Quá trình phát triển của thai nhi là điều mẹ bầu nào cũng muốn tìm hiểu trước và trong khi mang thai. Để giúp các mẹ hiểu rõ quá trình phát triển của thai nhi qua từng tuần mà không làm mẹ “ngủ gục” vì khối lượng thông tin, bài viết dưới đây sẽ liệt kê quá trình hình thành của thai nhi theo từng tam cá nguyệt. Sẽ không quá khó để theo dõi đâu, kiên nhẫn một chút và sẽ có nhiều thông tin bổ ích đó các mẹ ạ!
Quá trình phát triển của thai nhi trong tam cá nguyệt thứ nhất
Để mẹ dễ theo dõi, quá trình hình thành thai nhi theo tuần được thể hiện trong mỗi tam cá nguyệt. Tam cá nguyệt thứ nhất kéo dài từ tuần 1 tới tuần thứ 13 của thai kỳ, là giai đoạn tiền đề để em bé phát triển hầu hết các cơ quan nội tạng và các chi.
-
Giai đoạn 2 tuần đầu: chuẩn bị
Đây được gọi là giai đoạn chuẩn bị cho sự rụng trứng và không có sự mang thai thực sự nào diễn ra.
Thời điểm này trứng được thụ tinh và sẽ tạo thành hợp tử. Hợp tử mang bộ nhiễm sắc thể của cả bố và mẹ, quyết định luôn giới tính đứa trẻ từ đây, và di chuyển dần vào buồng tử cung để tiến hành phân chia tạo thành túi phôi.
Túi phôi làm tổ, bám chắc ở niêm mạc tử cung. Có 2 nhóm tế bào của phôi: lớp bên ngoài là nhau thai – nuôi dưỡng thai nhi trong suốt cả thai kỳ; lớp bên trong phát triển thành phôi thai.
Túi phôi khi được 4 tuần tuổi
-
5 tuần: phôi thai phát triển thành em bé
Phôi thai giờ đây đã phát triển thành em bé với nhiều cơ quan trên cơ thể (dù chưa đầy đủ). Những phần hình thành từ phôi thai là: da, hệ thống thần kinh trung ương và ngoại biên, mắt và tai trong; tim và hệ tuần hoàn, xương, dây chằng, thận và phần lớn hệ sinh dục; phổi và ống tiêu hóa.
-
Quá trình phát triển của thai nhi khi được 6 tuần: ống thần kinh đóng lại
Ống thần kinh ở phía lưng của thai nhi bắt đầu đóng lại. Não và tủy sống của thai nhi phát triển từ ống thần kinh. Tim và các cơ quan nội tạng khác cũng bắt đầu có hình dạng rõ nét hơn. Mũi, miệng và tai của bé bắt đầu định hình. Ruột cũng bắt đầu phát triển. Các chồi nhỏ xuất hiện sau này sẽ thành cánh tay của em bé. Thân thai nhi bắt đầu có hình dạng cong như chữ C.
-
7 tuần: thai nhi phát triển phần đầu và chi trên
Não và mặt của em bé phát triển lớn lên. Những chỗ lõm mà sau này trở thành lỗ mũi của em bé đã có thể nhìn thấy. Võng mạc dần bắt đầu hình thành. Những chồi mà sau này trở thành chi dưới xuất hiện. Chồi cánh tay xuất hiện ở tuần trước giờ có hình dạng như mái chèo.
-
8 tuần: em bé định hình mũi, môi trên, ngón tay và chi dưới
Các ngón tay bắt đầu hình thành. Những bộ phận sau này trở thành tai và mắt đã thấy được rõ ràng. Môi trên và mũi đã thành hình. Cổ và thân mình bắt đầu duỗi thẳng. Chồi chi dưới đã có hình dạng mái chèo.
-
9 tuần: đuôi biến mất, ngón chân xuất hiện
Tuần này, đuôi của em bé đã biến mất. Cánh tay phát triển và khuỷu tay xuất hiện. Các ngón chân đã có thể nhìn thấy và mí mắt hình thành. Đầu thai nhi khá lớn nhưng phần cằm của thai nhi vẫn chưa hoàn thiện.
Thai nhi 9 tuần tuổi
-
10 tuần: khuỷu tay thai nhi gập lại
Đầu của thai nhi trở nên tròn hơn. Em bé đã có thể gập khuỷu tay. Các ngón chân và ngón tay không còn màng nữa và trở nên dài hơn. Mí mắt và tai ngoài tiếp tục phát triển. Dây rốn có thể nhìn thấy rõ ràng.
-
Tuần 11 trong quá trình phát triển của thai nhi: bộ phận sinh dục phát triển
Khuôn mặt của thai nhi rộng ra, hai mắt tách xa nhau, mí mắt nhắm lại. Mầm răng tương lai xuất hiện. Hồng cầu bắt đầu hình thành trong gan thai nhi. Đến cuối tuần thứ 11, bộ phận sinh dục ngoài bắt đầu phát triển (để trở thành dương vật với bé trai hoặc thành âm vật và môi lớn nếu là bé gái).
Thai nhi có thể đá, duỗi chân duỗi tay, nấc cụt nhưng mẹ vẫn rất khó cảm nhận các cử động đó của con tại thời điểm này.
-
12 tuần: móng tay bé xuất hiện
Em bé thời điểm này đã có những cử động dứt khoát hơn như gập, duỗi ngón tay, đưa tay lên miệng mút, ngón chân cong lại. Móng tay bé đã xuất hiện, khuôn mặt cũng trông rõ ràng hơn. Hệ thống ruột trong bụng bé đã phát triển hơn.
-
13 tuần: vân tay hình thành
Những ngón tay bé xíu của bạn nhỏ bây giờ đã có vân tay. Tĩnh mạch và các cơ quan nội tạng của bé có thể nhìn thấy rõ qua da. Nếu mẹ đang mang thai bé gái, buồng trứng của bé đã chứa hơn 2 triệu trứng rồi đó.
Thai nhi phát triển như thế nào ở tam cá nguyệt thứ hai?
Khi sang tới tam cá nguyệt thứ hai, các triệu chứng ốm nghén của hầu hết các mẹ biến mất, sức khoẻ mẹ ổn định hơn. Bé sẽ đặc biệt phát triển phổi và các giác quan trong thời gian 3 tháng giữa này.
-
Quá trình phát triển của thai nhi khi bé đến 14 tuần: móng chân xuất hiện; bé có thể đi tiểu
Thận của em bé có thể tạo ra nước tiểu và bé sẽ tè vào trong nước ối. Bé biết thể hiện nét mặt của mình cũng như biết mút ngón tay. Móng chân em đã xuất hiện vào tuần này.
-
15 tuần: bé phản xạ với ánh sáng
Mí mắt vẫn chưa mở nhưng thai nhi đã có thể cảm nhận ánh sáng bên ngoài. Nếu mẹ đi siêu âm, giới tính của bé sẽ dễ dàng được phát hiện hơn vào thời điểm này đó!
-
16 tuần: thính giác phát triển hơn, mẹ cảm nhận được “thai máy”
Chức năng nghe của bé đã hoàn thiện hơn. Bên cạnh đó, cử động của thai (thai máy) mẹ bắt đầu có thể cảm nhận được từ tuần này.
-
Quá trình phát triển của thai nhi khi được 17 tuần: phổi bắt đầu phát triển hơn nhưng chưa hoàn thiện
Ở tuần 17, phổi của bé đã bắt đầu phát triển hơn nhưng chưa có túi phổi.
-
18 tuần: bé phản xạ với âm thanh; vỏ tiểu não phát triển
Bé bắt đầu nghe được nhiều âm thanh hơn và có phản xạ, giật mình nếu nghe thấy tiếng động lớn. Vỏ tiểu não của bé cũng phát triển và hình thành đầy đủ hơn.
-
19 tuần: các giác quan phát triển mạnh mẽ
Các giác quan của bé – khứu giác, thị giác, xúc giác, vị giác và thính giác – đang phát triển và bé có thể nghe được giọng nói của mẹ. Mẹ có thể nói chuyện, hát hoặc đọc to cho bé nghe, sẽ làm bé cảm thấy hứng khởi và gần gũi với mẹ hơn!
-
20 tuần: phân su bắt đầu hình thành
Do chức năng nuốt nước ối của bé phát triển mạnh mẽ, hệ thống tiêu hoá cũng phát triển hơn và bắt đầu hình thành phân su ở trong ruột. Có tới 88% trường hợp các em bé sẽ không đại tiện ở trong bụng mẹ cho tới khi ra đời đâu, các mẹ ạ!
Em bé trong tuần 20 của thai kỳ
-
21-25 tuần thì quá trình lớn lên của thai nhi như thế nào: phổi phát triển và hoàn thiện hơn
Khoảng từ tuần thứ 21 trở đi, mẹ sẽ bắt đầu cảm nhận các cơn gò sinh lý Braxton Hicks (co thắt tử cung) – đôi lúc hơi nhói ở bụng dưới nhưng không kéo dài thành cơn. Bé có thể sẽ có những chuyển động chớp mắt khi đi ngủ vào tuần thứ 23. Đến cuối tuần 25, phổi của em bé sẽ hoàn thiện; làn da bớt nhăn nheo hơn; tóc bé bắt đầu mọc lên. Chiều dài và kích thước của em bé sẽ lớn dần lên theo thời gian, cùng với các chuyển động “nhảy nhót”, “vùng vẫy” trong bụng mẹ cũng nhiều, mẹ sẽ thấy bé đáng yêu lắm đó!
Tuần thứ 25 của bé yêu trong bụng mẹ!
-
26-27 tuần: chức năng phổi bắt đầu hoạt động
Giờ bạn nhỏ thân thương của mẹ ngủ và thức dậy theo lịch trình đều đặn. Não của bạn ấy cũng rất phát triển rồi. Đặc biệt, bé yêu có thể hít vào, thở ra trong môi trường nước ối. Trong trường hợp phải chào đời vào thời điểm này, phổi của bé có thể đảm đương được chức năng của mình. Tuy nhiên, bé vẫn cần hỗ trợ rất nhiều từ đội ngũ y tế từ bên ngoài.
Quá trình phát triển của thai nhi trong tam cá nguyệt thứ ba
Vào 3 tháng cuối thai kỳ, có thể mẹ sẽ đối mặt với một vài hoặc nhiều cơn chuột rút tuỳ vào thể trạng của mẹ. Tuy nhiên, mẹ nên tìm các bài tập thể lực nhẹ nhàng, phù hợp với bà bầu để tránh được tình trạng trên và nâng cao sức khoẻ của cả mẹ và con.
-
28 tuần: thị lực phát triển
Lông mi của bé con đã mọc lên, thị lực của bé phát triển hơn, bé chớp mắt nhiều hơn.
-
29-31 tuần: bé tiếp tục phát triển cơ bắp, lớp mỡ và củng cố chức năng phổi
Em bé ngày một lớn dần lên với cơ bắp phát triển. Lớp mỡ cũng tích tụ thêm có chức năng làm ấm cơ thể bé cho tới khi bé ra đời. Bé cũng có thêm thời gian để hít thở nhiều hơn, làm chức năng phổi trở nên tốt hơn theo thời gian.
-
Quá trình phát triển của thai nhi khi 32-33 tuần: tinh hoàn phát triển (nếu là bé trai)
Giai đoạn này đặc biệt quan trọng với chức năng sinh sản của bé trai sau này vì tinh hoàn của bé tới thời điểm này mới phát triển.
Tuần 33 của thai nhi trong bụng mẹ
-
34-36 tuần: mẹ có thể sinh non nếu bé ra đời
Em bé đến giai đoạn này cũng lớn lắm rồi và các chức năng trên cơ thể cũng đã hoàn thiện đến 90%. Tuy nhiên, nếu sinh em bé trong giai đoạn này, có khả năng khi sinh ra sức khoẻ của bé không được tốt lắm và dễ thiếu canxi sau sinh, sức đề kháng không cao…
-
37-40 tuần: bé đã đủ tháng để gặp mẹ
Bây giờ bé được coi là đủ tháng. Nếu bé được sinh ra vào lúc này thì phổi của bé đã có thể làm việc tốt được rồi. Đã đến lúc bé nên chào đời và thực sự sẵn sàng cho cuộc sống ngoài đời thực.
Đến tuần này mà mẹ chưa sinh thì được gọi là thai già tháng. Quá nhiều hơn 2 tuần kể từ ngày dự sinh đang tạo nguy cơ biến chứng cho mẹ và bé, bác sĩ chắc chắn sẽ tư vấn cho mẹ các biện pháp để kích thích chuyển dạ.
Quá trình hình thành thai nhi theo tuần quả thực là rất kỳ diệu phải không các mẹ? Cứ mỗi tuần trôi qua, con lại một lớn thêm và các cơ quan cũng thay đổi, hoàn thiện nhanh chóng. Hy vọng với kiến thức mẹ có được, mẹ sẽ có một thai kỳ khoẻ mạnh và sinh em bé thuận lợi nhé!
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!