Rối loạn lo âu ở trẻ em được biểu lộ qua các hành vi cư xử và cảm xúc theo từng lứa tuổi của con. Nhưng có những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này mà cha mẹ không ngờ rằng nó có thể xuất phát từ chính bản thân mình.
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Bác sĩ Vũ Nhật Nam – Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh
Những dấu hiệu rối loạn lo âu ở trẻ em
Bản thân trẻ em rất khó để nhận ra cảm xúc lo lắng, bất an của mình. Con chưa đủ nhận thích để giải thích được những căng thẳng đang thực sự diễn ra hoặc chỉ là do trẻ tưởng tượng. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì rối loạn căng thẳng đều là dấu hiệu đáng báo động về phát triển thể chất, hành vi và tâm lý của trẻ.
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Rối loạn lo âu ở trẻ em là bệnh khá phổ biến hiện nay, gây ảnh hưởng đến sự thích nghi cuộc sống của trẻ. Biểu hiện của bệnh rất đa dạng, thường gặp như dễ kích thích, mất ngủ, bồn chồn, đau đầu, đau dạ dày, trầm cảm, rối loạn ăn uống, tăng động giảm chú ý. Bên cạnh đó, đối với trẻ em, triệu chứng phổ biến nhất là sợ đến trường. Bệnh có nhiều mức độ, nếu nặng có thể gặp tình huống trẻ lo lắng, sợ hãi kéo dài, lặp đi lặp lại nhiều lần khiến trẻ thở gấp, hồi hộp, mạch nhanh, chóng mặt, khô miệng, vã mồ hôi, run rẩy, bất an.
Làm thế nào để biết được con mình đang gặp phải tình trạng này? Lời khuyên dành cho cha mẹ là bạn cần hiểu kĩ về các dấu hiệu của rối loạn lo âu ở trẻ thường được biểu hiện như sau:
Biểu hiện rối loạn lo âu về mặt hành vi, cảm xúc
- Trẻ thường khó tập trung
- Cách cư xử của trẻ thay đổi chẳng hạn như ủ rũ, hung hăng, nóng nảy hoặc bám bố mẹ một cách bất thường
- Sợ hãi (sợ bóng tối, cô đơn hoặc người lạ)
- Xuất hiện các thói quen cho thấy trẻ bị căng thẳng, kích động như cắn móng tay
- Tách mình ra khỏi gia đình hoặc bạn bè
- Không muốn đi học
- Gặp rắc rối ở trường
- Cất giữ những món đồ mang một ý nghĩa đặc trưng nào đó
Biểu hiện về mặt thể chất
- Thói quen ăn uống trở nên thất thường
- Kêu ca về những cơn đau bụng hoặc đau đầu
- Đái dầm
- Rối loạn giấc ngủ hoặc mơ thấy ác mộng
- Các dấu hiệu thể chất bất thường khác
Nếu phụ huynh bắt đầu nhận thấy sự thay đổi ở trẻ, bạn nên ghi lại các dấu hiệu để hiểu được trẻ đang bị căng thẳng hay con gặp vấn đề về sức khỏe.
Vì sao trẻ gặp phải tình trạng rối loạn lo âu
Lo lắng, căng thẳng ở trẻ thường xuất phát từ các yếu tố tác động bên ngoài môi trường sống của trẻ như trường học, gia đình, bạn bè, …
Hoặc đôi khi cảm giác lo lắng này được hình thành do những áp lực từ chính bên trong trẻ.
Các nhà tâm lý đã tổng hợp các lý do phổ biến khiến một đứa trẻ bị rối loạn lo âu như:
1. Những thay đổi lớn trong gia đình
Những thay đổi lớn trong gia đình, cú sốc đến từ chính gia đình của trẻ. Thường thấy nhất có thể kể đến là cha mẹ ly dị, trong nhà có người qua đời, trẻ có thêm em, …
Khi gặp sự thay đổi này, trẻ thường cảm thấy sốc hoặc mất đi cảm giác an toàn. Chẳng hạn có thêm em khiến trẻ cảm thấy bị đe dọa và trở nên ghen tị. Một cái chết trong gia đình khiến trẻ đau buồn và sợ hãi về ranh giới sự sống, cái chết, … Những điều này là quá sức đối với bất kỳ đứa trẻ nào.
2. Sự bất ổn đến từ chính cha mẹ
Những lo lắng về tiền bạc và công việc, sự hỗn loạn trong gia đình, mẫu thuẫn, bất đồng của cha mẹ có thể dẫn đến cảm giác bất lực đối với trẻ. Bởi phần lớn trẻ cảm thấy chúng cần làm điều gì đó để giúp đỡ cha mẹ nhưng lại không thể. Từ đó trẻ sinh ra căng thẳng.
3. Thời gian biểu dày đặc
Lịch học dày đặc, các hoạt động ngoại khóa liên tục khiến trẻ không còn thời gian để nghỉ ngơi hay có khoảng thời gian tĩnh cho bản thân. Tất cả những điều này cũng có thể khiến một đứa trẻ bị stress.
4. Áp lực học tập khiến hình thành rối loạn lo âu ở trẻ em
Nhiều trẻ em cảm thấy lo lắng về việc muốn học giỏi ở trường. Áp lực học tập đặc biệt phổ biến ở những trẻ luôn sợ mắc lỗi, thích sự hoàn hảo và cảm thấy tự ti khi mình không giỏi một việc gì đó.
5. Rối loạn lo âu ở trẻ là vấn đề khá phổ biến
Đối với trẻ nhỏ, lo lắng về sự xa cách người chăm sóc mình (đặc biệt là với mẹ) được xem là vấn đề phổ biến. Với những trẻ lớn hơn, áp lực để thích nghi, hòa nhập được với những đứa trẻ khác cũng có thể khiến con bị rối loạn lo âu.
6. Trẻ bị bắt nạt
Bắt nạt là một vấn đề nghiêm trọng đối với nhiều trẻ em. Cha mẹ có thể thấy được điều này thông qua các dấu hiệu bị tổn hại trên cơ thể trẻ. Bạo hành tinh thần sẽ khó nhận ra hơn nhưng trẻ bị bắt nạt thường cảm thấy xấu hổ, lo lắng, sợ hãi. Con sẽ cố gắng giấu giếm cha mẹ và thầy cô vì sợ mọi người thấy được sự yếu kém của mình.
7. Con bị ảnh hưởng bởi các bản tin thời sự
Các tin tức thời sự, hình ảnh bạo lực mà trẻ vô tình hoặc tiếp xúc thông qua các phương tiện truyền thông mà đôi khi do cha mẹ vô tình để mặc con với ti vi hoặc vô tư xem tin tức thời sự trước mặt trẻ. Những hình ảnh ghê rợn, khủng bố, thảm họa thiên nhiên, … dễ khiến trẻ sợ hãi. Bởi con lo lắng điều tồi tệ nào đó có thể xảy ra với gia đình mình.
8. Bắt nguồn từ sách truyện, phim ảnh
Những câu chuyện hư cấu cũng có thể gây ra rối loạn lo âu ở trẻ em. Trẻ thường bị ám ảnh bởi những cảnh đáng sợ, bạo lực hoặc thế giới không thực tế trong truyện, phim ảnh.
Làm thế nào để thiện tình trạng rối loạn lo âu ở trẻ em?
Nhận ra được các dấu hiệu căng thẳng, lo âu của trẻ là việc quan trọng mà bất kỳ cha mẹ nào cũng cần chú ý, tìm hiểu. Từ đó mới có thể tìm cách giúp trẻ cải thiện tình trạng này. Dưới đây là một vài cách hiệu quả mà các chuyên gia tâm lý gợi ý cha mẹ nên áp dụng:
Ở nhà
- Tạo dựng môi trường yên tĩnh, yên toàn trong chính ngôi nhà của trẻ
- Thời gian gia đình dành cho nhau bằng sự quan tâm, các cuộc trò chuyện, … có thể ngăn ngừa sự lo lắng và giúp giảm căng thẳng đối với trẻ
- Giám sát chương trình truyền hình, trò chơi video và sách của con bạn
Hãy để con được đóng góp và tham gia vào công việc của gia đình
- Nếu có bất kỳ sự thay đổi nào sắp diễn ra trong gia đình, cha mẹ nên tham khảo ý kiến trẻ, trò chuyện và giải thích cho trẻ biết trước. Chẳng hạn bố mẹ sẽ chuyển chỗ làm, con chuyển trường, …
- Hướng dẫn trẻ tham gia các hoạt động xã hội và thể thao
- Trao cho con cơ hội được độc lập trong suy nghĩ và hành động
Cha mẹ đóng vai trò quan trọng
- Trẻ em nhìn vào và bắt chước tất cả các thói quen, hành vi của bố mẹ mình. Nếu cha mẹ có một nếp sống lành mạnh, biết cách giải tỏa căng thẳng thì chắc chắn trẻ cũng sẽ học theo.
- Yêu thương trẻ và động viên trẻ
- Hãy khen ngợi và khuyến khích khi con làm điều tốt. Cách này sẽ giúp trẻ có được lòng tự trọng và sự tự tin vào bản thân.
- Luôn luôn lắng nghe con chứ đừng vội chỉ trích chúng
- Đưa ra những lời khuyên và hướng để trẻ có thể giải quyết vấn đề của mình
- Để mắt đến các dấu hiệu bất thường của trẻ
Bác sĩ Nam cho biết, khi được phát hiện và điều trị sớm, trẻ sẽ học được cách tự kiểm soát sự lo âu của mình và hồi phục nhanh chóng. Bệnh được điều trị bởi các bác sĩ tâm thần, chuyên viên tâm lí và sự hỗ trợ của các bậc phụ huynh. Để trẻ cảm thấy an toàn và hợp tác điều trị, ba mẹ cần lắng nghe cảm xúc của trẻ, giữ bình tĩnh khi trẻ lo lắng về một tình huống hay một sự kiện nào đó, cùng trẻ giải quyết vấn đề, khen ngợi những thành tích và không trừng phạt những sai phạm nhỏ hay sự thiếu tiến bộ của trẻ.
Kết luận
Rối loạn lo âu dường ở trẻ dường như đang ngày càng trẻ nên phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Vật lộn trong tình trạng này thực sự là điều khó khăn đối với mỗi đứa trẻ. Chỉ có sự quan tâm sát sao và tình yêu thương của cha mẹ mới là công cụ hữu hiệu nhất để giúp trẻ vượt qua giai đoạn này.
Theo verywellfamily
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!