Thai 14 tuần biết đạp chưa nhỉ, mẹ có tò mò không? Trong khi một số mẹ bước sang tháng thứ thứ 4 đã bắt đầu cảm nhận được những chuyển động từ thai nhi thì một số mẹ khác lại chưa thực sự bắt được tín hiệu nào từ con. Tại sao lại có sự khác nhau như vậy? Thai nhi 14 tuần đang lớn lên trong bụng như thế nào? Nếu chưa thấy con đạp ở tuần thai này liệu có sao không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp những thắc mắc này của mẹ bầu cũng như nhắc mẹ một số lưu ý nhỏ về chăm sóc thai kỳ ở tuần thai thứ 14.
Nội dung bài viết:
- Sự phát triển của thai 14 tuần
- Thai 14 tuần biết đạp chưa
- Lưu ý về hiện tượng thai máy
Sự phát triển của thai nhi 14 tuần
Thai 14 tuần là thời điểm mẹ bầu đã bước sang tam cá nguyệt thứ 2. Lúc này, em bé của mẹ có chiều dài đầu mông khoảng 8,7cm với cân nặng chừng 43g và có thể so sánh kích thích tương đương như một quả chanh dây. Mặc dù vẫn còn nhỏ xíu nhưng các bộ phận cơ thể của bé đã phát triển tương đối hoàn chỉnh, ngay cả dấu vân tay cũng đã rất rõ nét.
Ở tuần này, con đã có kích thước bằng 1 quả chanh dây (Nguồn ảnh: vinmec)
- Tóc và lông mày đã bắt đầu phát triển, lông măng mọc nhiều và bao trọn cơ thể.
- Cằm, trán, mũi đã nhìn thấy một cách rõ ràng hơn khi siêu âm. Mí mắt vẫn còn khép chặt nhưng đã bắt đầu phản ứng với những kích thích từ bên ngoài.
- Hệ xương chuyển dần từ trạng thái sụn mềm sang xương cứng. Phần cổ của bé đã dần định hình, không còn dính liền với 2 bả vai nữa. Tay chân đang dài ra và dần cân đối với cơ thể.
- Bộ phận sinh dục của bé cũng đang hoàn thiện hơn. Tim thai đã có khả năng bơm 25 lít máu/ngày để nuôi cơ thể và nhịp tim của con bằng ½ nhịp tim của mẹ. Các bộ phận bên trong cơ thể như phổi, thận, gan, lá lách đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ của mình.
- Do các xung động não, hệ thần kinh tác động nên thai nhi 14 tuần tuổi đã thể hiện được nhiều biểu cảm qua nét mặt như nhăn mặt, cau mày, nheo mắt. Con cũng đã có thể uốn mình, co tay, co chân và đôi khi còn nấc cụt nữa.
Mẹ có thể quan tâm:
Hình ảnh thai nhi 4 tháng tuổi như thế nào? Bé đã biết đạp chưa?
Những thay đổi của cơ thể mẹ ở tuần thai này
Theo bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Xuân Minh – Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng, ở tuần thai này, mẹ sẽ trải qua những thay đổi dưới đây:
- Cơ thể bớt mệt mỏi và dần trở lại trạng thái khỏe mạnh sau giai đoạn đầu làm quen
- Bầu ngực tiếp tục phát triển to lên nhưng đã bớt nhạy cảm hơn
- Mẹ hết cảm giác chán ăn, buồn nôn, nôn nghén
- 1 số mẹ sẽ bị ngạt mũi do nồng độ hormone tăng cao làm tăng lượng máu đến lớp màng nhầy ở mũi.
Giải đáp thắc mắc của mẹ bầu: Thai 14 tuần biết đạp chưa?
Phân biệt hiện tượng thai máy, thai đạp
Thai máy, thai đạp hay còn được gọi là cử động thai là những dấu hiệu khi em bé trong bụng có những hoạt động thể chất như co mình, vặn người, lộn nhào, đạp đá… tạo nên những tác động mà người mẹ có thể cảm nhận được nhiều ít tùy thuộc vào tuổi thai. Khi mẹ bầu nhận biết được thai máy đạp cũng đồng nghĩa với việc con yêu đã chuyển qua một bước phát triển mới.
Mẹ cần phân biệt các cử động thai (Nguồn ảnh: vinmec)
Thực tế là trong suốt thai kỳ, mẹ bầu nào cũng sẽ dần làm quen với những cú máy đạp của các cô cậu nhóc trong bụng. Đây được xem là một trong những tiêu chí xác định tình trạng phát triển và sức khỏe của thai nhi liên quan đến thời điểm, tần suất và mức độ chuyển động thai. Ngoài các kiến thức sinh sản mẹ có thể tự tìm hiểu, khi thăm khám, các bác sĩ cũng sẽ trao đổi và giải thích cho thai phụ những điều cần biết xoay quanh các dấu hiệu máy đạp của thai để mẹ bầu theo dõi và phân biệt được các tín hiệu từ con yêu.
Thời điểm thai nhi có những chuyển động đầu tiên
Theo các chuyên gia khoa sản thì từ khi bắt đầu được thụ tinh và làm tổ thì thai nhi đã là một thực thể sống. Em bé được khoảng 8 tuần tuổi đã có những cử động thai đầu tiên. Tuy nhiên, lúc này con vẫn còn quá nhỏ và ẩn mình trong lớp đệm tử cung nên những cử động này nhẹ đến nỗi mẹ hoàn toàn không thể nhận biết được.
Qua từng tuần thai phát triển, mẹ đã có thể nhìn thấy con xoay trở trong bụng qua hình ảnh siêu âm, đồng thời cường độ của những chuyển động thai cũng tăng dần và rõ rệt hơn. Mẹ có thể xem những cú máy đạp của thai nhi chính là một cách thức giao tiếp và kết nối của con với mẹ.
Thai 14 tuần biết đạp chưa?
Ở tuần thai thứ 14, các hoạt động của thai nhi đã diễn ra nhiều hơn và đa dạng hơn. Lúc này bé yêu tha hồ dang chân tay, nấc cụt, ưỡn mình và đạp qua đạp lại. Những cú đạp đã bắt đầu có lực hơn nên mẹ thường tự hỏi thai 14 tuần biết đạp chưa vì có mẹ thì nói có, có mẹ lại bảo chưa.
Theo chia sẻ của những bác sĩ có kinh nghiệm thì thai nhi 14 tuần đã biết đạp rồi nhưng mức độ đạp và cảm nhận ở từng mẹ bầu là khác nhau. Điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Vì thành tử cung và nước ối vẫn còn khá dày nên hầu hết các mẹ bầu ở tuần thai thứ 14 chưa cảm nhận được nhiều về những chuyển động của con ở bên trong cơ thể.
Tuy nhiên, ở lần mang thai thứ 2 mẹ sẽ dễ nhận ra những cú đạp nhẹ đầu tiên của bé hơn là các mẹ mang thai lần đầu vì ít nhiều chị em đã trở nên nhạy cảm hơn với những tín hiệu của con. Ngoài ra, vị trí của nhau thai cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc mẹ cảm nhận được thai máy sớm hay muộn. Những mẹ có nhau thai bám mặt trước sẽ nhận biết được thai máy đạp muộn hơn các mẹ có vị trí nhau thai ở mặt sau. Theo chia sẻ của các mẹ bầu, vóc dáng khi mang thai cũng cho những câu trả lời khác nhau về việc thai 14 tuần biết đạp chưa. Những chị em cao gầy, nhỏ nhắn thường cảm nhận cử động của con dễ dàng hơn và ngược lại.
Cảm giác về những cú máy đạp của con
Mặc dù chuyển động của thai nhi ở tuần 14 chưa thực sự nhiều để có thể cảm nhận rõ rệt nhưng cú máy đạp đầu tiên mẹ nhận ra từ con yêu chắc chắn là một trải nghiệm tuyệt vời không thể nào quên.
Khác với mong chờ của mẹ, tín hiệu đầu tiên đến từ con hoàn toàn không báo trước mà theo nhiều cách khác nhau. Đôi khi như tôm búng, cá quẫy, một cánh bướm thoáng qua hay ngộ nghĩnh hơn là như nổ một hạt bỏng ngô. Với những mẹ mang thai lần đầu, cảm nhận này thậm chí còn bị nhầm lẫn với cảm giác cồn cào khi đói hay tình trạng đầy hơi, chướng bụng.
Ở tuần thai này chuyển động của bé vẫn còn rất nhẹ nhàng (Nguồn ảnh: BV Hồng Ngọc)
Bắt đầu từ tuần thai thứ 16 trở đi, những nhầm lẫn này đã biến mất vì lúc này mẹ có thể dễ dàng đoán biết được đâu là những cú đạp của bé yêu. Càng về các tuần thai sau những chuyển động này sẽ càng trở nên mạnh hơn, tần suất nhiều hơn và thời gian kéo dài hơn. Điều thú vị là có lúc mẹ bắt được những khoảng khắc hưng phấn hay hiếu động của con với những cú xoay chuyển, nhào lộn và mẹ có thể cảm nhận được bàn tay hay bàn chân bé xíu của con in hằn trên thành bụng.
Mẹ có thể quan tâm:
Thai 17 tuần: Cách đếm nhịp tim thai nhi và những chất mẹ cần bổ sung
Những lưu ý mẹ bầu cần nhớ về hiện tượng thai máy
Ngoài trả lời cho mẹ bầu biết thai 14 tuần biết đạp chưa, chị em cũng cần lưu ý thêm rằng
- Thai máy đạp là hiện tượng phổ biến trong thai kỳ. Mẹ không cần phải quá lo lắng nếu chưa cảm nhận được tín hiệu của con yêu ở tuần thai thứ 14. Tuy nhiên, sau tháng thứ 5 của thai kỳ mà mẹ chưa thấy có bất cứ chuyển động nào rõ rệt từ thai nhi thì đó có thể là một dấu hiệu đáng lo ngại, mà mẹ cần hết sức lưu ý.
- Mỗi em bé có cách hoạt động riêng khi trong bụng mẹ, nên chị em không cần phải so sánh với các bà mẹ khác nếu trải nghiệm của mình không giống với họ. Nếu mức độ hoạt động của bé không đột nhiên thay đổi quá nhiều thì mẹ có thể yên tâm vì con yêu vẫn đang hoàn toàn khỏe mạnh.
- Ở tuần thai thứ 14, xương tai trong của bé đã hình thành, tai từ vùng cổ đã dần dịch chuyển lên vùng đầu và bé đã bắt đầu phản ứng với âm thanh bên ngoài bụng mẹ. Vì vậy, nếu mẹ áp dụng thai giáo như trò chuyện, đọc sách, hát cho bé nghe không chỉ là cách để kích hoạt khả năng tiềm thức ngôn ngữ của thai nhi, hoàn thiện cơ quan thính giác mà còn là một phương pháp hữu hiệu trong việc kích thích những chuyển động của con và phản ứng lại bằng những cú máy đạp như một hình thức giao lưu cùng mẹ. Điều này là hoàn toàn có lợi cho sự phát triển của thai nhi.
Lời kết
Mẹ có thể không cần phải quá lo lắng về việc thai 14 tuần biết đạp chưa vì đó không phải là dấu mốc bắt buộc giống nhau cho tất cả các mẹ bầu về việc cảm nhận những chuyển động của con.
Đây là thời điểm dễ chịu nhất với mẹ bầu, vì vậy mẹ hãy chăm sóc thai kỳ thật tốt cả về thể chất và tinh thần để đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi. Những cú đạp của con yêu sẽ đến sớm thôi và mẹ đừng quên ghi lại cảm xúc của mình về trải nghiệm này trong nhật ký mang thai nhé!
Nguồn tham khảo: Sự phát triển của thai nhi tuần 14 – Vinmec
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!