Tôi luôn tưởng rằng, so sánh con “con người ta” chỉ là một khái niệm được dùng để răn đe những đứa trẻ chưa “bằng chúng bằng bạn”. Thế nhưng, chỉ đến khi một người bạn thân của tôi, một học sinh giỏi của một trường đại học top ở Singapore, tâm sự về việc bạn cảm thấy áp lực do bị so sánh với người khác, tôi bỗng bàng hoàng nhận ra rằng sự so sánh mù quáng này có thể xảy ra với bất cứ ai, và có thể trở thành viên thuốc độc giết chết sự tự tin của kể cả những đứa trẻ giỏi giang nhất. Và lời khẩn cầu ….
Xin mẹ đừng so sánh con nữa!!!
Khi “con người ta” bị so sánh …
Khi nói đến “con người ta”, có lẽ ta sẽ nghĩ đến một nhân vật toàn diện – học giỏi, xinh đẹp, chăm chỉ, ngoan ngoãn, luôn nghe lời và làm mọi việc một cách vô cùng hoàn hảo. Và đây chính là trường hợp của người bạn tôi là một nạn nhân của sự so sánh con của các bố mẹ luôn mong con hoàn hảo hơn con nhà người ta.
Bạn học cấp 2 và 3 ở một trường chuyên top ở Hà Nội và lúc nào cũng đứng đầu lớp. Bạn giành được hằng hà sa số những giải thưởng về các môn khoa học, và được nhận học bổng toàn phần để học trung học ở Singapore.
Sau đó, nhờ kết quả học tập mỹ mãn, bạn giành được thêm học bổng toàn phần khác ở các đại học lớn ở Singapore. Ngoan ngoãn, hiền lành, chín chắn – bạn là hình mẫu cho một người con ngoan trò giỏi, và còn là một trong những người tôi ngưỡng mộ, đâu ai biết bạn cũng là một nạn nhân của vấn nạn so sánh con khốc liệt thời nay.
Cho đến khi tôi nghe tin bạn bị trầm cảm ngay trước thềm Đại học.
Tôi kinh ngạc khi biết rằng một con người tràn đầy năng lượng, luôn có mục tiêu rõ ràng, một cô gái hay cười như bạn lại sụp đổ nhanh chóng như vậy. Khi tôi gặng hỏi, bạn chỉ lặng lẽ nói: “Mình thực sự không biết làm sao để làm vừa lòng gia đình mình nữa”.
Hoá ra, bạn gặp trục trặc khi gia đình liên tục thúc ép bạn phải đăng ký cho những trường đại học danh tiếng tại Mỹ cho bằng con cái của những phụ huynh khác, trong khi bạn chỉ mong muốn được theo đuổi ngành Kĩ sư Điện Toán ở Singapore.
Do không đạt được nguyện vọng, gia đình tiếp tục gây áp lực bằng cách “bới lông tìm vết” những khuyết điểm khác của bạn: nấu ăn không giỏi, không biết thêu thùa, và rồi sự so sánh con đã đến là “con nhà A, con bác B … thế này và thế nọ… và con không bằng con nhà người ta”. Bạn ngỡ ngàng nhận ra, công sức học tập bao nhiêu năm nay vẫn chưa đủ làm những người thân yêu của mình hài lòng, để rồi chính mình lại phải nghe: “Mày KHÔNG XUẤT SẮC bằng con nhà người ta”.
So sánh con là viên thuốc độc giết chết một tài năng trẻ
Bạn tâm sự rằng, đây không phải là lần đầu tiên bạn bị so sánh, không phải lần đầu tiên bị bạo hành tâm lý bởi vấn nạn so sánh con của chính gia đình mình. Đó là lý do tại sao bạn dù giỏi nhưng gần như mất tự tin vào bản thân.
Dù giỏi, nhưng bạn lúc nào cũng nghĩ rằng do mình “ăn may” nên mới đạt được những thành tích xuất sắc, là mình chưa giỏi bằng người khác. Chưa một lần, bạn sẵn sàng ngẩng đầu tự hào về những thành công trong quá khứ của mình.
Chưa một lần, bạn dám theo đuổi con đường của chính mình, vì chỉ lo lắng theo đuổi con đường mà người khác đã định cho mình. Tôi ngạc nhiên khi nghe thấy điều đó. Bạn vốn là niềm mơ ước của bao nhiêu người – tại sao lại có thể bị so sánh với ai nữa?
“Một khi con người tham lam đòi hỏi, thì không có điểm dừng đâu” – Bạn cười cay đắng.
Có lẽ vậy, phụ huynh thường không nhìn nhận thấy được cái giỏi hiện tại của con cái, thường cho rằng “thế này có gì là giỏi” và phải “hơn con bé nhà kia”, phải so sánh con của mình với mức luôn cao hơn mà con không đạt đến, mà không biết rằng chính con cái mình cũng có những tài năng rất riêng, những cái thông minh rất hiếm.
Cha mẹ thường chạy theo những cái được mặc định là “xuất sắc” trong xã hội, và đáng tiếc thay, đây là một cuộc đua không điểm dừng. Định nghĩa của xuất sắc, của “con người ta” thì thật mông lung – tấm bằng ưu, công-dung-ngôn-hạnh, cầm kỳ thi hoạ,… – trong khi khả năng con người thì lại có hạn.
Những phụ huynh có con học trung bình thì mong con mình học giỏi, những phụ huynh có con học giỏi thì mong con mình đủ trình độ du học cho bằng người ta, những phụ huynh có con học xuất sắc thì lại so bì xem trường của con mình nằm hạng mấy so với con người ta – và vòng luẩn quẩn này cứ tiếp tục, so sánh chồng chất so sánh, cho đến khi cả bố mẹ và con cái đều kiệt sức.
Ít khi nào, chúng ta dừng lại và tự vỗ vai mình mà khen rằng: “Hôm nay con làm tốt lắm – tốt theo cách của riêng con, và cha/mẹ rất tự hào vì điều đó”.
So sánh con có thể giết chết tự tin của con với một lĩnh vực nào đó
Và kết quả là gì? Thay vì khuyến khích con cố gắng hơn, chúng ta góp phần tạo ra những đứa trẻ rụt rè, tự ti về chính khả năng của mình.
Đã hơn một lần tôi nhìn thấy những bạn trẻ có giọng hát tuyệt vời cúi đầu lầm lũi vì những con điểm kém tạm thời, những đứa bé giỏi thể thao bị chửi là “ngu như bò” vì không thích học đàn, những thiên tài Toán bị chép phạt kiểm điểm vì bị điểm kém môn Văn, và thậm chí là cả những siêu sao học giỏi nhưng bối rối vì không dám tự khẳng định mình giỏi.
Nếu chính bản thân lũ trẻ không tự tin rằng mình giỏi, thì làm sao có thể chứng minh với người khác rằng chúng là những nhân tài xuất chúng? Nếu chúng ta mải chạy theo những tiêu chuẩn của người khác, thì làm sao tìm ra được con đường cho chính con?
Tôi cảm thấy xót xa cho bạn tôi, và cả những người trẻ cùng cảnh ngộ bị so sánh. Không ai sinh ra đã ngu dốt, hay chậm chạp, hay “không đủ xuất sắc” – tất cả những đứa trẻ đều được ban tặng cho một tài năng đặc biệt.
Đó có thể là khả năng học tập tốt, tài năng nghệ thuật, thể thao, hay tình yêu với thủ công, hay thậm chí là một tình yêu lớn lao với động vật. Mỗi khả năng này đều là những mầm non tài năng mà nếu được vun đắp, sẽ trở thành con đường thành công cho con.
Thay vì nhìn vào những điểm yếu để chê trách con, hãy nuôi nấng những điều tốt đẹp, khen ngợi con và từ từ uốn nắn những điểm chưa hoàn thiện.
Kết
Phụ huynh không cần phải là những kĩ sư, bác sĩ thông minh để nuôi con thành công. Tất cả chỉ cần bắt đầu với một niềm tin rằng con của mình đặc biệt và có khả năng đặc biệt, và sự cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói.
Hãy để những gì ta thốt ra trở thành nguồn năng lượng nuôi nấng sự tự tin và niềm tin vào bản thân của con, thay vì dập tắt tiềm năng của con. So sánh con của mình với “con người ta” không chỉ làm bé cảm thấy mệt mỏi, áp lực và tự ti về bản thân, mà còn khiến cho con ngại tương tác với bạn hơn.
Vả lại, con chúng ta, dù giỏi hay chưa giỏi, vẫn là con của ta – một nghìn “con người ta” nữa, thì cũng đâu thể nào đổi chỗ cho sinh linh chính mình mang nặng đẻ đau và giáo dưỡng. Vậy tại sao, không bắt tay vào dạy con tích cực, dạy con thật tốt, mà lại so sánh và khiến con thêm khổ đau?
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!