Ngọng là hiện tượng thường thấy ở trẻ em, và việc nói ngọng của trẻ em sẽ tự nhiên biến mất sau một thời gian. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp hiện tượng nói ngọng sẽ theo một người cho đến khi trưởng thành, đó là nói ngọng bẩm sinh.
Tật nói ngọng là gì?
Nói ngọng là việc phát âm không chuẩn xác ở một số âm nào đó trong tiếng mẹ đẻ. Hiện tượng này thường diễn ra trong quá trình phát triển ngôn ngữ, phát triển tâm sinh lý của trẻ em, và xuất hiện thường xuyên nhất từ khoảng 3 tuổi và thường kết thúc đến khi trẻ bắt đầu đi học. Cũng có những trường hợp trẻ em vẫn còn nói ngọng khi đi học các lớp đầu tiên của cấp tiểu học.
Tật nói ngọng thường gặp ở trẻ 3 tuổi (Nguồn ảnh: Internet)
Nói ngọng thường dẫn đến những khó khăn nhất định trong giao tiếp: trẻ em nói ngọng sẽ phát ra những âm không chuẩn, gây khó nghe, gây hiểu lầm. Nếu để ý kỹ, việc phát âm lệch chuẩn chỉ tập trung ở một vài âm vị: một vài phụ âm đầu hay một vài vần, chứ không có hiện tượng lệch chuẩn ở tất cả các âm trong hệ thống âm của một người.
Khi nào cần đưa trẻ nói ngọng đi khám
Ở các tuổi khác nhau, có thể các âm lệch chuẩn sẽ thay đổi theo hướng giảm dần, cuối cùng là biến mất. Tuy nhiên, nếu khoảng 8 đến 10 tuổi mà việc nói ngọng không mất hẳn, hoặc số lượng các lỗi không có dấu hiệu giảm dần theo thời gian, thì các bậc phụ huynh cần phải có những lưu ý đặc biệt, thậm chí cần phải đưa con đến các trung tâm chuyên môn để chẩn đoán.
Nói ngọng biểu hiện rõ khi trẻ phát âm sai những phụ âm đầu
Các kiểu nói ngọng thường được ghi nhận là nhầm phụ âm đầu (“thường” bị phát âm thành “hường”); không phát âm phụ âm đầu (“hỏi” thì phát âm thành “ỏi”; biến đổi nguyên âm chính (“đường” thành “đừng”) hay có khi là nhầm lẫn thanh điệu. Đặc biệt có thể trên một hiện tượng cùng xuất hiện trong một âm lệch chuẩn.
Nguyên nhân của việc nói ngọng
Nói ngọng ở trẻ em có nhiều nguyên nhân. Đối với hiện tượng nói ngọng tạm thời, nguyên nhân chủ yếu do sự phát triển chưa hoàn thiện của các cơ quan cấu âm, như lưỡi ngắn, các cơ của cơ quan cấu âm chưa hoạt động tốt. Một số trường hợp đơn giản là do các em chưa có khả năng thẩm âm tốt, nên hình ảnh âm học trong não các em chưa chuẩn.
Có khi vấn đề nằm ở chỗ cha mẹ, người giữ trẻ, các thành viên trong gia đình đã sử dụng các biến thể không chuẩn khi nói với con trẻ, được gọi là “parentese”, mô phỏng tiếng bi bô của chính con em mình, kiểu như “chon chó kìa” thay vì “con chó kìa”…
Trẻ có thể do nghe kém hoặc bộ phấn phát âm có vấn đề gây ra nói ngọng
Các dạng nói ngọng thường gặp
Nhìn sâu hơn nguyên nhân nói ngọng, các nhà nghiên cứu phân ra loại ngọng thực thể và ngọng cơ năng. Trong khi ngọng cơ năng là quá trình bình thường của phát triển, thì ngọng thực thể có nguyên nhân từ các lỗi của bộ máy phát âm hoặc là của cơ quan trung ương.
Ngọng cơ năng có thể có nguyên nhân do thói quen, do nghe kém, do bắt chước người xung quanh nói không đúng cách. Ngọng thực thể có nhiều nguyên nhân hơn, như bị dị tật ở cơ quan phát âm (môi, lưỡi), trẻ bị chậm nói bẩm sinh, rối loạn đường hô hấp, các khiếm khuyết (bệnh lý ở não, vấn đề tâm lý tự kỷ, rối loạn hành vi).
Nói ngọng bẩm sinh có phải là bệnh không?
Nói ngọng bẩm sinh là hiện tượng ngọng không gia giảm hay biến mất theo thời gian. Nhiều người đến lớn vẫn mắc phải một số lệch chuẩn trong phát âm. Đây là loại ngọng thực thể, đôi khi được xem là bệnh lý và cần điều trị.
Việc điều trị hiệu quả cần phải có sự can thiệp của các chuyên gia, bao gồm cá việc xác định rõ là dạng ngọng bệnh lý hay bẩm sinh hay có tính chất xã hội (chẳng hạn nói lẫn lộn l – n ở một vùng miền). Việc ngọng bẩm sinh thường so những sai lệch trong bộ máy phát âm hay các vấn đề liên quan đến thần kinh.
Phải làm gì nếu nghi ngờ con em mình bị nói ngọng bẩm sinh
Khi thấy các hiện tượng nói sai chuẩn của con em mình không có dấu hiệu gia giảm theo thời gian, không được cải thiện khi lớn dần, thì cũng là lúc cần có sự nghi ngờ về vấn đề nói ngọng bẩm sinh. Các bậc cha mẹ cần phải tham vấn các bác sĩ, các chuyên gia chẩn đoán sự phát triển của trẻ em, thậm chí cần có các chẩn đoán sử dụng công nghệ hiện đại để xác định các nguyên nhân và có biện pháp chữa trị.
Tập phát âm chuẩn cùng con mỗi ngày cũng là cách chữa tật nói ngọng
Nói ngọng ảnh hưởng nhiều đến trẻ hơn bạn tưởng
Tuy không cần phải quá lo lắng, nhưng nếu bỏ qua các hiện tượng ngọng của con em mình trong thời gian dài, thì có thể điều này sẽ tổn hại đến khả năng nói của các em. Về mặt xã hội, việc nói ngọng bẩm sinh không được chữa trị sẽ ít nhiều cản trở hoạt động xã hội của các em sau này. Khi ý thức được những lỗi phát âm của mình, các em có thể cũng sẽ nảy sinh những mặc cảm tự ti, ảnh hưởng không tốt đến đời sống tinh thần của các em.
Hãy luôn quan sát con em mình và luôn là những bậc cha mẹ có hiểu biết. Ngoài ra, ngay khi còn trong bụng mẹ, các ông bố bà mẹ nên trò chuyện với thai nhi, cho con nghe nhạc để tăng khả năng tiếp nhận ngôn ngữ của trẻ khi chào đời.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!