầu cũng sẽ khác nhau. Bởi lẽ, lượng nước ối ít hay nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến cảm nhận thai máy của mẹ. Những mẹ bầu có thành bụng mỏng sẽ cảm nhận rõ thai máy hơn mẹ bầu có thành bụng dày.
Tin mừng là thai máy ở bụng dưới liên tục không phải là hiện tượng quá đáng lo. Bé liên tục đạp bụng mẹ rất có thể là vì những nguyên nhân sau:
- Được nạp nhiều chất dinh dưỡng: Điều này xuất hiện khi mẹ ăn no – bé được bổ sung thêm các vi chất cần thiết; hoặc khi mẹ nằm nghiêng sang bên trái – tư thế làm gia tăng lượng máu và các chất bổ dưỡng đến thai nhi.
- Bé bị gây chú ý từ các tác nhân bên ngoài: Những âm thanh lớn, tiếng xe cộ, tiếng cười nói nơi công cộng đôi khi cũng chính là tác nhân kích thích bé quẫy đạp.
Dấu hiệu nhận biết thai máy
Để chuẩn bị cho việc cảm nhận cử động của thai nhi, tốt nhất mẹ bầu cần làm trống bàng quang của mình bằng cách đi vệ sinh. Sau đó, nằm thư giãn ở một vị trí thoải mái, đặt tay lên bụng và bắt đầu cảm nhận.
Hiện tượng thai máy ở tuần thứ 16 đến 22
Đây được xem là giai đoạn thai máy rõ ràng. Mẹ dễ dàng cảm nhận được những cử động từ không đều và yếu ớt đến những cử động liên tục và mạnh mẽ của thai nhi. Đây là lúc mẹ nên học cách đếm số lần thai máy ở bụng dưới để theo dõi sức khỏe của bé.
Mỗi ngày mẹ bầu cần dành ít nhất 30 phút để đếm số lần thai nhi cử động. Thai nhi được xem là khỏe mạnh khi có ít nhất 4 đợt cử động trong 1 giờ. Nếu sức khỏe thai nhi ổn định mà mẹ không đếm được số lần thai nhi đạp bụng dưới thì hãy xem xét đến việc lúc này bé đang ngủ. Mẹ có thể đếm lại sau 30 phút hoặc 1 tiếng tùy vào giấc ngủ của bé.
Đếm thai máy (Ảnh: istockphoto)
Bạn có thể chưa biết:
Cách nhận biết thai máy lần đầu cho mẹ mang thai và phòng tránh bất thường thai kỳ qua đếm cử động thai
Thai nhi đạp bụng dưới ở tuần thứ 30 – 38
Lúc này, những gì mẹ bầu cảm nhận được không chỉ là việc bé trở mình mà là những “trận” thai máy vô cùng mạnh mẽ như đạp bụng dưới, thậm chí là “nhào lộn” trong bụng mẹ.
Theo thống kê của các chuyên gia về thai sản, ở giai đoạn tuần thứ 30 đến 38, một em bé khỏe mạnh sẽ đạp khoảng 15-20 lần/ngày. Nếu trẻ giảm cử động dưới mức 10 lần/ngày rất có thể do bé đang thiếu dinh dưỡng và oxy hoặc bụng mẹ đã trở nên chật chội không còn chỗ cho bé quẫy đạp. Để an toàn, mẹ cần thông báo điều này ngay cho bác sĩ.
Tuy nhiên, cần lưu ý thêm, ở giai đoạn cuối thai kỳ, hiện tượng thai máy dễ bị nhầm lẫn với các cơn gò tử cung. Mẹ bầu cần phân biệt rõ gò tử cung là hiện tượng cả bụng cứng lên gây đau, trong khi đó thai máy chỉ xuất hiện ở một vùng bụng do bé trực tiếp tác động lên.
Các dấu hiệu không nên xem thường khi theo dõi thai máy
Bác sĩ chuyên khoa I Lê Hồng Liên – Khoa Sản phụ khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park cho biết “Theo dõi thai máy là việc vô cùng quan trọng trong thai kỳ để đảm bảo sự phát triển của thai nhi. Thông thường, mẹ nên đếm thai máy sau bữa ăn, nếu có ít hơn 4 đợt cử động thai, mẹ cần nằm thẳng người, thư giãn và đếm thai máy trong 1 giờ hoặc 2 giờ tiếp theo. Trường hợp, sau 2 giờ thai nhi có ít hơn 10 đợt cử động thai, mẹ cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra và theo dõi kịp thời”.
Trong thời gian mang thai, việc cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể là cần thiết tuy nhiên mẹ bầu cũng cần kiểm soát cân nặng của chính mình. Bởi theo một số nghiên cứu mới nhất về thể trạng của mẹ bầu thì người có cân nặng hợp lý sẽ dễ cảm nhận được việc thai nhi đạp bụng dưới hơn so với người thừa cân.
Khi đạt 38 tuần nếu thai nhi khỏe mạnh sẽ đạp từ 15 đến 20 lần một ngày (Ảnh: istockphoto)
Tuyệt đối không nên chủ quan cho rằng thai máy càng nhiều chứng tỏ bé càng khỏe. Trong một số trường hợp, thai máy liên tục rất có thể là do bé thiếu oxy hoặc bị dây rốn vô tình quấn quanh cổ. Điều này thường xảy ra vào cuối thai kỳ, chính vì thế, để mẹ và con cùng khỏe mạnh thì tốt nhất mẹ bầu hãy nên tìm đến sự tư vấn của bác sĩ ngay khi cảm thấy có bất cứ điều gì bất ổn nhé!…
Kết luận
Hy vọng bài viết này đã giúp được các mẹ bầu gỡ rối phần nào các thắc mắc về việc thai máy ở bụng dưới. Hãy luôn theo dõi cử động của bé mỗi ngày để chắc rằng bé yêu của chúng ta luôn luôn khỏe mạnh nhé!
Nguồn tham khảo: Thai máy như thế nào là bình thường, thế nào là bất thường? – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!