Theo nghiên cứu của tổ chức y tế thì cứ trong 100 thai phụ có đến 22 người bị sảy thai sớm. Vậy sảy thai sớm có ảnh hưởng gì không? Chị em cần làm gì để bảo vệ an toàn sức khỏe bản thân và thai nhi trong 3 tháng đầu thai kỳ?
- Sảy thai sớm là gì?
- Sảy thai sớm có ảnh hưởng gì không?
- Những dấu hiệu nguy hiểm mẹ cần biết
- Sảy thai sớm và những nguyên nhân gây ra
- Điều trị sau khi sảy thai sớm
Sảy thai sớm là gì?
Sảy thai sớm, sảy thai tự nhiên hay còn gọi là hư thai. Đó là sự việc bào thai tự mất, không thể tồn tại trong cơ thể người mẹ (dưới 22 tuần).
Theo nghiên cứu thì đối tượng dễ sảy thai sớm nhất là phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu, khi thai nhi dưới 8 tuần tuổi. Khi tuổi thai được từ 14 tuần trở nên sẽ ít bị sảy hơn.
Tuy nhiên sảy thai tự nhiên cũng có nhiều dạng, cụ thể như sau:
- Sảy thai sớm hoàn toàn: Ngoài thai thì các mô, nhau thai, màng túi đều được đẩy tống ra khỏi tử cung của mẹ nhanh chóng và hoàn toàn.
- Mất thai không đầy đủ: Khi quá trình sảy thai xảy ra hết thì trong tử cung vẫn còn sót lại các mô thai, nhau, túi cần được bác sỹ can thiệp thủ thuật y khoa để đưa nốt ra ngoài.
- Hư thai tự nhiên bị đe dọa: Có các dấu hiệu sảy thai từ trước. Nếu can thiệp kịp thời thì vẫn có thể ngăn chuyện sảy thai xảy ra.
- Sảy thai liên tục: Đây là một loại sảy thai tự nhiên với mức liên tục 3 lần trở lên trong một khoảng thời gian. Sảy thai liên tục rất ảnh hưởng tới sức khỏe và khả năng sinh nở của phái nữ.
Bạn có thể xem:
Sảy thai sớm có ảnh hưởng gì không?
Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Tuyết Mai – Bác sĩ Sản phụ khoa – Khoa sản phụ khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng cho biết: Sảy thai sớm là tình trạng không mong muốn xảy ra và khiến nhiều mẹ bầu lo lắng khi sảy thai sớm liên tục hoặc trong cả lần đầu mang thai. Trên thực tế, tình trạng sảy thai sớm nếu ở trong khoảng thời gian từ 10 tuần trở lại sẽ không quá nguy hiểm và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của mẹ. Mẹ chỉ cần chờ khi có chu kỳ kinh nguyệt trở lại thì thai nhi sẽ bị đào thải ra ngoài thông qua kinh nguyệt.
Sảy thai sớm trong ba tháng đầu thường chỉ xảy ra một lần. Hầu hết phụ nữ bị sảy thai sớm sẽ thành công trong lần mang thai tiếp theo. Rất hiếm khi xảy ra hiện tượng sảy thai nhiều lần. Bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra và đánh giá để cố gắng tìm ra nguyên nhân và khắc phục nếu bạn bị sảy thai nhiều lần.
Hiện tượng rụng trứng sẽ quay trở lại và bạn có thể tiếp tục mang thai 2 tuần sau khi bị sảy thai sớm. Nếu bạn không muốn có thai lại ngay lập tức, hãy sử dụng phương pháp ngừa thai. Ví dụ như đặt vòng tránh thai.
Ngoài ra, bạn cũng có thể đợi đến kỳ kinh nguyệt tiếp theo. Khi đó cơ thể quay trở về nhịp sinh lý bình thường. Chị em sẽ chuẩn bị tốt nhất cho lần mang thai kế tiếp.
Những dấu hiệu nguy hiểm mẹ cần biết
Ra máu âm đạo và co thắt bụng dưới là triệu chứng thường gặp nhất của sảy thai sớm. Ra máu âm đạo lượng ít và co thắt bụng dưới cũng thường gặp trong sớm của thai kì.
Tuy nhiên, tình trạng ra máu thường tự hết và thai kì vẫn phát triển bình thường. Các triệu chứng này đôi khi cũng có thể là biểu hiện của thai ngoài tử cung. Nếu bạn có 1 trong hai dấu hiệu này thì hãy liên hệ sớm với bác sĩ sản phụ khoa.
Một vài trường hợp sảy thai sớm sẽ không có bất kỳ dấu hiệu đặc biệt nào. Mẹ bầu chỉ có thể nhận biết nhờ siêu âm. Khi siêu âm, bác sĩ sẽ phát hiện túi thai “trống”. Nguyên nhân bào thai gặp vấn đề bất thường và không thể phát triển.
Sảy thai sớm và những nguyên nhân gây ra
Khoảng một nửa các trường hợp bị sảy thai sớm là do biến cố ngẫu nhiên. Nó có thể xảy ra khi phôi thai nhận được một số lượng nhiễm sắc thể bất thường trong quá trình thụ tinh.
Nhiễm sắc thể bất thường gây sảy thai
Nhiễm sắc thể là cấu trúc bên trong các tế bào mang gen. Hầu hết các tế bào có 23 cặp nhiễm sắc thể với tổng số 46 nhiễm sắc thể.
Tương tự, mỗi tế bào tinh trùng và trứng cũng có 23 cặp nhiễm sắc thể. Trong quá trình trứng và tinh trùng gặp nhau để thụ tinh, hai bộ nhiễm sắc thể kết hợp với nhau tạo ra phôi thai.
Nếu trứng hoặc tinh trùng có số lượng nhiễm sắc thể bất thường, phôi tạo thành cũng sẽ có sự thay đổi về số lượng nhiễm sắc thể. Sự phát triển phôi thai sau đó sẽ không xảy ra bình thường, đôi khi dẫn đến sảy thai sớm.
Hút thuốc uống rượu cũng có thể là nguyên nhân
Hút thuốc, uống rượu và tiêu thụ quá nhiều cafein đã được nghiên cứu là những nguyên nhân gây sảy thai sớm. Một số nghiên cứu cho thấy hút thuốc làm tăng nguy cơ xảy ra bất thường nhiễm sắc thể.
Sử dụng rượu trong ba tháng đầu có thể làm tăng nhẹ nguy cơ sảy thai sớm. Song các nghiên cứu này chưa có đủ bằng chứng để kết luận rõ ràng. Tuy nhiên nếu xét trong mọi trường hợp, tốt nhất là mẹ bầu nên tránh hút thuốc và uống rượu trong khi mang thai.
Tiêu thụ ít hơn 200 mg cafein mỗi ngày (khoảng hai tách cà phê) được cho là không làm tăng nguy cơ sảy thai sớm.
Bên cạnh đó, khả năng xảy ra hiện tượng sảy thai sớm cũng tăng lên đối với phụ nữ lớn tuổi. Tỷ lệ xảy ra lên đến hơn một phần ba ở các phụ nữ mang thai trên 40 tuổi.
Bạn có thể xem:
Điều trị sau khi sảy thai sớm
Quyết định điều trị sau sảy thai sớm như thế nào còn tùy thuộc vào thể trạng và tình trạng bào thai của mỗi người.
Biện pháp hồi phục tự nhiên
Trong hầu hết các trường hợp sảy thai sớm, cơ thể bạn sẽ tự “hoàn tất” quy trình.Nó không cần sự trợ giúp nào khác. Việc chảy máu có thể kéo dài từ 7-10 ngày.
Bạn cần nghỉ ngơi thật nhiều trong khoảng thời gian này. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm để chắn chắn rằng “hành trình” của bạn đã kết thúc.
Trường hợp cần can thiệp y tế
Phẫu thuật là biện pháp được khuyến nghị trong điều trị sảy thai sớm. Trong trường hợp bạn có dấu hiệu nhiễm trùng, chảy máu nặng hoặc một số tình trạng khác.
Một vài lựa chọn phẫu thuật có thể được áp dụng, bao gồm:
- Hút chân không: Đối với phẫu thuật này, bác sĩ sẽ sử dụng một ống mỏng, được gắn vào thiết bị hút chân không và đưa vào tử cung để thu lấy mô. Bạn có thể được gây tê tại chỗ và dùng thuốc an thần.
- Nong và nạo tử cung (D&C): Trong phẫu thuật D&C, cổ tử cung được nong rộng và một dụng cụ được sử dụng để loại bỏ các mô thai. Bác sĩ có thể phải thực hiện gây mê toàn thân hoặc gây tê từng vùng.
Sau phẫu thuật, bạn không nên đưa bất cứ thứ gì vào âm đạo trong 1 – 2 tuần sau đó để ngăn ngừa xảy ra nhiễm trùng. Chẳng hạn như sử dụng tampon hoặc quan hệ tình dục.
Nên đến thăm khám với bác sĩ ngay lập tức khi phát hiện bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Chảy máu nhiều trong hơn 2 giờ liên tục
- Sốt
- Ớn lạnh
- Đau dữ dội
Đối với phụ nữ mang thai lần đầu và bị mất thai, đừng quá lo lắng sảy thai sớm có ảnh hưởng gì không? Hãy chia sẻ những cảm xúc và suy nghĩ của mình với mọi người. Điều đó sẽ giúp tâm trạng của bạn thoải mái hơn. Và hơn hết, chắc chắn thành công sẽ đến với bạn trong những lần mang thai tiếp theo!
Nguồn tham khảo: Sảy thai sớm khi thai chưa vào tử cung có ảnh hưởng gì không? – Vinmec
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!