Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là một trong những bệnh viện top đầu nên có nhiều bà mẹ chọn địa chỉ này để lâm bồn. Vậy sinh thường ở Bệnh viện phụ sản Hà Nội chi phí bao nhiêu? Thủ tục đăng ký gói nhập viện, xuất viện ở bệnh viện này như thế nào? Cùng tham khảo một số kinh nghiệm khi sinh ở Bệnh viện phụ sản Hà Nội nhé!
Cách làm thủ tục nhập viện sinh thường ở Bệnh viện phụ sản Hà Nội
Các mẹ bầu thăm khám thai ở bệnh viện hay nơi khác đều có thể đến Bệnh viện phụ sản Hà Nội đăng ký và làm hồ sơ sinh. Bệnh viện sẽ tiếp nhận hồ sơ sinh của những sản phụ 36 tuần trở lên. Chị em có thể đăng ký sinh thường ở Bệnh viện phụ sản Hà Nội từ thứ 2 đến thứ 6, trong giờ hành chính.
Hãy đến khu A nếu đăng ký sinh có bảo hiểm và đến khu D nếu sinh dịch vụ
Gần đến ngày dự sinh, mẹ bầu cần chuẩn bị sẵn các giấy tờ tùy thân, giấy tờ liên quan đến thai kỳ. Để luôn sẵn sàng làm thủ tục nhập viện khi cơn đau đẻ đến.
Khi làm thủ tục nhập viện, bác sĩ sẽ dựa theo tình trạng của mẹ bầu để quyết định chuyển vào phòng chờ sinh hay phòng sinh. Mẹ bầu cần xuất trình một số giấy tờ bên dưới để làm thủ tục nhập viện:
- Giấy khám thai và các giấy xét nghiệm liên quan
- CMND bản gốc và photo của thai phụ
- Sổ hộ khẩu – bản gốc và photo của thai phụ
- Thẻ bảo hiểm có hình của thai phụ
Sau đó, người nhà sẽ làm thủ tục đăng ký sinh thường ở Bệnh viện phụ sản Hà Nội. Nếu chọn sinh tại khu dịch vụ (khu D3), mẹ bầu sẽ đóng tạm ứng 10 triệu. Còn nếu đăng ký sinh ở khu có bảo hiểm sẽ đóng tạm ứng 3 triệu.
Chi phí sinh thường ở Bệnh viện phụ sản Hà Nội
Sinh con có bảo hiểm y tế
Khu sinh thường ở Bệnh viện phụ sản Hà Nội nằm ở khu A. Nếu đăng ký sinh thường có bảo hiểm, các sản phụ sẽ được bảo hiểm thanh toán đến 80%. Nếu chuyển trái tuyến thì được bảo hiểm thanh toán khoảng 40%. Do đó chi phí sinh thường có bảo hiểm không mất nhiều.
Sinh con dịch vụ
Chi phí sinh dịch vụ cần tạm ứng trước 10 triệu. Bao gồm phí sinh đẻ khoảng 6 triệu và 4 triệu cho chi phí phòng ở, thuốc, tắm cho bé, vệ sinh cho mẹ…
Phòng sinh dịch vụ thoáng mát, tiện nghi hơn nhưng chi phí cao hơn
Bên cạnh đó, chi phí các giường phòng ở Bệnh viện phụ sản Hà Nội như sau:
- Giường dịch vụ loại 1: 1.250.000/ngày
- Loại 2: 750.000/ngày
- Loại 3: 600.000/ngày
- Với giường dịch vụ loại 4: 500.000/ngày
- Giường dịch vụ loại 5: 450.000/ngày
- Giường dịch vụ loại 6: 400.000/ngày
- Và giường dịch vụ loại 7: 300.000/ngày
Kinh nghiệm khi vào phòng chờ đẻ hoặc phòng sinh thường ở Bệnh viện phụ sản Hà Nội
Kinh nghiệm khi vào phòng chờ đẻ
- Nếu sinh ở khu có bảo hiểm, người nhà không được vào cùng. Nhưng khi cần tiếp tế nước hoặc đồ ăn, thai phụ có thể gọi người nhà, hoặc nhờ y tá điều dưỡng.
- Trong quá trình chờ đẻ các bác sĩ ở bệnh viện sẽ liên tục kiểm tra tình trạng thai nhi và đặt máy nghe tim thai.
- Để rút ngắn thời gian đau và chuyển dạ, bác sĩ sẽ gợi ý thai phụ truyền thuốc kích thích các cơn co tử cung. Nếu bạn và người thân đồng ý thì sẽ được truyền loại thuốc. Nếu đáp ứng tốt với thuốc, thai phụ sẽ thấy nhiều cơn co xuất hiện nhanh, mạnh hơn.
- Truyền thuốc kích thích các cơn co tử cung sẽ mất khoảng 2 tiếng, Trong thời gian đó, bác sĩ sẽ thăm khám 15 phút/ lần. Nếu tử cung mở khoảng 8 phân thai phụ sẽ được chuyển vào phòng đẻ bên cạnh.
- Vào phòng đẻ, bạn đã cảm thấy rất đau và muốn rặn. Nhưng hãy chỉ rặn khi có hiệu lệnh từ bác sĩ thôi nhé!
Hãy giữ tâm lý bình tĩnh, thoải mái khi sắp sinh
Khi vào phòng đẻ
- Khi sinh thường ở Bệnh viện phụ sản Hà Nội, bạn cần tuân theo mọi hướng dẫn, chỉ đạo của bác sĩ, y tá, điều dưỡng.
- Hãy tập thở sâu, đều đặn khi cơn co đến và nghỉ ngơi khi cơn co qua đi.
- Khi mở hết 10 phân, các bác sĩ, hộ sinh sẽ đỡ đẻ. Bạn sẽ được rạch tầng sinh môn để quá trình sinh bé thuận lợi hơn. Thủ thuật này chỉ mất vài giây nên hầu như thai phụ không cảm thấy đau đớn nhiều. Khi em bé ra đời sẽ được vệ sinh sạch sẽ, còn mẹ sẽ được khâu tầng sinh môn.
- Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn đọc tên đã đặt cho bé để ghi chép vào giấy chứng sinh.
Một số lưu ý khi chăm sóc mẹ và bé trong bệnh viện
- Theo quy định của bệnh viện, từ khoảng 11h người nhà mới được vào thăm. Đối với những mẹ sinh thường ở Bệnh viện phụ sản Hà Nội thì có thể tự chăm bé một mình. Bé được y tá đưa đi tắm, còn mẹ sẽ được đưa đi vệ sinh, đặt thuốc (nếu cần).
- Sau khi bé tắm xong sẽ được mang trở lại phòng, mẹ nên cho bé bú hoặc pha sữa công thức. Sau đó khoảng 15 phút sẽ có bác sĩ đến khám cho mẹ và bé.
- Nếu bé ăn sữa công thức, mẹ nên dùng nước nóng trong phích chờ nguội bớt rồi pha. Tuyệt đối không pha sữa bằng nước khoáng đóng chai vì dễ gây tiêu chảy.
- Trong 3 ngày đầu, em bé sẽ đại tiện ra phân màu đen xanh. Đây là điều bình thường, mẹ không cần lo lắng.
- Sau khi sinh, mẹ cần đi lại nhẹ nhàng, không nên ngồi nhiều một chỗ.
- Nếu mẹ ít sữa, hãy kiên trì cho bé bú nhiều. Bé bú nhiều sẽ tự kích thích tuyến sữa sản xuất nhiều hơn.
- Nếu em bé gặp vấn đề sức khỏe sẽ được chuyển lên phòng riêng biệt để chăm sóc. Mẹ cần bình tĩnh, suy nghĩ tích cực và có thể nặn sữa để gửi lên cho con bú.
- Hằng ngày sẽ có giờ lấy nước nóng, giờ đổi quần áo, chăn gối cho mẹ và bé. Người nhà cần chú ý đếm đủ số đồ mình nhận, nếu không sẽ phải đóng thêm tiền.
- Nếu sinh thường, mẹ chỉ cần nằm 1 – 2 ngày có thể xuất viện.
Tốt hơn hết là mẹ nên cho bé bú sữa mẹ
Thủ tục xuất viện khi sinh thường ở Bệnh viện phụ sản Hà Nội
Thủ tục xuất viện cũng rất đơn giản. Nếu bác sĩ kiểm tra sức khỏe toàn diện của mẹ và bé không có gì bất thường thì người nhà có thể thanh toán viện phí ở nhà A (nếu sinh có BHYT) và ở nhà D (nếu sinh con dịch vụ).
Người nhà nên lưu ý bệnh viện chỉ thanh toán vào giờ hành chính các ngày trong tuần. Sau khi thanh toán xong trẻ mới được cấp giấy chứng sinh để gia đình đi làm giấy khai sinh và các thủ tục hưởng chế độ thai sản.
Sau khi đã hoàn tất các thủ tục xuất viện, sản phụ có thể đưa con về nhà. Khi đi ra cổng hãy đưa giấy xuất hiện cho bảo vệ nhé!
Trên đây là tổng hợp một số kinh nghiệm sinh thường ở Bệnh viện phụ sản Hà Nội. Chúc mẹ bầu vượt cạn thành công và đón con yêu chào đời an toàn, mạnh khỏe nhé!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!