Trẻ bị tăng động hay hội chứng tăng động giảm chú ý là một rối loạn có tính chất tâm lý dễ gặp, can thiệp kịp thời sẽ giúp trẻ thoát khỏi chứng tăng động.
Các dấu hiệu của trẻ bị tăng động
Con bạn luôn gặp khó khăn khi phải tập trung, chú ý vào một việc gì đó?
Bé luôn chạy nhảy, vận động không ngừng dường như không biết mệt mỏi?
Tính tình con nóng nảy, thường xuyên quấy rầy và làm phiền người khác?
Nếu câu trả lời là CÓ, rất có thể con bạn đang gặp phải chứng bệnh tăng động giảm chú ý. Bệnh cần được điều trị sớm để tránh những ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng học tập, sự phát triển hành vi và tính cách trong tương lai.
3 dấu hiệu nhận biết
Giảm sự chú ý: Biểu hiện bằng sự bỏ dở các hoạt động trong khi chưa hoàn thành xong. Bên cạnh đó, chúng còn thường chuyển một cách nhanh chóng từ hoạt động này sang hoạt động khác, không chú ý đến công việc đang làm do bị hấp dẫn bởi một công việc khác.
Tăng hoạt động: Biểu hiện bằng các hoạt động quá mức, đặc biệt trong những trường hợp đòi hỏi sự yên tĩnh. Chúng thường chạy nhảy liên tục, hoặc đột ngột đứng dậy rời khỏi chỗ trong khi được yêu cầu ngồi yên, nói nhiều quá mức, gây ồn ào và cựa quậy không ngừng trong khi ngồi.
Thiếu kiềm chế: Biểu hiện bằng sự thiếu kiểm soát trong các mối quan hệ xã hội, sự dại dột trong những hoàn cảnh nguy hiểm, cũng như coi thường các quy tắc ứng xử.
Trẻ bị tăng động giảm chú ý là gì?
Tăng động hay tăng động giảm chú ý (ADHD) là một chứng rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là những trẻ trong độ tuổi từ 3-11. Triệu chứng đặc trưng của trẻ khi gặp phải bệnh này đó là trẻ thường hiếu động quá mức, có các hành vi thái quá và khả năng tập trung, chú ý rất kém.
Trẻ bị tăng động có nguy hiểm không?
Tuy không nguy hiểm như các chứng bệnh liên quan tới hệ thần kinh khác như tự kỷ, động kinh… nhưng nếu không được điều trị thì chứng tăng động có thể ảnh hưởng tới khả năng học tập (do trẻ không tập trung), phát triển hành vi, tính cách theo hướng nóng nảy, khó kiềm chế cảm xúc.
Nguyên nhân gây nên chứng tăng động giảm chú ý
Mặc dù nguyên nhân gây chứng tăng động giảm chú ý vẫn chưa thực sự sáng tỏ, tuy nhiên các nhà khoa học nhận thấy rằng, rất có thể chứng tăng động giảm chú ý là kết quả của tương tác giữa yếu tố gen và môi trường ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Có thể là do:
- Người mẹ hút thuốc lá, sử dụng rượu bia hay các chất gây nghiện khác trong quá trình mang thai
- Tiếp xúc với các chất độc hại từ môi trường như chất phụ gia thực phẩm, chì, tiếp xúc với môi trường có nhiều tiếng ồn…
- Sinh non thiếu tháng, cân nặng khi sinh thấp
- Chấn thương não, ngã va đập vùng đầu
- Rối loạn hoạt động của hệ thần kinh do thiết hụt các chất dẫn truyền như GABA, Dopamin…
Trẻ bị tăng động có nguy hiểm không?
Cách điều trị chứng tăng động giảm chú ý
Theo khuyến cáo của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (American Academy of Pediatrics – AAP), việc điều trị chứng tăng động giảm chú ý đối với những trẻ trên 6 tuổi thì có thể kết hợp giữa thuốc và phương pháp giáp dục hành vi, còn đối với những trẻ nhỏ hơn 6 tuổi thì hiếm khi dùng thuốc bởi nguy cơ về tác dụng phụ có thể còn cao hơn lợi ích mang lại.
Thuốc điều trị tăng động giảm chú ý
– Các hoạt chất có tác dụng kích thích (Stimulants): Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, một số loại thuốc có tác dụng kích thích não bộ sản sinh dopamin, nhờ đó giúp làm giảm đi các triệu chứng ở trẻ tăng động. Các loại thuốc thường được sử dụng nhất là methylphenidate (Ritalin, Concerta, Metadate, Methylin), Dexedrine, Dextrostat, Adderall… thường được các bác sĩ ưu tiên chỉ định đầu tiên. Trẻ có thể sẽ cần một thời gian để “thử thuốc” nhằm tìm ra loại thuốc đáp ứng tốt và liều lượng thích hợp.
– Nhóm thuốc không kích thích (Nonstimulants): Tác dụng chậm hơn nhóm thuốc kích thích nhưng hiệu quả lại kéo dài hơn. Hai loại thuốc điển hình của nhóm này là atomoxetine và guanfacine.
– Nhóm thuốc chống trầm cảm: Ít có tác dụng nhưng lại có tác dụng tốt trong một số trường hợp có những hành vi thiếu kiểm soát, trẻ hung tính…
Phương pháp giáo dục hành vi điều trị chứng tăng động
Giáo dục hành vi được áp dụng theo các nguyên tắc sau:
Trẻ bị tăng động có nguy hiểm không?
– Khen ngợi, kích lệ các hành vi tốt bằng những lời khen ngợi, phần thưởng
– Cho trẻ thấy được hậu quả nếu thực hiện các hành vi không đúng bằng các hình phạt được thực hiện ngay, như phạt không được ra ngoài, không được đi chơi, không được ăn những món ăn yêu thích…
– Yêu cầu trẻ thực hiện công việc theo thời gian biểu để trẻ có những thói quen tốt
Bên cạnh việc giáo dục hành vi thì phụ huynh cũng cần chú ý tới chế độ ăn uống của con. Nên cho con ăn tăng cường các thực phẩm giàu protein, rau quả tươi, hạn chế kẹo bánh, nước ngọt có ga, thực phẩm chế biến hay đóng gói sẵn.
Nguồn – NIMH
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!