Bên cạnh “trọng trách” giúp bé tăng cân và tăng chiều cao đều, sức đề kháng là mối bận tâm không nhỏ của các ông bố bà mẹ để giúp con luôn khoẻ mạnh. Bởi lẽ, tăng sức đề kháng cho trẻ không những bảo vệ trẻ khỏi những tác nhân gây bệnh “không mời”, mà còn giảm thiểu nguy cơ biếng ăn gây chững cân ở trẻ. Sau đây là cách tăng sức đề kháng cho trẻ, cha mẹ hãy cùng theo dõi nhé!
Các cách tăng sức đề kháng cho trẻ
Tăng sức đề kháng cho trẻ có nhiều cách, đơn giản nhất là can thiệp bằng chế độ dinh dưỡng, cho trẻ ăn đúng loại, đúng cách. Mẹ có thể bổ sung các loại thực phẩm bên dưới để giúp tăng sức đề kháng cho trẻ vào thực đơn dinh dưỡng hằng ngày.
Duy trì chế độ dinh dưỡng từ sữa mẹ
NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ
Đối với những trẻ vẫn còn bú mẹ, sữa mẹ có nguồn kháng thể vô cùng quan trọng nhất trong những năm đầu đời. Sữa mẹ có chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng và kháng thể, giúp tăng cường sức đề kháng và hệ thống miễn dịch cho bé. Các bé được nuôi bằng sữa mẹ có thể phòng tránh dị ứng, giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm trùng tai cấp tính, giảm nguy cơ hen suyễn và ngăn cản nguy cơ béo phì. Nếu được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến 2 tuổi, mẹ có thể sẽ không cần cho bé sử dụng thêm các loại thuốc bổ tăng cường đề kháng.
Ngoài dưỡng chất và kháng thể, sữa mẹ có đậm độ dinh dưỡng ở mức vừa phải, có phần sữa đầu giúp dịu cơn khát cho bé, vì thế mà khi lượng sữa mẹ dồi dào thì trẻ không cần dùng thêm nước trong 6 tháng đầu. Khi lớp sữa này hết sẽ được thay thế bằng sữa mẹ giàu chất béo, protein và năng lượng.
Rau củ quả
Trái cây và rau củ thuộc nhóm thực phẩm giàu khoáng chất và vitamin thiết yếu có lợi cho sự phát triển của trẻ, nhưng cũng đồng thời là loại thức ăn trẻ ít “ưng” nhất. Chất xơ có trong rau củ quả không chỉ giúp ngăn ngừa táo bón, cung cấp một lượng nước lớn cho cơ thể của trẻ mà còn hỗ trợ hệ tiêu hoá tốt.
Trong đó, các loại rau củ quả chứa vitamin C sẽ giúp tăng sức đề kháng cho trẻ như ớt chuông, cà rốt, bông cải xanh, khoai lang, cam… Vitamin C giúp cơ thể sản sinh tế bào bạch cầu và kháng thể chống lại các virus gây bệnh. Mẹ cũng lưu ý nên cho trẻ dùng luôn cả cái thay vì chỉ uống nước ép hoặc rau củ đông lạnh bị hao hụt lượng lớn vitamin C trong quá trình bảo quản.
Sữa chua
Không chỉ hiệu quả đối với người lớn mà sữa chua còn có công dụng rất tốt cho hệ tiêu hoá của trẻ. Sữa chua chứa men vi sinh giúp cân bằng hệ tiêu hoá vốn còn non nớt của trẻ. Hệ tiêu hoá hoạt động tốt sẽ tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng, giúp trẻ tăng cân đều.
Các lợi khuẩn có trong sữa chua cũng đồng thời hỗ trợ hệ miễn dịch (hơn 70% tế bào miễn dịch trong cơ thể nằm ở hệ tiêu hoá), tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Protein trong sữa chua cũng góp phần không nhỏ đến lượng dinh dưỡng trẻ tiếp thu hằng ngày.
Các loại đậu và ngũ cốc nguyên cám
Các loại đậu thuộc nhóm thực phẩm giàu khoáng chất như Kẽm, Sắt,.. giữ vai trò quan trọng đối với cơ thể của trẻ nhỏ. Kẽm cũng như Sắt, giúp tăng cường sức đề kháng ở trẻ, giảm nguy cơ nhiễm trùng hay nhiễm bệnh như cảm lạnh.
Kẽm còn đóng vai trò then chốt trong quá trình phát triển của các tế bào bạch cầu – đảm nhiệm vai trò phát hiện virus gây bệnh. Ngũ cốc nguyên cám hay còn lại là ngũ cốc nguyên vỏ chứa nhiều axit béo Omega – 3 có lợi cho sự phát triển trí não ở trẻ. Omega – 3 đồng thời hỗ trợ “cuộc chiến” chống lại vi khuẩn của các tế bào bạch cầu hiệu quả hơn.
Dinh dưỡng bổ sung
Ngoài việc cung cấp các loại thực phẩm cần thiết giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ, mẹ có thể bổ sung thêm cho trẻ 2 ly sữa công thức mỗi ngày, hỗ trợ tăng cường sức đề kháng, tạo tiền đề cho bé tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh. Trẻ có nguy cơ thiếu dinh dưỡng thực hiện chế độ ăn có tư vấn và uống ít nhất 2 ly sữa công thức mỗi ngày sẽ bắt kịp tăng trưởng sau 9 tuần, và giảm số ngày ốm sau 16 tuần. Các mẹ có thể xem review về các loại sữa bột tốt hiện nay tại đây.
Những cách khác để tăng sức đề kháng cho trẻ
- Thực hiện tiêm chủng đầy đủ giúp tăng đề kháng và bảo vệ bé lâu dài, hiệu quả.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ để bảo vệ bé khỏi những mầm bệnh mẹ nhé. Mẹ nên rửa tay thật sạch trước khi gần bé và giữ cho không khí xung quanh bé luôn thoáng mát, trong lành và tránh xa khói thuốc, bụi bặm. Không để người lớn hà hơi gần bé.
- Giữ ấm cho bé nhất là khi tắm xong.
- Mẹ cần bảo đảm bé ngủ đủ giấc và thực hiện xoa bóp đúng cách thường xuyên để giúp tăng cường, điều chỉnh hệ tiêu hóa. Giúp máu lưu thông hoàn thiện hệ tuần hoàn và phát triển hệ hô hấp còn non nớt của bé.
- Cho bé sưởi nắng sớm thường xuyên 20-30 phút mỗi ngày.
Hệ miễn dịch của trẻ được bảo vệ, đồng nghĩa với một hệ tiêu hoá tốt, sẽ giúp cơ thể hấp thu tối đa các dưỡng chất cung cấp, hỗ trợ trẻ duy trì đà tăng trưởng tốt và hạn chế các bệnh vặt. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, các bậc cha mẹ nên sớm có kế hoạch tăng cường sức đề kháng cho trẻ thay vì đợi đến khi trẻ thật sự mắc bệnh hay gặp vấn đề về cân nặng. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng cho sự phát triển và tăng trưởng của trẻ.
Tổng hợp cho theAsianparent Việt Nam
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!