Thai lưu nhưng vẫn nghén khiến một số mẹ tưởng rằng mình còn hi vọng để cứu con. Thực tế đây là hiện tượng do hoóc môn thai kỳ vẫn còn nhưng đang giảm dần.
Đây là những nội dung mà bạn sẽ có được trong bài viết này:
- Biểu hiện thường gặp khi bị ốm nghén
- Vì sao thai lưu nhưng vẫn nghén?
- Phát hiện thai lưu như thế nào?
- Mẹ bầu nên làm gì khi bị thai lưu?
Biểu hiện thường gặp khi bị ốm nghén
Khi bị ốm nghén, đa số sẽ có cảm giác buồn nôn và nôn ói liên tục. Các cơn buồn nôn thường nặng nề vào buổi sáng khi thức dậy nên còn có tên gọi là “bệnh buổi sáng”. Các cơn nghén cũng dễ khởi phát khi gặp mùi vị thức ăn, bị kích thích bởi ánh sáng hoặc tiếng động, nơi đông người…
Chính vì nôn ói quá nhiều, không thể dung nạp được thức ăn, đa số sản phụ sẽ bị sụt cân hơn so với lúc trước khi mang thai. Thậm chí, có sản phụ không thể uống được nước, đối diện với nguy cơ mất nước và rối loạn điện giải mức độ trung bình cho đến nguy kịch.
Ngoài nôn ói, biểu hiện ốm nghén là sản phụ có cảm giác chán ăn, thường xuyên thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng, không thể tập trung vào bất cứ điều gì khác hơn ngoài cảm giác buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ.
Mẹ đã biết chưa?
Vì sao thai lưu nhưng vẫn nghén?
Tình trạng thai lưu có thể xảy ra với bất kỳ mẹ bầu nào mặc dù tỉ lệ này chỉ chiếm một số ít. Khi bị thai lưu ngoài các hiện tượng như ra máu, đau bụng, tim thai ngừng đập, … bạn sẽ vẫn thấy các biểu hiện của thai kỳ, một trong số đó là ốm nghén.
Khi đó, có thể bạn cảm thấy mình đang còn chút tia hi vọng, rằng em bé sẽ không sao cả như tâm sự của một mẹ cho biết:
“Ngày 19/6 em thử que lên 2 vạch. Tính đến 29/7 đã 5 tuần 6 ngày. Chu kỳ của em thường 40 ngày. Hôm 29/7 em đi siêu âm, bác sĩ kết luận thai lưu 6 tuần 2 ngày. Nhưng em chưa thấy dấu hiệu chảy máu, sữa non hay giảm nghén. Em rất buồn và lo lắng nhưng vẫn nuôi chút hi vọng nhỏ nhoi”.
Bác sĩ Trương Thị Vân – bác sĩ chuyên sản phụ khoa của phòng khám Đa Khoa Y Học Quốc Tế giải thích về hiện tượng thai lưu nhưng vẫn nghén này như sau:
Việc lưu thai có còn ốm nghén không còn tùy vào từng trường hợp. Thông thường, khi bị thai lưu các mẹ sẽ thấy các cơn ốm nghén khi mang thai bị suy giảm, thậm chí là biến mất hoàn toàn. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp mẹ vẫn thấy triệu chứng nghén như bình thường do lượng hoóc môn thai kỳ vẫn hoạt động. Nhưng dần dần triệu chứng nghén sẽ biến mất.
Vậy để chắc chắn về tình trạng thai lưu, mẹ bầu nên đi khám sớm. Từ đó bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp.
Phát hiện thai lưu như thế nào?
Trong quá trình thăm khám nếu phát hiện các dấu hiệu thai lưu hoặc nghi ngờ, bác sĩ có thể sử dụng siêu âm Doppler để kiểm tra nhịp tim của thai nhi.
Nếu thai nhi chết và không có bất kỳ triệu chứng nào ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà mẹ, bác sĩ có thể chỉ định đợi đến khi thai đẩy ra ngoài tự nhiên hoặc dùng phương pháp y khoa để lấy thai ngay lúc đó.
Nếu sức khỏe của sản phụ đang bị đe dọa, cần phải lấy thai ra càng sớm càng tốt nhưng hiếm khi có trường hợp nguy cấp cần phải mổ để lấy thai.
Thai lưu có cứu được không? Đây là trường hợp thai không còn phát triển nhưng đang còn lưu lại trong tử cung trên 48 giờ, vì thế không có phương pháp nào giúp thai lưu phục hồi sự sống.
Mẹ bầu nên làm gì khi bị thai lưu?
Khi biết thai lưu, mẹ bầu sẽ bị ảnh hưởng tinh thần nặng nề. Song mẹ nên thực sự bình tĩnh lại và thực hiện các việc sau đây:
1. Tìm hiểu nguyên nhân khiến thai lưu
Xác định nguyên nhân thai lưu là việc làm cần thiết và quan trọng. Điều này giúp mẹ biết được những nguy cơ tiềm ẩn trong lần mang thai kế tiếp để phòng tránh.
Các bác sĩ có thể chỉ định mẹ làm các kiểm tra liên quan tới các yếu tố di truyền và tình trạng nhiễm trùng nếu có. Ngoài ra, kiểm tra các bất thường xuất hiện ở thai nhi để xác định các yếu tố khiến thai lưu.
Mẹ đã biết chưa?
2. Chị em cần dành thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe nhiều nhất có thể
Kết thúc cuộc phẫu thuật, cơ thể mẹ mệt mỏi và cần nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe. Sản phụ nên nghỉ ngơi ít nhất từ 6 – 8 tuần, ăn uống đầy đủ để sớm bình phục.
Lưu ý, sau khi mổ cơ thể mẹ có thể tiết sữa trong khoảng 10 ngày. Tuy nhiên đây là cơ chế bình thường của cơ thể. Sản phụ có thể nhờ bác sĩ kê thuốc để giảm tình trạng này.
3. Cố gắng giữ cho tinh thần ổn định
Đau buồn là điều khó tránh khỏi khi xảy ra mất mát lớn. Chị em hãy chủ động chia sẻ với người thân để giải tỏa. Tránh lâm vào tình trạng đau buồn kéo dà, chán ăn, mất ngủ, dẫn đến trầm cảm và chấn thương tâm lý.
4. Cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp
Khi bị thai lưu, chị em cần chú ý bổ sung những loại thực phẩm giàu folic, canxi, vitamin, protein, .. như rau dền, rau ngót, bông cải xanh, cà chua, bí đỏ, táo, nho, chuối….; thịt bò nạc, thịt lợn nạc, gan động vật, cá, trứng, sữa, ngũ cốc,….
Đồng thời bạn nên cố gắng kiêng quan hệ tình dục 1-2 tháng để sức khỏe hồi phục và tránh viêm nhiễm, tổn thương tại cổ tử cung.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!