Sau sinh hay buồn nôn là triệu chứng của bệnh gì? Triệu chứng tưởng chừng đơn giản này lại báo hiệu những bệnh vô cùng nguy hiểm mà mẹ cần biết và khắc phục ngay.
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Bác sĩ Vũ Nhật Nam – Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh
1. Sau sinh hay buồn nôn vì thiếu máu
Nếu sau sinh hay buồn nôn, rất có thể mẹ đang thiếu máu. Sau sinh bạn gặp hiện tượng buồn nôn, chóng mặt, hoa mắt, mệt mỏi thì có thể bạn đang bị thiếu máu. Một số biểu hiện khác là của thiếu máu sau sinh là da xanh, đứng lên ngồi xuống hay bị chóng mặt, đầu nặng và đau…
Để cải thiện tình trạng thiếu máu sau sinh, bạn nên có chế độ ăn uống và chăm sóc đặc biệt.Từ đó, phục hồi sức khỏe cho cả mẹ và con.
Cách khắc phục thiếu máu sau sinh:
Khẩu phần ăn trong thời kỳ hậu sản và cho con bú phải bảo đảm đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng:
- Chất bột đường (cơm, cháo, mì sợi, phở…). Hạn chế ăn bún, bánh kẹo, nước ngọt, kem…
- Chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, đậu… )
- Chất béo (nên dùng dầu thực vật, ít mỡ động vật)
- Vitamin và khoáng chất (các loại rau có lá xanh đậm, củ quả có màu cam, đỏ). Chú ý chọn các loại rau xanh như bí đao, rau ngót, mướp, rau mồng tơi… để tránh táo bón
Thức ăn nên được thay đổi thường xuyên cho đa dạng, các món ăn phải luôn được nấu chín. Bên cạnh 3 bữa chính có thể ăn thêm 2 bữa phụ. Mẹ cũng nên uống thêm 1 – 2 cốc sữa mỗi ngày, nhưng nên nhớ rằng sữa không thể thay thế được thức ăn. Mẹ cũng có thể dùng thêm các thực phẩm chức năng, đông y, để bổ sung vitamin và khoáng chất.
2. Mẹ đang mang thai bé nữa
Sự thật là phụ nữ vẫn có thể có thai ngay cả khi vừa sinh xong vài tháng và đang cho con bú. Sau khi sinh xong nghĩa là cơ thể đã hoàn tất một chu kỳ sinh con và bắt đầu hồi phục để chuẩn bị chuyển sang chu kỳ mới.
Buồn nôn là một trong những dấu hiệu nhận biết.
Mang thai khi vừa sinh con có nguy hiểm không?
Mang thai quá dày sau khi sinh rất nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Ví sức khỏe của mẹ chưa hoàn toàn hồi phục sau khi sinh bé đầu. Lúc này sức đề kháng còn yếu, cơ thể dễ mắc bệnh.
Ngoài ra, mang thai dày khiến cho cơ thể người mẹ dễ bị thiếu máu, tăng huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ. Nếu vượt qua được giai đoạn mang thai thì vẫn có thể gặp nhiều khó khăn khi vượt cạn như chuyển dạ kéo dài, cơn co yếu.
Hơn nữa, việc sinh con dày cũng khiến bé sinh trước không nhận được sự chăm sóc tốt nhất từ mẹ. Trẻ phải cai sữa sớm để đề phòng sinh non.
Mẹ phải làm gì?
Thời gian sinh giữa 2 lần nên nằm trong khảng thời gian từ 1,5-3 năm. Trường hợp sinh sớm hoặc muộn hơn khoảng thời gian này sẽ gia tăng nguy cơ có hại cho thai nhi. Nếu mẹ đẻ thường con đủ tháng và được ít nhất một năm thì mới nên có thai lần nữa.
Khi có biểu hiện trên, mẹ nên nhanh chóng đi khám tại các cơ sở y tế. Các bác sĩ và gia đình sẽ đưa ra quyết định tốt nhất cho mẹ và bé. Từ đó, đảm bảo sự phát triển của cả bé và sức khỏe của mẹ.
3. Sản giật sau sinh
Thông thường sản giật thường diễn ra ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp sản giật xảy ra ở phụ nữ sau khi sinh. Cũng giống như băng huyết, sản giật sau sinh là một biến chứng khá nguy hiểm tới tính mạng của bà mẹ. Biểu hiện bệnh lý này chủ yếu là buồn nôn, đau đầu, ù tai, co giật, hôn mê hoặc bị phù.
Mẹ phải làm gì?
Nếu sau khi sinh, mẹ nhận thấy có những dấu hiệu trên thì đừng chủ quan. Mẹ cần đi khám ngay để đảm bảo sức khỏe an toàn cho mình.
4. Nhiễm khuẩn hậu sản
Nhiễm khuẩn hậu sản có một số trường hợp nguy hiểm như nhiễm khuẩn tầng sinh môn, viêm phần phụ và dây chằn rộng, nhiễm khuẩn huyết, viêm tĩnh mạch, viêm niêm mạc tử cung…
Sau khi sản phụ bị nhiễm một trong những hình thái này sẽ sốt cao sau sinh, đau đầu, mệt mỏi, nôn ói và đau vùng tử cung, ấn vào tử cung thấy sưng khá to…
Mẹ phải làm gì?
Khi sản phụ thấy bị sốt cao nhiều ngày không khỏi thì ngay lập tức đến cơ sở y tế. Bởi đó là biểu hiện đầu tiên cho thấy bạn đang có nguy cơ bị nhiễm khuẩn hậu sản.
Nếu không được chữa trị kịp thời thì mẹ có thể phải cắt bỏ tử cung và 2 phần phụ. Như thế ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe sau này.
Thay đổi hormone quá mạnh
Một số phụ nữ có phản xạ tiết sữa mạnh có thể bị buồn nôn, suy nhược, đổ mồ hôi và lo lắng vì sự thay đổi hormone quá mạnh…
Các mẹ nên biết rằng một trong những nguyên nhân của việc đó là khi cho con bú, Oxytocin – hormone chịu trách nhiệm tiết sữa – khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ. hoặc tệ hơn là buồn nôn.
Mẹ phải làm gì?
Những tình trạng này chỉ là nhất thời. Nhưng nếu nó khiến mẹ cảm thấy đuối sức thì cần phải đi khám bác sĩ ngay.
Sau sinh hay buồn nôn vì rối loạn tiêu hóa
Một số biểu hiện giúp các mẹ nhận biết mình có đang bị rối loạn tiêu hóa hay không như: nôn mửa, đau bụng, khó chịu, đầy hơi, khó tiêu và vấn đề đại tiện bị thay đổi (như tiêu chảy, táo bón, kiết lỵ,…).
Phụ nữ sau sinh nở, các cơ quan trong cơ thể đều rất yếu, trong đó có hệ tiêu hóa. Chính vì thế mới có chuyện phụ nữ phải kiêng ăn uống trong thời gian ở cữ. Thế nhưng, vẫn có những mẹ do chưa nắm được kiến thức về sức khỏe sau sinh hoặc bị ép ăn. Do đó, dẫn đến hội chứng rối loạn tiêu hóa sau khi sinh.
Mẹ phải làm gì?
- Không nên ăn quá no, quá nhiều
- Chia làm nhiều bữa
- Đừng ăn quá nhiều thức ăn chứa dầu mỡ, chất khó tiêu
- Tránh thức ăn khó tiêu hóa như gia vị cay nóng, kem, socola, khoai tây nghiền
- Tránh xa thực phẩm không an toàn
- Ăn uống điều độ, đúng giờ.
- Đi lại nhẹ nhàng và tăng thời gian tập luyện thể dục để tốt cho hệ tiêu hóa
- Nên ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi
Ý kiến bác sĩ ra sao?
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh:
Sau khi sinh, một số phụ nữ có triệu chứng buồn nôn, khiến cơ thể mệt mỏi, ảnh hưởng đến việc hồi phục sức khỏe và chăm sóc trẻ. Đây có thể là dấu hiệu gợi ý một số bất thường về sức khỏe mà bạn cần phải lưu ý. Nếu buồn nôn đi kèm với chóng mặt, hoa mắt, cơ thể mệt mỏi, da xanh xao, bạn có thể đang bị thiếu máu sau sinh. Không những vậy, buồn nôn còn có thể do sản giật sau sinh, sự thay đổi hormone, ốm nghén khi mang thai lần nữa,…
Khi bạn có triệu chứng buồn nôn sau sinh, để đảm bảo an toàn, bạn nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra, làm các xét nghiệm cần thiết. Nếu nguyên nhân là thiếu máu sau sinh, bạn cần bổ sung các loại thực phẩm giàu sắt và vitamin C, duy trì chế độ nghỉ ngơi thật hợp lý, song song với việc vận động để giúp cơ thể mạnh khỏe. Các trường hợp còn lại, tùy theo thăm khám bác sĩ sẽ có hướng xử trí phù hợp nhằm giúp bạn có sức khỏe ổn định và hỗ trợ quá trình chăm sóc trẻ mới sinh tốt nhất.
Xem thêm:
Bụng to gần sinh vẫn bị nôn, mẹ bầu nên biết những điều này để tránh nguy hiểm
Sau sinh nên quan hệ như thế nào vừa an toàn lại đạt nhiều cảm xúc
Cách tắm sau sinh an toàn, đẹp da mẹ nên ghi nhớ
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!