Tăng động giảm chú ý ở trẻ 2 tuổi là một chứng rối loạn hành vi của trẻ nhỏ nhưng với độ tuổi này thường bị khá nhiều bậc phụ huynh bỏ qua. Những biểu hiện tăng động giảm chú ý ở trẻ 2 tuổi thường dễ bị nhầm lẫn với chứng hiếu động thường gặp của các em bé đang trong giai đoạn phát triển.
Làm sao để nhận biết chính xác những bất thường trong tính cách và hành vi của trẻ có thể dẫn đến những vấn đề đáng lo ngại khác? Phụ huynh nên làm gì nếu nghi ngờ con có những biểu hiện của bệnh? Bài viết dưới đây sẽ giúp cha mẹ hiểu đúng hơn về tăng động giảm chú ý ở trẻ 2 tuổi.
Tăng động giảm chú ý là căn bệnh như thế nào?
Tăng động giảm chú ý (Attention Deficit/Hyperactivity Disorder – ADHD) là một loại rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ nhỏ và đang có xu hướng gia tăng trong xã hội hiện đại ngày nay. Đây là một rối loạn tâm thần phức tạp có đặc trưng liên quan đến sự hấp tấp, hiếu động thái quá và giảm chú ý. Nghiên cứu tại 102 quốc gia trên thế giới cho thấy có khoảng 6,5% trẻ em mắc rối loạn này.
ADHD thường xuất hiện sớm trong quá trình phát triển của trẻ, thông thường là trong 5 năm đầu tiên của cuộc đời. Cứ 100 trẻ thì có từ 3-5 trẻ mắc chứng bệnh này với một số biểu hiện được bắt đầu trước tuổi lên 7. Bé trai có khả năng mắc cao gấp 3 lần bé gái.
Mức độ bệnh thay đổi theo từng lứa tuổi, từng cá nhân nhưng có khuynh hướng giảm dần vào tuổi thiếu niên. Tuy nhiên nếu bệnh không được phát hiện sớm, điều trị tốt và can thiệp đúng cách có thể dẫn tới những ảnh hưởng xấu đáng lo ngại trong quá trình hình thành tính cách, hành vi và tâm lý trong tương lai của trẻ. Ngày nay, tăng động giảm chú ý đang trở thành nỗi lo của gia đình và xã hội.
Nhận biết những biểu hiện tăng động giảm chú ý ở trẻ 2 tuổi
Thực tế cho thấy, cha mẹ chỉ thực sự phát hiện những vấn đề bất thường về hành vi của trẻ vào giai đoạn 3 tuổi trở lên mà lại không lưu tâm các dấu hiệu tăng động giảm chú ý ở trẻ 2 tuổi vì các biểu hiện của bệnh ở giai đoạn này là chưa rõ ràng. Hơn nữa, ở độ tuổi này đa phần trẻ mới biết nói, biết đi đều rất hiếu động nên không dễ dàng để nhận biết đúng các triệu chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ 2 tuổi vì cha mẹ cho rằng đây có thể chỉ là sự phát triển bình thường mà thôi. Tuy nhiên, một số dấu hiệu sớm ở trẻ 2 tuổi có thể là căn cứ để nghĩ đến chứng tăng động giảm chú ý đó là:
Hiếu động quá mức
Hầu hết trẻ 2 tuổi bị tăng động giảm chú ý thường dư thừa năng lượng nên có thể hoạt động luôn tay luôn chân mà không biết mệt. Nếu để ý cha mẹ sẽ nhận thấy tăng động giảm chú ý ở trẻ 2 tuổi thể hiện qua hành vi:
- Di chuyển liên tục nhưng thường vụng về và hay bị va đập. Dù ở trong nhà hay bên ngoài, trẻ cũng chạy nhảy, leo trèo từ nơi này đến nơi khác mà không cần quan tâm đến xung quanh.
- Khi được yêu cầu ngồi yên trẻ thường tỏ ra khó chịu, bứt rứt. Kể cả khi biết có hình phạt con vẫn tìm mọi cách để tay chân hoạt động.
- Những trường hợp tăng động giảm chú ý ở trẻ 2 tuổi thường thích nói to, la hét, thường xuyên gây ồn ào quá mức và thích người khác chú ý đến mình.
Khoảng thời gian chú ý rất ngắn
Khác với bạn bè cùng trang lứa, một trẻ mắc chứng tăng động thường khó có thể ngồi yên hoặc tham gia vào một nhiệm vụ nào đó trong thời gian ngắn. Ngay cả những hoạt động thú vị mà trẻ rất yêu thích, con cũng khó có thể giữ sự tập trung được lâu. Không những thế, trẻ còn có một số biểu hiện khác như:
- Trẻ nhanh chán, dễ mất hứng thú, không kiên nhẫn và bỏ dở giữa chừng mọi việc
- Khi người lớn nói chuyện con thường không nghe lời mà thường xuyên lơ đãng và phân tâm vào những thứ xung quanh
Những trường hợp tăng động giảm chú ý ở trẻ 2 tuổi nếu không được nhận ra sớm thì khi trẻ lớn hơn và đi học, sự thiếu chú ý này có thể dẫn tới những lỗi bất cẩn, hay quên, mất đồ dùng và dễ bỏ cuộc.
Bốc đồng, dễ nổi nóng, khó kiểm soát hành vi
Trẻ 2 tuổi còn nhỏ nên mọi hành vi đều theo bản năng, chưa biết cách kiểm soát cảm xúc của mình nên thường rất dễ cáu gắt, hờn dỗi, ăn vạ khi không được làm theo ý mình. Tuy nhiên đối với trẻ bị tăng động giảm chú ý thì những phản xạ này thường có xu hướng mạnh mẽ hơn và có thể gây nguy hại đến bản thân và người khác, chẳng hạn như:
- Bất thình lình lao ra ngoài, leo trèo và nhảy từ trên cao xuống. Tìm mọi cách trốn khỏi sự giám sát của người lớn và coi đó như trò chơi trốn tìm.
- Chơi cùng bạn bè nhưng khó hòa đồng vì hay chen ngang, phá đám. Không chịu tuân thủ theo quy định của trò chơi nên có thể gây xích mích, tranh giành đồ chơi, thậm chí đánh các bạn.
- Khi mọi thứ không được như ý, con thường phản ứng mạnh và thái quá như dễ nổi nóng, gào thét, giãy giụa, ăn vạ. Những trường hợp tăng động giảm chú ý ở trẻ 2 tuổi hầu hết đều gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc.
- Ngoài 3 dấu hiệu điển hình trên, bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ 2 tuổi thường kèm theo một số vấn đề khác như chậm nói, rối loạn giấc ngủ, ngủ không sâu giấc. Tất cả các triệu chứng này nếu lặp đi lặp lại với mức độ tăng dần thì đó chính là căn cứ để đánh giá sơ bộ bệnh tăng động ở trẻ.
Lời khuyên dành cho cha mẹ khi có con 2 tuổi bị tăng động giảm chú ý
Trẻ 2 tuổi còn quá nhỏ để có thể ý thức được sự khác thường trong hành vi của mình, vì vậy nếu cha mẹ quan sát thấy con có những biểu hiện hiếu động quá mức kéo dài trên 6 tháng và theo cấp độ tăng dần, gây khó khăn cho trẻ trong nhiều vấn đề như sinh hoạt, giao tiếp, phát triển nhận thức thì nên cho con được thăm khám sớm và thực hiện điều trị theo tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa.
Theo các chuyên gia tâm lý, ngoài can thiệp y khoa, điều trị tăng động giảm chú ý ở trẻ 2 tuổi cần chú trọng tới giáo dục hành vi là chính bởi ở giai đoạn này trẻ đang dần hình thành và phát triển tính cách. Nếu cha mẹ phát hiện sớm những rối loạn thần kinh ở trẻ và can thiệp, tác động điều chỉnh kịp thời sẽ hỗ trợ và định hướng tốt hơn cho sự phát triển của trẻ.
Tạo lập những thói quen tốt
Cha mẹ hãy luôn làm bạn cùng con, vừa hướng dẫn vừa làm cùng trẻ những công việc đơn giản hàng ngày phù hợp với sự phát triển của trẻ 2 tuổi như thu dọn đồ chơi, tự mặc quần áo, đi giày dép, đánh răng rửa mặt hàng ngày, ngủ nghỉ đúng giờ… Những thói quen tốt được làm đi làm lại mỗi ngày vừa rèn cho con tính kỷ luật cá nhân vừa cải thiện khả năng tập trung chú ý của trẻ.
Dành thời gian chơi cùng con
Có lúc trẻ cần chơi 1 mình và có lúc cha mẹ nên chơi cùng con. Các trò chơi xếp hình, nấu ăn, vẽ tranh, tô màu, đóng vai nhân vật… rất phù hợp với những trẻ 2 tuổi. Thông qua các trò chơi, tình cảm gia đình vừa được gắn kết, con cũng rèn luyện được sự tập trung, chú ý và kiên nhẫn hơn trong mọi việc.
Khuyến khích các hoạt động ngoại khóa
Để giải phóng bớt năng lượng dư thừa của trẻ đồng thời là cơ hội tốt để trẻ rèn luyện sức khỏe, tăng cường giao tiếp và học hỏi thêm nhiều kỹ năng trong mỗi hoạt động thể chất này.
Nhẹ nhàng, bình tĩnh với trẻ và không quên khen ngợi, khích lệ con
Trẻ em không nên bị la mắng nhiều vì dễ bị ảnh hưởng tâm lý, đặc biệt là đối với trẻ bị tăng động giảm chú ý. Ở độ tuổi này, những hình phạt quá nghiêm khắc thường không mang lại tác dụng như mong muốn.
Thay vì la mắng, trách phạt trẻ, cha mẹ nên cố gắng nhẹ nhàng, bình tĩnh trong mọi tình huống. Kiên trì khuyên bảo khi trẻ mắc sai lầm, hướng dẫn để con có nhận thức đúng đắn hơn và không ngại dành tặng trẻ một lời khen ngợi, một cái ôm vỗ về hay một phần quà trẻ ưa thích để trẻ có thêm động lực để điều chỉnh hành vi của mình tốt hơn.
Chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh
Các kết quả nghiên cứu về ADHD cho thấy rằng, chế độ ăn uống và thực phẩm có thể làm trầm trọng hoặc cải thiện tốt hơn cho chứng bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ 2 tuổi. Cha mẹ nên giảm lượng hấp thu cho trẻ về đường, thực phẩm tinh chế và các loại thực phẩm có chứa chất phụ gia và nên thay thế bằng các loại rau xanh, hoa quả, ngũ cốc, thực phẩm giàu protein, giàu omega-3.
Lời kết
Trẻ em luôn đáng yêu mà cũng thật tò mò, hiếu động nhưng lại cũng rất dễ bị tổn thương. Khá nhiều cha mẹ vẫn còn mơ hồ về chứngbệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ 2 tuổi. Nếu bỏ qua những dấu hiệu rối loạn về hành vi, tăng động giảm chú ý sẽ tiếp tục phát triển ở mức độ cao hơn và ảnh hưởng không nhỏ đến nhân cách sau này của trẻ.
Thực hiện liệu pháp giáo dục hành vi cho con ngay tại nhà chính là giải pháp ưu tiên hàng đầu trong điều trị căn bệnh này. Mỗi bậc cha mẹ hãy dành cho trẻ những yêu thương và quan tâm đúng mực. Hãy luôn đồng hành cùng con trong hiện tại và tương lai!
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!