Nổi mề đay sau sinh là hiện tượng không hiếm gặp ở chị em. Thông thường, mề đay xuất hiện đột ngột và biến mất hoàn toàn chỉ sau 24 giờ. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng này có thể dai dẳng, gây ra triệu chứng ngứa ngáy, sưng đỏ da ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hằng ngày. Nếu đang có cùng băn khoăn làm sao thoát khỏi tình trạng này, chị em có thể tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây!
Nổi mề đay thường gặp ở phụ nữ sau sinh
Nổi mề đay là vấn đề da liễu thường gặp ở phụ nữ sau sinh. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể bị kích thích, từ đó làm tăng hoạt động quá mẫn của hệ miễn dịch và gây ra tổn thương da.
Thống kê cho thấy, mề đay ảnh hưởng đến 20% dân số thế giới và có thể khởi phát ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên trẻ nhỏ, người có hệ miễn dịch kém, phụ nữ mang thai và sau sinh là đối tượng có nguy cơ bị nổi mề đay cao nhất.
Mề đay mẩn ngứa có thể khởi phát ở cả phụ nữ sinh thường và sinh mổ. Tuy nhiên với những trường hợp sinh mổ, triệu chứng có thể tiến triển dai dẳng, lan rộng và gây ngứa nhiều hơn do thể trạng và sức đề kháng của mẹ bị suy giảm rõ rệt.
Nguyên nhân nổi mề đay sau sinh
Có nhiều nguyên nhân khiến chị em bị nổi mề đay:
- Do rối loạn nội tiết tố: Sau khi sinh, nội tiết tố của mẹ bị rối loạn ảnh hưởng trực tiếp đến hệ miễn dịch và tạo điều kiện cho mề đay phát triển.
- Yếu tố tâm lý: Mẹ sau sinh thường có tâm lý bất ổn. Yếu tố này kết hợp với thể trạng yếu và việc phải bận rộn chăm sóc con trẻ là nguyên nhân gây nổi mề đay mẩn ngứa.
- Chế độ ăn uống chưa hợp lý: Sau khi sinh, mẹ bỉm sữa phải kiêng khem nhiều thực phẩm, từ đó dẫn đến thiếu chất và nổi mề đay.
- Tuyến mồ hôi hoạt động mạnh: Đổ mồ hôi nhiều bất thường là tình trạng hay xảy ra ở phụ nữ mang thai và sau khi sinh. Mồ hôi tiết nhiều có thể khiến lỗ chân lông bị bít tắc, gây ngứa da và kích thích da nổi mề đay.
- Thời tiết: Nhiệt độ thay đổi đột ngột, cơ thể chưa kịp thích nghi khiến mẹ bỉm sữa bị mề đay.
- Do thuốc: Các loại thuốc như kháng sinh, vaccine, thuốc chống viêm, giảm đau… có thể gây mẩn ngứa.
- Các nguyên nhân khác: do mẹ mặc quần áo quá chật, tiếp xúc với lông chó mèo, phấn hoa, mạt bụi, bị côn trùng đốt…
Triệu chứng nổi mề đay thường thấy
- Phát ban ở dạng mảng hoặc sẩn, kích thích không đều nhau và có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Các nốt đỏ lúc đầu mọc ở một vị trí, sau đó lan ra khắp cơ thể.
- Ngứa ngáy khó chịu, cơn ngứa từ nhẹ đến dữ dội, nhất là vào ban đêm. Có thể đi kèm với tình trạng nóng rát và đau.
- Sẩn, mảng da có bờ tròn và giới hạn rõ ràng so với những vùng da khác.
- Một số trường hợp mẹ bỉm sữa xuất hiện tình trạng sưng phù môi, mí, mắt, bộ phận sinh dục…
- Triệu chứng khác kèm theo: Mệt mỏi, sốt nhẹ, đau đầu, đi ngoài…
Nổi mề đay sau sinh bao nhiêu lâu thì hết?
Tùy cơ địa từng người mà mề đay có thể nhanh lặn hoặc cần thêm thời gian. Một số mẹ sau sinh bị mề đay mẩn ngứa có thể thuyên giảm nhanh chóng chỉ sau vài ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên ở những người khác, tình trạng có thể kéo dài hơn 6 tuần và chuyển thành mãn tính.
Thời gian mề đay lặn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Cơ địa của sản phụ
- Phương pháp điều trị
- Tình trạng sức khỏe
- Nguyên nhân nổi mề đay
- Chế độ chăm sóc.
Nếu mẹ có sức khỏe tốt, cơ thể đáp ứng thuốc tốt, lựa chọn cách chữa và chế độ chăm sóc phù hợp thì sẽ nhanh khỏi. Ngược lại chị em sức khỏe kém, uống thuốc không khoa học, sử dụng phương pháp không phù hợp thì bệnh sẽ kéo dài và lâu khỏi.
Mẹ nên ăn gì, kiêng gì?
Về chế độ dinh dưỡng, mẹ bỉm sữa bị nổi mề đay sau sinh cần bổ sung thực phẩm và kiêng khem khoa học. Điều này sẽ giúp mề đay nhanh lặn và cảm thấy bớt ngứa. Dưới đây là một số thực phẩm nên ăn và kiêng ăn khi nổi mề đay sau sinh cho mẹ:
- Bổ sung nhiều loại quả giàu vitamin C
- Ăn nhiều thực phẩm giàu omega 3 ( cá hồi, hạt óc chó, cá ngừ…)
- Ăn nhiều rau xanh đậm, trái cây tươi, các loại gia vị có khả năng kháng viêm ( tỏi, nghệ…)
- Hạn chế ăn thực phẩm giàu đạm
- Không sử dụng đồ có cồn, chất kích thích
- Kiêng ăn thực phẩm dễ dị ứng như tôm, cua, hải sản…
- Không ăn đồ cay nóng, nhiều gia vị và dầu mỡ
- Nên uống nhiều nước lọc, nước trái cây.
Cách điều trị nổi mề đay cho mẹ bằng mẹo dân gian an toàn và hiệu quả
Nếu tình trạng mề đay khởi phát gây ngứa vào ban đêm, mẹ có thể áp dụng một số biện pháp dân gian để khắc phục tại chỗ tình trạng này. Cách này được nhiều người ưu tiên lựa chọn, do thảo dược đảm bảo an toàn và lành tính hơn các loại thuốc tân dược.
- Uống trà gừng, mật ong: Gừng sẽ giúp mẹ giữ ấm cơ thể, kết hợp với mật ong còn có tác dụng chống viêm.
- Sử dụng nha đam: Nha đam là nguyên liệu lành tính, có công dụng tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, gel nha đam có nhiều dưỡng chất cần thiết cho da, làm mát và chống viêm cho mẹ rất hiệu quả.
- Sử dụng lá hẹ: Hẹ được dân gian sử dụng phổ biến trong việc điều trị mề đay, phù hợp cho mẹ sau khi sinh. Mẹ chỉ cần sử dụng 1 nắm hẹ, ngâm rửa sạch sau đó giã nát lấy nước cốt thoa lên vùng mề đay, tình trạng ngứa ngáy sẽ giảm hẳn.
- Sử dụng lá trầu không: Lá trầu không có tinh dầu, chất chống viêm, kháng khuẩn tác dụng làm sạch da hiệu quả. Mẹ lấy lá trầu không vò nát rồi xoa lên vùng da bị nổi mẩn ngứa và có thể sử dụng lá này nấu nước tắm cũng giúp giảm mề đay an toàn.
Ngoài ra, mẹ có thể sử dụng một số cách điều trị mề đay sau sinh từ các loại thảo dược như trà cam thảo, bạc hà, hoa cúc…
Lời kết
Nổi mề đay sau sinh là vấn đề da liễu thường gặp ở các mẹ sau khi sinh con. Nếu tích cực chăm sóc và điều trị, tổn thương da có thể thuyên giảm hẳn chỉ sau vài ngày đến vài tuần. Bên cạnh đó, các chị em cần chủ động phòng ngừa để hạn chế tình trạng tái phát bằng cách duy trì chế độ ăn uống khoa học, nghỉ ngơi điều độ và giữ tâm lý thoải mái sau sinh.
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!