Nhiệt độ cơ thể khi mới mang thai có thể bị ảnh hưởng do hormone trong cơ thể thay đổi, và thường chỉ tăng 0,3-0,5 độ C so với nhiệt độ gốc của phụ nữ trưởng thành.
Nhiệt độ cơ thể khi mới mang thai là bao nhiêu? Yếu tố này có giúp chị em xác định việc có em bé?
Phần nhiều, nếu đang tìm hiểu về vấn đề nhiệt độ cơ thể khi mới mang thai thì phần đông chị em đã và đang mong con. Vì khi có kế hoạch mang thai và cố gắng thụ thai, một trong những yếu tố chị em quan tâm và theo dõi hàng ngày là nhiệt độ cơ thể.
Theo khoa học thì nhiệt độ gốc của cơ thể một người phụ nữ trưởng thành sẽ thay đổi theo chu kỳ buồng trứng. Hàng tháng, thường có một noãn nào thành thục, nở ra trứng. Lớp vỏ còn lại bên ngoài biến thành hoàng thể, tiết ra chất kích tố thai (progesteron). Chính progestoron ảnh hưởng đến trung tâm điều nhiệt cơ thể và quá trình tản nhiệt của vùng hạ đồi, làm nhiệt độ gốc cơ thể tăng 0,3-0,5 độ C.
Khi quá trình thụ tinh xảy ra thành công thì sau 7-8 ngày sẽ thành phôi bào sau khi di chuyển từ vòi trứng về tử cung và cắm vào nội mạc tử cung. Lúc này cơ thể sẽ tiết ra một chất kích tố làm cho hoàng thể kéo dài tuổi thọ, tiếp tục tiết ra oestrogen và progesteron. Nhiệt độ gốc của cơ thể do đó sẽ không hạ xuống.
Do đó, nhiệt độ cơ thể khi mới mang thai sẽ thường ở mức 36,8-37,1 độ C. Và nếu nhiệt độ gốc này kéo dài quá 16 ngày – tức quá kỳ hạn tuổi thọ dài nhất của hoàng thể – thì có thể coi đấy là tín hiệu sớm nhất báo đã thụ thai.
Bì sao nhiệt độ cơ thể khi mới mang thai và cả những tháng sau của thai kỳ luôn cao và khiến mẹ bầu cảm thấy nóng nực?
Mọi giai đoạn của thai kỳ đều có thể làm tăng thân nhiệt của mẹ bầu một chút. Da của thai phụ có thể cảm thấy ấm hơn khi chạm vào; hoặc có thể đổ mồ hôi nhiều hơn và thậm chí có thể đổ mồ hôi ban đêm.
Ngoài do hormone thay đổi, một số thay đổi khác xảy ra khi cơ thể chuẩn bị nuôi dưỡng một mầm sống mới khiến nó cần nhiều máu hơn để vận chuyển thức ăn và oxy cho em bé. Trên thực tế, lượng máu của thai phụ sẽ tăng lên đến 50% vào tuần 34 của thai kỳ.
Trái tim cũng vậy, vẫn phải luôn duy trì bằng cách làm việc chăm chỉ hơn hàng ngày. Vào tuần thứ 8 của thai kỳ, tim của mẹ bơm máu nhanh hơn 20%. Nhịp tim cao hơn làm tăng sự trao đổi chất, điều này cũng làm nhiệt độ cơ thể tăng nhẹ.
Vào tam cá nguyệt thứ ba, thai nhi bé nhỏ đang lớn dần trong bụng cũng tỏa ra nhiệt cơ thể mà mẹ sẽ hấp thụ. Điều này có thể khiến nhiệt độ cơ thể nóng hơn từ trong ra ngoài.
Trường hợp nào cần gặp bác sĩ khi nhiệt độ cơ thể cao?
Cảm thấy cơ thể nóng hơn một chút và đổ mồ hôi ban đêm có thể là một phần bình thường của một thai kỳ khỏe mạnh. Lúc này, mẹ bầu cần phải cẩn thận một chút trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là khi ra ngoài vào những ngày nắng nóng và khi hoạt động gắng sức hơn thường ngày.
Tránh ngâm mình trong bồn nước nóng, phòng xông hơi khô và các hoạt động khác có thể góp phần khiến nhiệt độ cơ thể khi mới mang thai tăng cao. Nhiệt độ cơ thể cao có thể ảnh hưởng đến thai nhi, đặc biệt là trong tam cá nguyệt đầu tiên. Vì điều này có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, dị tật ống thần kinh (hay còn gọi là dị tật bẩm sinh của não, cột sống hoặc tủy sống) và các vấn đề về phát triển, bao gồm sứt môi và vòm miệng.
Hãy trao đổi với bác sĩ nếu cảm nhật nhiệt độ cơ thể không ổn. Nếu đổ mồ hôi ban đêm cùng với các triệu chứng khác thì có thể sức khỏe đang có những vấn đề tiềm ẩn. Đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu gặp các dấu hiệu sau:
- Sốt cao hơn 38,5 độ
- Buồn nôn
- Xuất hiện các triệu chứng cúm/cảm lạnh
- Bệnh tiêu chảy
Tạm kết
Ba tháng đầu thai kỳ là giai đoạn nhạy cảm và thai phụ cần phải hết sức cẩn thận để mẹ khoẻ và là tiền đề cho thai nhi phát triển hoàn hảo nhất. Bất cứ đắn đo, thắc mắc hay lo lắng nào mẹ cũng nên tham khảo và tư vấn ý kiến của bác sĩ chuyên môn nhé.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!