Rốn trẻ sơ sinh bị lồi có nguy hiểm không? Ba mẹ có cần đưa con đi bác sĩ và nhờ cậy can thiệp y tế hay có thể tự lành? Nào hãy cùng giải toả nỗi lo lắng và căng thẳng của phụ huynh về vấn đề này trong bài viết dưới đây nhé.
Vì sao rốn trẻ sơ sinh bị lồi?
Khi em bé chào đời, dây rốn sẽ được gắn liền với bụng. Đây là sợi dây để truyền chất dinh dưỡng tới nuôi thai nhi trong suốt thời gian trong bụng mẹ. Dây rốn được cắt sau khi em bé chào đời. Và trong vòng 1-2 tuần sau khi sinh, cuống rốn teo dần và rụng đi, vết thương tự lành và tạo nên rốn của trẻ.
Rốn lồi ở trẻ sơ sinh là do thoát vị rốn gây nên. Thoát vị rốn xảy ra khi các cơ bụng đóng không kín. Và khối thoát vị này có thể to lên khi bé khóc, ho hay ưỡn người hay ngồi dậy.
Các dấu hiệu cho thấy trẻ sơ sinh bị thoát vị rốn
Hầu hết các trường hợp mẹ có thể quan sát và phát hiện những triệu chứng trẻ bị thoát vị rốn trong những tuần đầu sau sinh. Nhưng cũng có những trường hợp phải đợi bé lớn mới có thể nhận thấy.
Các dấu hiệu cho thấy khả năng rốn trẻ sơ sinh bị lồi do thoát vị rốn là:
- Có mô phình ra ở vùng dưới da trong khu vực rốn
- Khi trẻ ngồi, đứng thẳng sẽ nhìn thấy rõ mô phình hơn hoặc khi trẻ hoạt động cơ bụng mạnh như khóc, ho
- Lấy tay ấn nhẹ, ba mẹ có thể đẩy một phần mô bị lồi vào trong
- Những mô này kích thước không giống nhau ở mỗi trẻ, thường chúng chỉ nhỏ dưới 2,5cm
Rốn trẻ sơ sinh bị lồi có thể tự lành hay cần can thiệp y tế?
Thoát vị rốn thường không gây đau và hiếm khi gây biến chứng. Hầu hết các trường hợp bác sĩ sẽ khuyên phụ huynh không can thiệp mà trẻ sẽ tự khỏi khi được khoảng 1 tuổi. Lý do là lúc này cơ thành bụng của bé đã khỏe hơn và có thể đóng kín lỗ hổng thành bụng, thoát vị sẽ tự mất đi. Một vài trường hợp có thể phải đợi bé lớn đến tầm 4-5 tuổi thì thoát vị rốn sẽ hết đi.
Theo dân gian, nhiều phụ huynh sẽ làm theo phương pháp dùng băng keo dán đồng tiền lên vùng rốn lồi để làm nó nhỏ đi nhanh chóng. Tuy nhiên, việc làm này là phản khoa học và không thích hợp. Đôi khi, chẳng may vô tình ba mẹ sẽ làm cho tình trạng nặng nề thêm vì bị nhiễm trùng hay ngăn cản dòng máu tới nuôi tổ chức bên trong khối thoát vị.
Một vài trường hợp bác sĩ thăm khám và sẽ chỉ định cần sự can thiệp y tế như phẩu thuật, đó là khi:
- Khối thoát vị lớn và gây đau đớn cho bé
- Thoát vị rốn bị nghẹt ruột cần phẫu thuật ngay lập tức
- Khối thoát vị có vùng da bên ngoài sưng nề và đỏ
- Bé đã 5 tuổi nhưng vẫn thấy vòng rốn chưa đóng lại
- Dù đã lớn nhưng rốn trẻ vẫn lồi trông mất thẩm mỹ, nhất là với bé gái
Phụ huynh có thể để ý và đưa bé đến cơ quan y tế ngay nếu đột nhiên xuất hiện các triệu chứng sau:
- Khóc ngằn ngặt, hoặc tỏ ra đau đớn
- Bụng có vẻ phình to hơn, tròn hơn, “đầy” hơn bình thường
- Vùng da trên khối thoát vị trở nên sưng nề và đỏ
- Sốt cao
- Nôn mửa
- Khó đi ngoài hoặc hoàn toàn không đi ngoài
- Có máu trong phân
Mẹo chăm sóc vùng rốn của em bé
- Nhẹ nhàng lau vùng da xung quanh rốn một cách kỹ lưỡng khi thay tã cho bé để lấy đi những cặn bám ẩm ướt. Mẹ có thể dùng một tăm bông để thực hiện việc vệ sinh này.
- Để cuống rốn được thoáng khí để mau lành và mau khô hơn
- Cố gắng tránh để tã cọ xát với cuống rốn. Nên mặc tã dưới cuống rốn.
- Tránh tác động mà hãy để cuống rốn khô và rụng đi một cách tự nhiên
- Không dùng đồng xu hay miếng gạt để che vùng rốn bị lồi của bé
- Giữ cho cuống rốn khô và tránh chạm vào nước khi tắm rửa cho bé. Nếu cuống rốn bị ướt, hãy lau khô bằng khăn mềm.
- Để ý các dấu hiệu bất thường tại cuống rốn như chảy máu, chảy nước vàng,…Lúc này mẹ phải đưa bé đi khám bác sĩ để được tư vấn xử lý đúng cách.
Rốn trẻ sơ sinh bị lồi là một hiện tượng tự nhiên và khá phổ biến. Hiện nay chưa có cách nào để phòng ngừa tình trạng này. Điều mẹ có thể làm là có đủ kiến thức, chăm sóc thật tốt và quan sát kỹ càng để hiểu cơ thể bé yêu.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!