Gây tê tuỷ sống có ảnh hưởng gì không? Mẹ sinh mổ nếu có sử dụng phương pháp gây tê tủy sống có thể bị đau đầu, ớn lạnh, ngứa, đau lưng, suy hô hấp nhẹ. Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:
- Gây tê tủy sống là gì?
- Tác dụng phụ của gây tê tủy sống ngay sau khi sinh
- Tác dụng phụ của gây tê tủy sống ngay sau sinh một thời gian
- Cách giảm tác dụng phụ của phương pháp gây tê tủy sống khi sinh
- Khi nào thì mẹ cần gặp bác sĩ?
Gây tê tủy sống là gì?
Hầu hết phụ nữ khi mang thai đều mong muốn được sinh thường và làm nhiều cách để tăng cơ hội sinh thường. Tuy nhiên, đôi khi các bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ đối với một số biến chứng y khoa khiến cho việc sinh thường không thể thực hiện được. Các mẹ khi được chỉ định sinh mổ trong các trường hợp này thường hoang mang lo sợ. Thực tế, các mẹ không cần phải lo lắng như vậy, các bác sĩ sẽ gây tê tủy sống cho sản phụ trước khi tiến hành phẫu thuật.
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tuyến – Bác sĩ Gây mê hồi sức, giảm đau – Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê – Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng, gây tê tủy sống là thủ thuật tiêm thuốc tê vào tủy sống của mẹ bầu, sản phụ sẽ bất động và hoàn toàn không còn cảm giác ở nửa thân dưới.
Quá trình gây tê tủy sống được thực hiện như sau:
- Sát trùng vị trí gây tê cẩn thận để đảm bảo vô trùng tuyệt đối, tránh nhiễm trùng và nhiễm khuẩn sau đó.
- Bác sĩ gây tê tại chỗ, tiêm thuốc tê vào vùng khoang dưới nhện, gần vị trí tủy sống của sản phụ. Quá trình gây tê tủy sống không đau, mẹ bầu sẽ chỉ cảm thấy hơi nhói một chút và hoàn toàn chịu đựng được.
Đừng bỏ lỡ:
Tác dụng phụ của gây tê tủy sống ngay sau khi sinh
Gây tê tủy sống được thực hiện bằng cách tiêm thuốc gây tê vào vùng dịch não tủy. So với gây mê, gây tê tủy sống là phương pháp có lợi hơn cho cả sản phụ và thai nhi.
Gây tê giúp người mẹ vẫn tỉnh táo, nhịp tim và huyết áp điều hòa trong quá trình mổ bắt con đồng thời xác suất nguy hiểm cho bé giảm xuống thấp nhất có thể.
Kĩ thuật gây tê tủy sống khi sinh
Buồn nôn, nôn mửa
Nếu hỏi gây tê tuỷ sống có ảnh hưởng gì không thì buồn nôn và nôn là tác dụng phụ đầu tiên. Sản phụ có thể cảm nhận được phản ứng rất nhanh chóng ngay từ những phút đầu tiên sau khi thuốc gây tê được tiêm vào cột sống. Những thay đổi đầu tiên có thể nhận thấy là huyết áp giảm dẫn đến cảm giác buồn nôn, đôi khi nôn mửa. Các triệu chứng này cũng có thể kéo dài sau khi thuốc gây tê đã hết tác dụng.
Tác dụng phụ của gây tê tủy sống ngay sau sinh một thời gian
Đau đầu
Đau đầu là hiện tượng phổ biến nhất trong số các tác dụng phụ của gây tê tủy sống, thường gặp ở những sản phụ sinh mổ. Nguyên nhân gây đau đầu được giải thích là do sự rò rỉ dịch não tủy qua lỗ thủng màng cứng, làm giảm lớp rào cản đệm của dây thần kinh cảm giác, giãn mạch máu não và tăng áp lực não – tủy.
Sản phụ thường đau xung quanh trán, phía sau mắt hoặc ở đáy hộp sọ, đôi khi kéo dài xuống cổ. Cảm giác đau có thể là đau nhói, đau từng giai đoạn, hoặc liên tục không ngớt.
Trong một số trường hợp, nhức đầu cũng khiến bệnh nhân nhạy cảm với ánh sáng và buồn nôn. Chứng đau đầu thường xuất hiện từ 1 đến 3 ngày sau khi mổ lấy thai, hoặc ngay lập tức sau quá trình sinh nở. Tuy vậy, đa số các trường hợp chứng đau đầu này sẽ hết sau một vài ngày.
Gây tê tủy sống khi sinh có thể gây ra một số tác dụng phụ cho mẹ
Ớn lạnh
Nhiều mẹ thắc mắc gây tê tuỷ sống có ảnh hưởng gì không khi cảm thấy lạnh người sau khi em bé ra đời. Tác dụng phụ này xuất hiện ngay sau khi ca mổ lấy thai kết thúc. Nếu thấy lạnh người, sản phụ nên yêu cầu nhân viên y tế chuẩn bị thêm chăn đắp để phòng trừ bị nhiễm lạnh vì lúc này cơ thể người phụ nữ rất yếu ớt.
Ngứa
Ngứa cũng là một tác dụng phụ khác của gây tê tủy sống. Đây là một trong những phản ứng gây ra do nồng độ thuốc giảm đau được thêm vào trong liều thuốc gây tê tủy sống.
Khi thuốc hết tác dụng (khoảng từ 1 đến 2 ngày sau sinh), tình trạng ngứa cũng giảm xuống. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều mẹ vẫn có tình trạng ngứa nghiêm trọng hơn dù thuốc đã hết tác dụng.
Suy hô hấp và tuần hoàn nhẹ
Trong trường hợp thuốc gây tê tủy sống di chuyển cao hơn so với dự định trong tủy sống sẽ xảy ra tình trạng phong tỏa thần kinh (phong tỏa cột sống). Những phụ nữ béo phì, quá thấp và có tiền sử dị ứng với thuốc gây mê sẽ có nguy cơ cao.
Sản phụ thường có triệu chứng khó thở nhẹ, tê hoặc yếu ở cánh tay, vai và thân, tiếp theo là buồn nôn, có hoặc không kèm theo nôn mửa. Mặc dù nghe có vẻ đáng sợ, nhưng nếu các tình trạng trên được can thiệp kịp thời, cho thở oxy và tiêm tĩnh mạnh điều chỉnh nhịp tim và huyết áp thì sẽ không đe dọa đến tính mạng.
Đau lưng
Đau lưng hậu sản xuất hiện nói chung ở các sản phụ, không chỉ riêng sản phụ đẻ mổ phải gây tê tủy sống. Không rõ liệu gây tê tủy sống khi sinh có phải nguyên nhân gây đau lưng hay không, bởi vì, theo Tiến sĩ Wayne Kleinman, giám đốc khoa gây mê tại Trung tâm y tế ở Tarzana, California, trong ấn bản năm 2006 về “Gây mê lâm sàng”, 25-30% bệnh nhân được gây mê toàn thân – không liên quan đến gây tê tủy sống khi sinh cũng được báo cáo đau lưng.
Các triệu chứng đi từ đau nhức nhẹ, đau âm ỉ đến đau dữ dội. Đau lưng liên quan đến gây tê tủy sống có thể do chấn thương mô trong quá trình kim tiêm đi qua các lớp da, mỡ, cơ và dây chằng. Một số trường hợp bị đau lưng tạm thời do sử dụng kim hoặc ở vị trí không thoải mái trong suốt quá trình.
Ngoài các triệu chứng trên, một số trường hợp sản phụ còn gặp phải các tác dụng phụ như tê bì chân tay, bí tiểu, khó thở…
Đừng bỏ lỡ:
Gây tê tủy sống khi sinh có thể gây ra một số tác dụng phụ nhất định
Cách giảm tác dụng phụ của phương pháp gây tê tủy sống khi sinh
Trong một số trường hợp, gây tê tủy sống khi sinh có thể khiến tác dụng giảm đau “chỗ có chỗ không”. Vì vậy, nếu trong suốt quá trình, nếu các mẹ bắt đầu cảm thấy đau ở bất kỳ vị trí nào, hãy nói ngay với ê kíp đỡ đẻ để họ kiểm tra ống truyền thuốc tê hoặc liều lượng thuốc.
Như đã nói ở trên, đau đầu có thể do rò rỉ dịch não tuỷ. Do đó, để hạn chế nguy cơ đau đầu, sản phụ cần nằm càng yên càng tốt trong khi đặt kim tiêm.
Sau khi sinh, các mẹ nên nghỉ ngơi, tập luyện thể thao nhẹ nhàng, tránh ngồi hoặc đứng quá lâu khi xương còn chưa hồi phục sau quá trình gây tê.
Nếu có hiện tượng bị tê chân, các mẹ nên massage chân, uống nhiều nước và tập vận động nhẹ nhàng. Nếu một thời gian dài không đỡ thì nên có liệu pháp vật lý trị liệu để tránh ảnh hưởng đến cơ xương và tâm lý.
Khi nào thì mẹ cần gặp bác sĩ?
Trong hầu hết các trường hợp đều không có khả năng bị biến chứng sau khi gây tê tủy sống, tuy nhiên, nếu các mẹ gặp phải bất kỳ trường hợp nào sau đây, hãy liên hệ với bác sĩ ngay nhé:
- Các vấn đề về bàng quang hoặc ruột
- Khó thở
- Đau hoặc đỏ ở vị trí kim đâm
- Nhức đầu dữ dội, không biến mất
- Yếu và tê chân tay kéo dài
Vậy là mẹ đã biết gây tê tuỷ sống có ảnh hưởng gì không. Gây tê tủy sống khi sinh là phương pháp được áp dụng với những sản phụ có sức khỏe ổn định. Những sản phụ có bệnh lý đặc biệt như bị rau tiền đạo, sản giật, tiền sản giật nặng, rau bong non…, sẽ được chỉ định phương pháp gây mê nội khí quản thay cho phương pháp gây tê tủy sống trong mổ lấy thai.
Theo theAsianparent Singapore, Gây tê tủy sống khi sinh mổ – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!