Gò tử cung và thai máy là gì? Một số chị em mang thai lần đầu hẳn là còn nhiều bỡ ngỡ với 2 khái niệm này và đôi khi dễ nhầm lẫn với nhau. Tuy nhiên, các chị em cần phân biệt hai trạng thái này để theo dõi chính xác tình trạng của thai nhi trong bụng.
Gò tử cung và thai máy là gì?
Thường thì cơn gò tử cung sinh lý bắt đầu xuất hiện vào khoảng tháng thứ 4 của thai kỳ trở đi. Gò tử cung sinh lý (hay còn gọi là cơn gò Braxton-Hicks) chính là hoạt động co thắt của cơ tử cung, không gây đau đớn nhưng làm cho chị em thấy căng tức vùng bụng dưới. Khi mẹ bầu cảm giác bất chợt hơi căng tức vùng bụng dưới, kéo dài khoảng 30 giây cho tới không quá 2 phút và không thành cơn, cảm giác biến mất khi nghỉ ngơi thì đó là khi mẹ bầu đang gặp cơn gò tử cung sinh lý.
Thai máy là cử động của thai nhi ở trong bụng mẹ. Mẹ bầu sẽ cảm nhận rõ cử động của bé yêu khi bé bắt đầu được 16-22 tuần thai và hầu như mỗi ngày mẹ đều cảm nhận được, đặc biệt thai máy càng rõ cho tới lúc mẹ sinh. Đây là một trong những dấu hiệu đánh giá sức khoẻ của thai nhi nên mẹ cần theo dõi và đi kiểm tra nếu không thấy thai máy kể từ tuần 24.
Nhầm lẫn giữa gò tử cung và thai máy?
Khoảng tháng thứ 4 hoặc 5 của thai kỳ, các mẹ có thể nhầm lẫn hiện tượng gò tử cung sinh lý với thai máy, đặc biệt đối với những mẹ mang thai lần đầu. Một số mẹ thấy thai máy nhịp nhàng lại nghĩ là tử cung của mình đang gò và mình sắp chuyển dạ, lo lắng chuyện sinh non; một số mẹ khác khi thấy căng bụng dưới chốc lát (tử cung co thắt) lại tưởng là bé đang “quẫy đạp” trong bụng. Chuyện nhầm lẫn này là dễ hiểu bởi cử động của thai nhi thời điểm này vẫn còn khá nhẹ nhàng, mẹ bầu đừng quá lo lắng nhé!
Tần suất gò tử cung và thai máy cho tới tuần 36 của thai kỳ sẽ có sự tỷ lệ nghịch đáng kể. Thời điểm này, kích thước em bé trong bụng mẹ đã khá lớn nên tử cung không có nhiều khoảng trống cho bé “tung hoành” như trước, do đó mẹ sẽ thấy thai máy ít hơn trước. Tuy nhiên, trong lúc tỉnh giấc, thai nhi sẽ cử động tối thiểu 3 – 4 lần/giờ. Trong khi số lần thai máy giảm đi, số lần gò tử cung sinh lý lại tăng lên và mẹ sẽ thấy căng tức bụng dưới nhiều hơn trước.
Phân loại các kiểu gò tử cung
Tử cung có hoạt động co thắt kể từ tháng thứ 4 của thai kỳ trở đi và cho tới lúc sinh, hoạt động co thắt có những chuyển biến rõ rệt. Có những kiểu gò tử cung bạn cần phân biệt như sau:
1. Gò tử cung sinh lý (cơn gò Braxton-Hicks)
Đây là cơn gò mẹ bầu thường thấy nhất trong khoảng thời gian mang thai, kể từ tháng thứ 4 của thai kỳ. Cơn gò Braxton-Hicks xuất hiện bất chợt, khiến mẹ bầu căng tức vùng bụng dưới. Các cơn co thắt tử cung thường xuất hiện ở vùng bụng phải, sau đó lan tỏa ra cả vùng bụng dưới, xuất hiện trong khoảng 30 giây tới không quá 2 phút. Mất nước hay mất sức có thể khiến mẹ gặp cơn gò này nhiều hơn. Mẹ thường cảm nhận được chúng vào ban đêm, nhất là sau một ngày mệt mỏi. Tuy nhiên, gò tử cung sinh lý thực sự cần thiết trong thai kỳ, vì nó là bước đầu để tử cung luyện tập khả năng chịu đựng cho ngày sinh của người phụ nữ.
Cơn gò sinh lý không tăng dần theo thời gian, không làm người phụ nữ đau nhiều hơn và không làm thay đổi cổ tử cung. Những cơn gò có tính chất như trên thường xuất hiện khi mẹ bầu mệt mỏi, mất nước hay đi đứng quá nhiều và sẽ biến mất khi nghỉ ngơi hay thư giãn. Để giảm bớt cơn gò, các mẹ nên uống nhiều nước, dành thời gian nghỉ ngơi và nên nằm nghiêng sang bên trái.
2. Cơn gò chuyển dạ sinh non
Mẹ bầu trước 37 tuần nếu có những dấu hiệu gò tử cung sau đây thì rất dễ sinh non:
- Đau vùng bụng dưới và thành cơn (10 phút/lần) trong hơn 1 giờ
- Cường độ đau ngày càng mạnh và tần suất dày hơn, cảm thấy bụng cứng hơn
- Có thể chảy máu âm đạo, tiêu chảy hay có nước chảy ra từ âm đạo (vỡ ối)
Những trường hợp mẹ bầu sau thường dễ sinh non:
- Đã có tiền sử sinh non
- Mang đa thai (sinh đôi, sinh ba)
- Có bất thường về tử cung, cổ tử cung hay nhau thai
- Bị nhiễm trùng
- Bị thiếu cân hay béo phì trước khi mang thai
- Hút thuốc lá hay một số loại thuốc, chất kích thích
- Thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh: Ngủ không đúng giờ giấc, căng thẳng nhiều …
- Không khám thai định kỳ và chăm sóc thai nhi sai cách
3. Cơn gò tử cung khi chuyển dạ đủ tháng
Các mẹ sẽ có cơn gò chuyển dạ đủ tháng nếu mẹ mang thai từ tuần 37 trở đi. Cơn gò chuyển dạ chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn sớm trước chuyển dạ và giai đoạn chuyển dạ thực sự.
Giai đoạn sớm trước chuyển dạ
Mẹ bầu sẽ có cảm giác căng chặt tử cung hay bụng dưới, kéo dài từ 30 – 90 giây nhưng mức độ của các cơn gò trong giai đoạn này vẫn còn nhẹ nhàng. Những cơn gò này sẽ xuất hiện thành cơn cứ khoảng 10 phút/lần và tăng dần đều về khoảng cách và cường độ. Càng đến lúc chuyển dạ, cơn gò càng xuất hiện dày hơn, có thể xuất hiện 5 phút/lần.
Trong giai đoạn này, chị em nên lưu ý đến những dấu hiệu giúp nhận biết chuyển dạ thực sự như thấy chất nhầy hồng từ cổ tử cung do cổ tử cung mở rộng dần, thậm chí là vỡ ối.
Giai đoạn chuyển dạ thực sự
Trong giai đoạn chuyển dạ thực sự, cổ tử cung mở rộng từ 7 – 10cm, cơn gò tử cung sẽ diễn ra liên tục và tính chất cơn đau tăng lên, kéo dài từ 60 tới 90 giây. Cơn gò có thể lan ra từ lưng ra trước bụng gây chuột rút ở chân và đau. Cơn gò thậm chí có thể diễn ra liên tục, chồng lên nhau để đẩy em bé ra ngoài. Khi chuyển dạ, cơn gò có thể làm thai phụ đau đầu, buồn nôn, nóng ran hoặc ớn lạnh, đầu bùng,… Thai phụ cần được nhập viện để được sinh nở an toàn, hạn chế tối đa các tai biến cho cả mẹ và bé.
4. Các cơn co thắt tử cung sau sinh
Các cơn co thắt sau sinh rất cần thiết để đẩy nhau thai ra ngoài. Tử cung cũng sẽ tiếp tục co lại về kích thước trước khi mang thai. Cho con bú cũng kích hoạt các cơn gò tử cung sau sinh. Nếu mẹ đau trong hai đến ba ngày sau sinh thì hoàn toàn bình thường.
Thai máy như thế nào là bình thường?
Hiện tượng thai máy sẽ được các mẹ cảm nhận rõ khi thai nhi được 16-22 tuần tuổi trở đi. Tuỳ vào giai đoạn phát triển, em bé có thể “nhào lộn” và duỗi chân/tay, đấm, đá, đạp… vào thành bụng mẹ. Tần suất thai máy bình thường là vào khoảng 10-30 lần trong vòng 12 tiếng đồng hồ và mẹ cảm thấy thai máy mạnh nhất trong khoảng thời gian thai được 30-36 tuần. Đến tuần 36 trở đi, do kích thước thai to và gần tới ngày mẹ chuyển dạ, số lần thai máy sẽ giảm đi nhưng vẫn cử động tối thiểu 3-4 lần/giờ khi bé thức.
Không thấy thai máy sau tuần 24
Sau tuần thứ 24, nếu mẹ không cảm thấy cử động của thai mỗi ngày, mẹ cần phải ngay lập tức đến gặp bác sĩ để được thăm khám, bởi thai máy là một trong những dấu hiệu chỉ báo sức khoẻ và sinh tồn của bé ở trong bụng mẹ. Đặc biệt, nếu mẹ có thêm những triệu chứng như nôn mửa, không căng ngực hay xuất huyết âm đạo và co thắt tử cung đi kèm thì rất có thể thai nhi đang ở trong tình trạng nguy hiểm. Em bé có thể bị thiếu ối/oxy hay gặp vấn đề về nhau thai nên mới không cử động như mọi khi.
Những mẹ hút thuốc lá trong quá trình mang thai sẽ làm tăng nguy cơ ngừng cung cấp chất dinh dưỡng cho bé qua nhau thai. Ngoài ra, thai phụ có tiền sử uống rượu, tiền sản giật, tiền căn thai chết lưu trong thai kỳ trước, thai quá ngày, song thai cùng ối, tăng huyết áp trong thai kỳ, sa dây rốn… đều có nguy cơ làm yếu sức khoẻ thai nhi và đặt em bé vào thế nguy hiểm.
Thai máy quá nhiều?
Nếu trong một giờ, thai máy hơn 20 lần thì có thể gọi là thai máy quá nhiều. Nguyên nhân có thể do bé đang bị stress hoặc chính mẹ của bé đang gặp nhiều vấn đề căng thẳng. Mẹ bầu nên nghỉ ngơi và theo dõi tiếp cử động của bé. Nếu vẫn thấy thai máy tăng nhanh và dồn dập, mẹ bầu nên đến bệnh viện kiểm tra để tránh những biến chứng không đáng có cho con của mình.
Cơn gò tử cung và hoạt động thai máy trong suốt quá trình mang thai mang lại trải nghiệm quý giá về sinh lý và tâm lý cho mẹ bầu. Những hiện tượng này góp phần mang lại sự gắn kết về mặt tinh thần giữa mẹ và con, đồng thời giúp mẹ theo dõi sức khoẻ sinh sản của chính mình. Hãy luôn giữ tâm trạng vui vẻ, bình an và bình tĩnh chờ đến ngày gặp con nhé các mẹ!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!