Dù ở cữ theo phương pháp truyền thống hay ở cữ hiện đại thì điều mẹ cần hướng tới vẫn là tập trung vào chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi chất lượng để cơ thể sớm phục hồi và quen dần với với trò làm mẹ của mình.
Mẹ có cần thiết phải ở cữ hay không?
Ở cữ được biết đến như một thông lệ chăm sóc mẹ sau sinh theo phong tục truyền thống, thường kéo dài từ 30,40 -100 ngày, tùy vào văn hóa của từng vùng miền.
Việc ở cữ thường bắt đầu ngay từ ngày đầu sau sinh cho cả mẹ lẫn con. Vì trẻ sơ sinh mới ra khỏi bụng mẹ nên sẽ cần một khoảng thời gian tương đương với 3 tháng để thích nghi dần với thế giới mới.
Theo truyền thống, cũng trong 3 tháng đầu này, mẹ sẽ phải tập trung toàn bộ sức lực để cố gắng phục hồi sức khỏe, học cách nuôi con bằng sữa mẹ và thích nghi với những thay đổi của cơ thể sau sinh.
Về cơ bản, từ các kinh nghiệm dân gian và phong tục ở nhiều nơi của thì hầu hết các mẹ Việt sẽ phải kiêng cữ các điều như không được ra ngoài, không ăn uống đồ lạnh, không tắm rửa, không ăn mặn, phải mặc quần áo kín đáo, …
Những quy tắc này đều hướng tới một việc giữ cho cơ thể người phụ nữ sau sinh được cân bằng về khí huyết âm, dương. Điều này rất quan trọng về mặt sức khỏe, đặc biệt là theo quan niệm Đông y. Chỉ khi âm dương cân bằng thì mẹ mới mau hồi phục, khỏe mạnh lâu dài, tránh được tình trạng yếu người, đau ốm về sau này.
Tuy nhiên cuộc sống hiện đại ngày nay đã có rất nhiều thay đổi nên việc ở cữ cũng dần đang thay đổi để phù hợp với nếp sống đang ngày càng tiến bộ hơn. Dù ở cữ theo cách nào đi chăng nữa thì điều quan trọng cuối cùng vẫn là việc hướng tới giúp người mẹ mau hồi phục và có một cơ thể khỏe mạnh về cả thể chất và tinh thần tốt nhất. Từ đó sẽ chăm sóc em bé được dễ dàng hơn.
Ở cữ hiện đại – Mẹ cần chú trọng tới 7 điều cần thiết này
Nếp sống của mỗi gia đình có thể khác nhau nhưng về cơ bản, các bác sĩ sản khoa khuyên mẹ ở cữ hiện đại cần lưu ý tới những điều quan trọng này.
1. Không căng thẳng, cố gắng giữ cho tinh thần luôn thoải mái, ít nghĩ ngợi
Giai đoạn sau sinh là thời kỳ vô cùng nhạy cảm, đặc biệt với những ai mới lần đầu sinh con. Tuy nhiên nếu quá lo lắng và suy nghĩ có thể khiến cho mẹ dễ bị xì trét. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả nguy hại cho cả mẹ và bé như:
– Ảnh hưởng đến sữa mẹ (sữa mẹ sẽ lâu về hoặc ra ít, thậm chí có thể bị mất sữa).
– Ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của mẹ.
– Kéo theo đó là ảnh hưởng đến bé sơ sinh như con không thể thư giãn, ăn ngoan, ngủ ngoan, tập trung vào việc thích nghi với thế giới bên ngoài được.
2. Mẹ cần có một chế độ ăn uống cân bằng
Một trong những điều quan trọng mà ở cữ hiện đại chú trọng và khác biệt với truyền thống đó là người mẹ cần ăn cân bằng và đa dạng chất.
Sau khi trải qua một cuộc vượt cạn thì sức khỏe của mẹ sẽ cần thời gian để phục hồi hoàn toàn. Người mẹ cần được ăn các món nấu chín, uống sôi để không gây đau bụng, mệt mỏi.
Việc ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và cân bằng còn giúp tăng chất lượng sữa của mẹ đối với bé sơ sinh. Tiếp thêm nguồn năng lượng để người mẹ có đủ sức khỏe chăm sóc trẻ, đặc biệt là các mẹ mới sinh mổ.
Ăn uống đa dạng và đủ chất cũng là cách tốt nhất giúp mẹ ngăn ngừa được tình trạng táo bón, một trong những tình trạng dễ xảy ra với mẹ sau sinh.
Mặc dù các món ăn kiêng kị truyền thống đều là những món có lợi cho sức khỏe mẹ sau sinh nhưng nếu ăn triền miên trong một thời gian dài có thể khiến người mẹ mất đi cảm giác ngon miệng và chán ăn. Chính vì vậy mà bữa ăn hàng ngày nên chú trọng tới những món ăn khiến mẹ ngon miệng, thoải mái, được chế biến sạch sẽ, tươi ngon, nóng sốt là được.
3. Không nên tập thể dục nặng và giảm cân quá mức sau khi sinh
Sau khi em bé chào đời, cơ thể mẹ sẽ giảm khoảng 5kg. Số cân còn lại sẽ giảm dần đều tùy thuộc vào chế độ ăn uống, nghỉ ngơi của từng người. Nhưng trung bình từ 3-4 tháng, đặc biệt là với các mẹ cho bé bú sữa mẹ thì sẽ trở lại số cân ban đầu.
Tuy nhiên, mẹ cũng không cần quá ám ảnh với việc giảm cân sau sinh. Bởi cơ thể cần ít nhất là 3 tháng để hồi phục sau quá trình vượt cạn. Các chuyên gia khuyên mẹ không nên vội vã lao ngay vào việc giảm cân vì có thể dẫn đến những ảnh hưởng xấu tới cơ thể người phụ nữ như: tổn thương tử cung, tổn thương đáy xương chậu, cơ thể chậm phục hồi, …
Mặc dù theo hướng dẫn ở cữ truyền thống, phụ nữ cần nằm nhiều, chân bắt chéo để tránh hậu sản, … Nhưng ở cữ hiện đại không còn đòi hỏi khắt khe như vậy nữa. Sau sinh mẹ hoàn toàn có thể vận động nhẹ nhàng, các động tác kegel, hít thở yoga, … nếu việc này giúp mẹ cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn.
4. Không nên “yêu” ngay sau sinh
Với các mẹ sinh thường, cơ thể cần 20-30 ngày để cơ thể đẩy hết sản dịch ra ngoài. Chính vì vậy mà vùng âm đạo giai đoạn này rất dễ nhiễm trùng. Vùng kín trở nên nhạy cảm và khó chịu hơn bao giờ hết.
Hơn thế, cơ thể còn tiết ra nội tiết tố khiến người phụ nữ sau sinh hoàn toàn không có mối quan tâm về “tình dục” hoặc thậm chí là lãnh cảm.
Điều này cho thấy cả về mặt thể chất và tâm lý thì hầu hết các mẹ đều không cảm thấy sẵn sàng với chuyện “yêu”.
Tùy vào cơ địa và tâm lý, nhưng điều quan trọng nhất là người chồng nên tôn trọng vợ trong thời gian này, động viên vợ, sẵn sàng khi cô ấy hoàn toàn thấy thoải mái và hồi phục.
5. Chăm sóc và giữ gìn vệ sinh cơ thể
Cuộc sống hiện đại tiện nghi đã khiến những quan niệm ở cữ như kiêng tắm rửa, gội đầu bị thay đổi. Xưa kia các bà các mẹ phải ra ngoài ao, giếng tắm rửa nên vô cùng nguy hiểm với cơ thể sau sinh. Nhưng ngày nay, các mẹ đã có phòng tắm ấm ấp, có máy sấy, … nên không cần phải lo lắng về chuyện này nữa.
Mẹ hoàn toàn có thể tắm sau khi sinh 24 giờ với những lưu ý sau:
– Tắm nước ấm
– Nhà tắm cần kín đáo
– Không nên tắm quá 20 phút.
6. Nên dành thời gian riêng cho bản thân
Với ở cữ hiện đại, việc mẹ sắp xếp được thời gian dành riêng cho bản thân mình sau sinh là vô cùng quan trọng. Đây chính là lúc mẹ có thể cân được về mặt sức khỏe, tâm lý, cảm thấy không quá ngột ngạt, áp lực trước cuộc sống có con nhỏ.
Mẹ có thể nghỉ ngơi và dành thời gian cho bản thân thông qua nhiều hoạt động ngủ nghỉ, ăn món ăn mình thích, làm những điều mình muốn, …
Trong lúc đấy mẹ có thể nhờ chồng, người thân giúp mình trông em bé trong một khoảng thời gian nhất định. Nhờ đó mà tâm trạng người mẹ sẽ thoải mái và vui hơn rất nhiều.
7. Không nên lạm dụng các mẹo vặt dân gian
Trong 3 tháng đầu tiên, cả mẹ và bé đều có một cơ thể còn yếu và non nớt. Chính vì vậy mẹ cần cẩn thận khi sử dụng các mẹo vặt dân gian hoặc lạm dụng chúng để chăm sóc cho mình và bé.
Ở cữ hiện đại có thể không dễ dàng với nhiều mẹ khi mà gia đình bạn tôn sùng các kinh nghiệm dân gian truyền thống. Làm sao để giúp người thân hiểu được điều gì là tốt nhất cho mẹ sau sinh sẽ không quá khó nếu mẹ dành thời gian thuyết phục một cách chân thành và kéo chồng ủng hộ cho mình.
Theo mẹ Diệp
Xem thêm bài liên quan:
Những kiêng kị phản khoa học sau sinh – ở cữ sao cho đúng?
Mẹ sau sinh mổ ở cữ thế nào để an toàn, sữa mau về và vết thương sớm lành?
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!