Phụ nữ sinh thường hay sinh mổ thì việc ra sản dịch sau khi sinh là điều hoàn toàn bình thường. Việc sản dịch có mùi hôi là lo lắng và thắc mắc của nhiề chị em không biết cách xử lý như thế nào, có ảnh hưởng đến sức khỏe của mình hay không.
Nguyên nhân sản dịch có mùi hôi
Cũng giống như kinh nguyệt, sản dịch sau sinh thường có mùi tanh nồng của máu nhưng không hôi. Mẹ ra nhiều sản dịch sẽ có mùi nồng hơn. Sản dịch loãng, mùi tanh sẽ giảm dần. Trong 72 giờ sau khi sinh, sản dịch sẽ ra rất nhiều, sau đó sẽ ít dần đi.
Vùng kín bị nhiễm khuẩn
Trong trường hợp sản dịch có mùi hôi, đồng thời các mẹ cảm thấy “cô bé” có cảm giác nóng rát thì có thể vùng kín đã bị nhiễm khuẩn. Nếu thấy sản dịch có mùi hôi, màu xanh và có cảm giác ngứa là dấu hiệu cho thấy “cô bé” đang nhiễm nấm kèm theo bội nhiễm.
Quá trình sinh nở khiến cơ quan sinh dục bị tổn thương kèm theo sức đề kháng kém sau sinh dễ tạo điều kiện cho các loại nấm, vi khuẩn… tấn công âm đạo. Ngoài ra, nguyên nhân khiến “cô bé” bị nhiễm khuẩn cũng có thể do mẹ chăm sóc sau sinh không đúng cách, lạm dụng dung dịch vệ sinh, chất tẩy rửa sâu hoặc quan hệ tình dục sớm.
Bế sản dịch
Quá trình ra sản dịch kéo dài tối đa 45 ngày rồi hết là bình thường. Nếu sau thời gian 45 ngày của quá trình hậu sản này, mà sản dịch vẫn tiếp tục kéo dài, lúc nhiều, lúc ít, thậm chí ra cả máu cục máu đông như bạn, lại kèm mùi hôi là điều bất thường. Rất có thể, chị em bị bế sản dịch.
Bế sản dịch là sản dịch không thoát ra ngoài được, thường gặp ở phụ nữ sinh con so. Khi bị bế sản dịch, chị em sẽ có những dấu hiệu:
- bụng dưới căng tức,
- đau tràn,
- sản dịch ra chút một, kéo dài ngày, có thể kèm mùi hôi,
- sốt khoảng 38 – 39 độ.
Hiện tượng bế sản dịch rất nguy hiểm, khiến dịch từ tử cung vẫn rỉ ra ngoài và thường rất lâu hết. Sản dịch ứ đọng trong buồng tử cung có thể dẫn đến nhiễm trùng nội mạc tử cung. Nếu không can thiệp kịp thời và đúng mức có thể đưa đến tình trạng nặng nề. Như viêm cơ tử cung toàn bộ, viêm lan ra hai phần phụ (buồng trứng và ống dẫn trứng), viêm phúc mạc tiểu khung, viêm phúc mạc toàn bộ và nhiễm trùng huyết.
Cách xử lý sản dịch có mùi hôi
Khi nhận thấy sản dịch có mùi, màu bất thường, các mẹ nên đến bệnh viện để các chuyên gia xác định nguyên nhân và đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp. Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu siêu âm để đưa ra những chuẩn đoán chính xác nhất.
Trong trường hợp sản dịch có mùi hôi do viêm âm đạo, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc đặt ở âm đạo với liều lượng thích hợp, tùy theo tình trạng bệnh.
Đối với trường hợp mẹ sau sinh bị bế sản dịch kèm theo viêm nhiễm âm đạo, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh dùng thuốc kích thích co bóp tử cung để đẩy sản dịch ra ngoài, đồng thời điều trị viêm nhiễm.
Vệ sinh âm đạo đúng cách để tránh sản dịch có mùi hôi
Vệ sinh vùng kín đúng cách không chỉ giúp “cô bé” nhanh hồi phục mà còn là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để ngăn ngừa tình trạng nhiễm khuẩn âm đạo và sản dịch có mùi hôi. Dưới đây là những lưu ý quan trọng các mẹ cần nhớ:
- Dùng nước ấm nhẹ nhàng vệ sinh vùng kín. Mỗi ngày, các mẹ chỉ nên vệ sinh 3 lần trong giai đoạn sản dịch còn ra nhiều. Không nên vệ sinh quá nhiều sẽ làm vùng kín mất độ cân bằng pH.
- Thay băng vệ sinh thường xuyên, 4 tiếng 1 lần. Trong trường hợp sản dịch ra nhiều, các mẹ nên thay băng 2 tiếng 1 lần để tránh bị viêm nhiễm.
- Lưu ý không thụt rửa sâu hoặc dùng khăn ướt, giấy vệ sinh có mùi thơm để lau, rửa âm đạo.
- Các mẹ cũng cần bổ sung thêm vitamin C, các loại khoáng chất để tăng cường sức đề kháng.
Sản dịch là hiện tượng thường gặp của các mẹ sau sinh. Tuy nhiên nếu thấy sản dịch có mùi hôi thì các mẹ nên đến bệnh viện thăm khám sớm để có biện pháp xử lý kịp thời.
Theo theAsianparent
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!