Gây tê ngoài màng cứng hay được các mẹ gọi là “đẻ không đau” là phương pháp đang ngày càng được nhiều thai phụ tin dùng để hành trình vượt cạn diễn ra dễ dàng hơn. Mời các mẹ cùng tìm hiểu về phương pháp này cũng như những ưu nhược điểm để đưa ra lựa chọn đúng đắn nhé.
Nội dung bài viết:
- Thế nào là gây tê màng cứng?
- Gây tê ngoài màng cứng được thực hiện thế nào?
- Ưu nhược điểm của phương pháp này
- Phản ứng phụ và biến chứng
- Ảnh hưởng đến mẹ và bé khi thực hiện phương pháp này
- Khi nào thì không thực hiện gây tê màng cứng được?
Gây tê ngoài màng cứng là gì?
Thủ thuật gây tê ngoài màng cứng giúp giảm đau liên tục tại phần dưới cơ thể trong khi mẹ bầu vẫn tỉnh táo và có ý thức với toàn bộ cơ thể mình. Nó gây ức chế cảm giác tại vùng cần giảm đau nhưng không làm bà mẹ trở nên tê liệt toàn bộ cơ thể. Bà mẹ sẽ được giảm đau hầu như trong suốt quá trình sinh đẻ.
Gây tê ngoài màng cứng là một kĩ thuật gây tê bằng cách đưa thuốc tê vào khoang ngoài màng cứng để ức chế dẫn truyền thần kinh ở một vùng nhất định. Khi thực hiện kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng. Mẹ bầu sẽ được tiêm một mũi gây tê vào cột sống.
Thủ thuật gây tê màng cứng còn được gọi là đẻ không đau (Nguồn ảnh: dantri)
Từ đó thuốc sẽ phân tán đối xứng sang các vùng lân cận làm tê liệt những bộ phận chịu nhiều áp lực nhất khi chuyển dạ. Thuốc có tác dụng từ núm vú xuống rốn và xuống tận tới ngón chân. Mẹ bầu vẫn ý thức được mọi việc chỉ là không còn cảm nhận được cơn đau.
Kỹ thuật gây tê màng cứng còn được sử dụng nhiều để kiểm soát các cơn đau cấp tính sau phẫu thuật lớn ở ngực, bụng và chi dưới.
Mẹ có thể quan tâm:
Gây tê màng cứng khi sinh thường có giúp mẹ quên đi cơn đau chuyển dạ hay không?
Thủ thuật gây tê ngoài màng cứng được thực hiện như thế nào?
Các bác sỹ sẽ yêu cầu các bà mẹ nằm nghiêng một bên hoặc ngồi khi thực hiện gây tê màng cứng. Nhân viên y tế cũng sẽ giúp bạn chọn lựa được tư thế phù hợp nhất.
Dung dịch sát khuẩn sẽ được bôi bên ngoài da, thuốc gây tê cục bộ được tiêm vào cơ thể và ngay sau đó các bác sỹ sẽ đâm mũi kim gây tê ngoài màng cứng qua khu vực đã được làm tê ban đầu (bạn có thể cảm thấy có một áp lực nhỏ tại vị trí gây tê).
Ống thông được luồn vào khoang màng cứng, kim sẽ được loại bỏ và ống thông này sẽ được dán cố định vào phần lưng sản phụ. Khi sản phụ nằm xuống, thuốc tê sẽ được đẩy qua ống thông và được nối với một bơm cung cấp thuốc tê liên tục trong quá trình sinh nở.
Các bước thực hiện gây tê rất nhanh chóng (Nguồn ảnh: suckhoedoisong)
Đâu là ưu nhược điểm của gây tê màng cứng?
Ưu điểm
- Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là làm giảm cơn đau cho mẹ bầu khi chuyển dạ.
- Vì thuốc chỉ tác động gây tê nên mẹ bầu vẫn tỉnh táo trong quá trình sinh nở. Thuốc gây tê cũng ít có tác động đến em bé.
- Thuốc tê chỉ tác động vào phần thân dưới nên không làm tê liệt toàn bộ cơ thể.
- Gây tê màng cứng có tác dụng trong suốt quá trình sinh nở.
- Bác sĩ có thể kiểm soát được hiệu quả giảm đau thông quả điều chỉnh loại thuốc, liều lượng cũng như cường độ.
- Gây tê ngoài màng cứng được chỉ định ở những sản phụ chuyển dạ khó hoặc có nguy cơ cao, như ngôi ngược, thai đôi, tiền sản giật và chuyển dạ kéo dài. Hơn nữa, gây tê vùng để mổ lấy thai còn làm giảm tỷ lệ tử vong ở mẹ so với gây mê toàn thể.
Nhược điểm
Bên cạnh những ưu điểm vượt trội của đẻ không đau thì kỹ thuật gây tê màng cứng còn có những nhược điểm và có thể gây ra những hậu quả:
- Mẹ bầu sẽ rất khó chịu khi phải giữ nguyên một tư thế trong suốt 15-20 phút. Đợi ống truyền vào khoang màng cứng được đặt. Và mẹ bầu sẽ phải đợi thêm 5-20 phút nữa để thuốc phát huy tác dụng.
- Tùy vào liều lượng và loại thuốc. Mẹ bầu có thể tê liệt, mất cảm giác và thậm chí không đứng dậy được cho đến khi thuốc hết tác dụng.
- Gây tê màng cứng không đúng thời điểm sẽ khiến cơn chuyển dạ kéo dài, thậm chí là khó sinh. Do mẹ mất cảm giác ở phần dưới cơ thể làm phản xạ đẩy xuống bị yếu đi. Trường hợp nguy hiểm khi ối cạn hoặc quá lâu mà em bé không ra ngoài được có thể bị ngạt.
Mẹ có thể quan tâm:
Gây tê ngoài màng cứng khi sinh thường: Nên hay không nên?
Gây tê màng cứng có thể gây ra một số phản ứng phụ và biến chứng
- Do thuốc tê được truyền vào khắp cơ thể nên có thể gây ra biến chứng về hệ tuần hoàn, thần kinh và hô hấp.
- Một số biến chứng có thể xảy ra như: Hạ huyết áp, mạch đập chậm.
- Tâm lý của mẹ bầu không ổn định, lo sợ, run, buồn nôn hoặc nôn.
- Bí tiểu trong giai đoạn sau sinh. Thở yếu hoặc thậm chí ngừng thở. Co giật do nhiễm độc thuốc tê.
- Nhức đầu do kích thích màng não. Liệt thần kinh do làm tổn thương một rễ thần kinh.
- Đau lưng do tổn thương cơ và các dây chằng khi dùng kim to, chọc nhiều lần. Máu tụ ở khoang ngoài màng cứng.
Thủ thuật này có thể gây ra 1 số biến chứng (Nguồn ảnh: vnexpress)
Gây tê màng cứng có gây ảnh hưởng đến mẹ và trẻ sơ sinh hay không?
Cho mẹ
Mặc dù gây tê ngoài màng cứng không làm chậm quá trình co cơ tử cung hay làm gia tăng nguy cơ mổ lấy thai, tuy nhiên biện pháp này sẽ làm kéo dài giai đoạn đẩy thai ra bên ngoài trung bình là 20 phút.
Biện pháp gây tê này cũng đồng thời làm tăng thân nhiệt của người mẹ và tăng nguy cơ bị sốt. Tất cả những hiện tượng này có thể làm các bác sỹ khó nhận biết được liệu sự gia tăng thân nhiệt là do việc gây tê hay là do một nhiễm trùng nguy hiểm nào có thể ảnh hưởng đến đứa trẻ.
Cho bé
Đây vẫn còn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Nhưng thống kê và nghiên cứu cho thấy gây tê ngoài màng cứng không làm ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra sức khỏe tổng quát của trẻ sơ sinh được thực hiện ngay khi bé ra đời (Chỉ số Apgar).
Thậm chí các em bé trong ca sinh áp dụng gây tê ngoài màng cứng còn có chỉ số Apgar cao hơn những trẻ sinh tự nhiên.
Kỹ thuật gây tê màng cứng được chỉ định với trường hợp khó sinh, giảm đau trong và sau phẫu thuật. Nếu vẫn có khả năng chịu đau thì mẹ nên cân nhắc phương pháp này.
Chi phí cho việc gây tê ngoài màng cứng khoảng 1 triệu đồng. Vì vậy mẹ cũng nên cân nhắc về các khoản chi phí khi sinh.
Khi nào thì không được gây tê màng cứng?
Bác sĩ người Pháp Patrick Bodiou, chuyên gia gây tê của Bệnh viện Quốc tế Việt Pháp (Hà Nội) cho biết, gây tê màng cứng có hiệu quả đối với tất cả sản phụ ở bất cứ độ tuổi và tình trạng sức khỏe nào, tuy nhiên phương pháp này không áp dụng được với các mẹ trong trường hợp:
- Sản phụ có tiền sử máu không đông
- Nước ối đã nhiễm khuẩn khi chuyển dạ
- Thai phụ mắc bệnh ngoài da, vết thương ở khu vực xương sống, thắt lưng
Trước khi thực hiện gây tê ngoài màng cứng, thai phụ cần thực hiện 1 số xét nghiệm để bác sĩ có thể đưa ra tư vấn và chỉ định chính xác.
Nguồn tham khảo: Gây tê ngoài màng cứng giảm đau an toàn cho sản phụ – vnexpress
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!