Phụ nữ tiền mãn kinh có thai không, băn khoăn này của chị em sẽ được bác sĩ sản khoa giải đáp chi tiết thông qua việc giải thích về khả năng thụ thai theo từng lứa tuổi cũng như những lời khuyên hữu ích đối với cách mang thai và tránh thai ở tuổi tiền mãn kinh.
Phụ nữ tiền mãn kinh có thai không?
Khi bạn đã bước sang lứa tuổi tiền mãn kinh, những thay đổi cơ thể khiến bạn không ít khó chịu. Một số phụ nữ trở nên chủ quan hơn trong thời điểm này. Họ cho rằng khi đã sắp mãn kinh thì cơ hội thụ thai là rất ít hoặc hầu như hiếm khi xảy ra. Chuyện tình dục có thể trở nên thoải mái và ít lo lắng hơn bởi đàn ông vốn luôn coi rằng bao cao su là thứ cản trở hưng phấn của họ nhiều hơn. Tuy vậy, chị em cần nhớ rằng, một khi kinh nguyệt chưa chấm dứt thì việc bạn mang thai là điều hoàn toàn nằm trong tầm tay.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM cho biết rất nhiều phụ nữ ngộ nhận về khả năng thụ thai. Theo bác sĩ, trên thực tế, sau 30 tuổi khả năng thụ thai giảm đi, đến tuổi 35 khả năng này càng giảm mạnh (chỉ bằng 1/4 so với 20-30 tuổi) và từ 40 tuổi trở đi khả năng thụ thai giảm rõ rệt. Mặc dù vậy, cần phân biệt được rằng phụ nữ sau tuổi 40 khả năng thụ thai giảm rõ rệt chứ không phải là không còn khả năng thụ thai.
Phụ nữ tiền mãn kinh không muốn mang thai ngoài ý muốn vẫn cần áp dụng phương pháp tránh thai
Dù khả năng mang thai không cao như ở tuổi trước đó nhưng bạn vẫn hoàn toàn có thể mang thai ở giai đoạn tiền mãn kinh. Với nhiều người, đây là điều mà họ không mong muốn khi con cái đã lớn, sức khỏe cũng không còn như trước để có thể chăm sóc con nhỏ. Nhằm tránh tình trạng “giữ thì lo mà bỏ thì tội”, bạn cần áp dụng các biện pháp tránh thai phù hợp cho dù đã bước sang tuổi tiền mãn kinh.
Các biện pháp tránh thai chị em có thể tham khảo thường bao gồm:
- Thuốc estrogen-proestin dưới dạng viên uống hoặc đặt vòng
- Thuốc proestin, chẳng hạn như levonorgestrel (Mirena, Skyla), thuốc tránh thai cấy ghép dưới da etonogestrel (Nexplanon), hoặc Viên uống tránh thai chỉ chứa progestin cũng giúp phụ nữ giảm nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung.
- Miếng dán estrogen-proestin được sử dụng nếu bạn không có nguy cơ bị cục máu đông hoặc rối loạn chảy máu khác. Tuy nhiên, cần thận trọng khi sử dụng miếng dán này do trong một miếng dán có chứa cả estrogen và proestin do làm tăng nguy cơ đông máu so với các hình thức tránh thai estrogen-proestin khác dưới dạng thuốc viên hoặc vòng âm đạo.
- Kỹ thuật triệt sản vĩnh viễn như thắt ống dẫn trứng
Bạn nên đi khám sức khỏe để tư vấn với bác sĩ về cách tránh thai phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình. Ngoài ra ngay cả khi đã chấm dứt kinh nguyệt hoàn toàn thì chị em vẫn nên tiếp tục áp dụng phương pháp tránh thai trên trong vòng 12 tháng để tránh việc mang thai ngoài ý muốn.
Phụ nữ tiền mãn kinh muốn có thai thì nên làm thế nào?
Mang thai là một giai đoạn quan trọng và đòi hỏi các mẹ phải chuẩn bị rất nhiều thứ. Đặc biệt những phụ nữ lớn tuổi có nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm trong quá trình mang thai và chuyển dạ hơn người bình thường. Vì vậy, bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để có một thai kỳ an toàn.
Để quá trình mang bầu và sinh con khi đã bước vào lứa tuổi tiền mãn kinh được an toàn, chị em cần lưu ý những điều sau:
Uống bổ sung axit folic đầy đủ trước khi mang thai
Ba tháng trước thời gian dự định có thai, hãy uống bổ sung vitamin và axit folic. Bạn cũng có thể bắt đầu dùng thêm vitamin D và canxi, các chất này rất quan trọng trong việc hình thành xương, răng và đảm bảo sự phát triển của thai nhi.
Đảm bảo cân nặng của bản thân ở mức độ hợp lý
Phụ nữ độ tuổi tiền mãn kinh thường dễ tăng cân và cân nặng lớn hơn so với phụ nữ tuổi vẫn còn trẻ. Bạn cần kiểm tra cân nặng của mình xem có ở mức béo phì hay không. Nếu cân nặng quá mức tiêu chuẩn, bạn cần từ từ cắt giảm bớt tinh bột, tăng cường ăn rau xanh, giúp đưa cơ thể trở về mức cân nặng lý tưởng cho việc mang thai.
Xét nghiệm trước khi mang thai
Phụ nữ tiền mãn kinh sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro từ nguy cơ của các bệnh về tuyến vú và tử cung. Do đó xét nghiệm là bước cần thiết giúp bạn mang thai an toàn khi đã lớn tuổi. Nếu bạn dự định mang thai, các bác sĩ sẽ thực hiện chụp X-quang tuyến vú, xét nghiệm PAP, hemoglobin, lipid, xét nghiệm tìm ra các bệnh lây qua đường tình dục và đái tháo đường, … Điều này rất hữu ích trong việc tìm ra các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến quá trình mang thai của bạn.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!