Nhiễm độc thai nghén, hay ngộ độc thai nghén, nhiễm độc thai kỳ là tình trạng không hiếm ở thai phụ, nhất là những thai phụ có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp cao, bệnh thận, tiểu đường, thừa cân… Tình trạng nhiễm độc này tuy thường thấy nhưng nếu không được điều trị có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ như tiền sản giật, sản giật, trẻ sơ sinh bị ngạt trong quá trình chuyển dạ.
Nhiễm độc thai nghén có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm
Dấu hiệu bị nhiễm độc thai nghén
Nhiễm độc thai nghén có nhiều biểu hiện khác nhau tùy vào giai đoạn mang thai và tuỳ vào mức độ. Trong đó phổ biến nhất là các dấu hiệu sau:
Nôn nhiều
Thông thường thai phụ trong giai đoạn 3 tháng đầu sẽ gặp tình trạng nghén, hay buồn nôn và nôn, mệt mỏi, thay đổi khẩu vị… Đây là biểu hiện vô cùng bình thường và thường sẽ giảm dần khi thai nhi lớn lên. Tuy nhiên nếu tình trạng mệt mỏi kéo dài, nôn nhiều, không ăn uống được đến mức sụt cân, mất nước, xanh xao thì rất có thể báo hiệu bị ngộ độc thai nghén.
Phù chân tay
Sưng phù khi mang thai có thể là dấu hiệu nhiễm độc
Dấu hiệu này cũng thường bị nhầm lẫn giữa phù do thai nghén và phù do nhiễm độc thai kỳ. Thưởng ở 3 tháng cuối, mẹ bầu sẽ thấy 2 chân có dấu hiệu sưng phù, dùng ngón tay ấn vào mắt cá chân có thấy dấu lõm của ngón tay. Một số trường hợp nặng, sưng phù còn xảy ra ở tay và mặt. Để phân biệt thì mẹ bầu nên gác cao chân lên nghỉ ngơi, nếu thấy độ phù giảm thì chỉ là do chèn ép thai nghén thông thường, còn nếu nghỉ ngơi đâu, qua đêm gác chân cao phù chân vẫn to thì khả năng cao là bị nhiễm độc thai kỳ.
Tăng cân do trữ nước
Một dấu hiệu khác có thể dễ nhận thấy là thai phụ bị nhiễm độc thai nghén còn thường bị tăng cân rất nhanh, có thể lên tận 500gr trong 1 tuần dù ăn uống và sinh hoạt bình thường. Nguyên nhân của việc tăng cân này là do ngộ độc thai nghén khiến cơ thể giữ nước, làm tăng cân nặng và thay đổi nồng độ đạm niệu.
Huyết áp tăng
Khi huyết áp tăng cao lên đến 140/90 mmHg thì mẹ bầu nên đặc biệt lưu ý vì đối với thai phụ đây là mức cảnh báo tăng huyết áp. Trong 3 tháng cuối thai kỳ, nếu huyết áp tăng 15 đến 30mmHg so với trước khi mang thai thì cũng là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ nhiễm độc và tiểm ẩn nguy cơ tiền sản giật và sản giật.
Theo dõi huyết áp là điều cần thiết với bà bầu
Nguyên nhân gây nhiễm độc thai nghén
Hiện nay, nguyên nhân của tình trạng này chưa được chứng minh rõ ràng hay có khuyến cáo cụ thể, nhưng các yếu tố dưới đây được cho là tăng nguy cơ gây ra, như:
- Thai phụ trẻ mang thai con so dễ bị hơn phụ nữ đã sinh con nhiều lần. Tỷ lệ bị nhiễm độc thai nghén ở phụ nữ sinh con so khoảng từ 3-10% trong khi ở phụ nữ sinh con rạ chỉ khoảng từ 1,4-4%.
- Thời tiết lạnh, đang chuyển mùa khiến sự trao đổi chất của cơ thể bà bầu thay đổi.
- Mẹ bầu thường xuyên mệt mỏi, làm việc quá sức trong lúc mang thai.
- Nhiễm độc thai kỳ dễ gặp ở những bà bầu có thể trạng béo phì, BMI>30, tiểu đường, bệnh tim mạch, cao huyết áp, nhiều nước ối, bệnh thận…
- Ăn thức ăn lạ, sử dụng thực phẩm dễ gây dị ứng.
- Các bệnh lý nội khoa như viêm loét dạ dày, suy thận mãn tính.
- Các bệnh lý tự miễn như bệnh lupus toàn thân, hội chứng kháng phospholipid.
- Tiền sử mắc nhiễm độc thai nghén ở lần mang thai trước.
Cách phòng ngừa và điều trị nhiễm độc thai nghén
Chế độ ăn cân bằng và thư giãn tâm lý là liệu pháp bảo vệ sức khoẻ bà bầu hiệu quả
Phòng ngừa
Vì thực tế về mặt y học, nguyên nhân gây nên nhiễm độc thai nghén không rõ ràng nên hiện tậi vẫn không có biện pháp nào phòng ngừa hiệu quả tình trạng này. Điều cần thiết để bảo vệ sức khoẻ mẹ và con là mẹ bầu cần theo dõi các thay đổi hoặc dấu hiệu lạ của cơ thể trong suốt quá trình mang thai. Đồng thời nên tuân thủ lịch khám thai định kỳ, cung cấp đầy đủ tình trạng sức khoẻ, biểu hiện lạ cho bác sĩ. Bên cạnh đó, khi thấy cơ thể có các triệu chứng kéo dài có thể nguy hiểm thì ngay lập tức đến bệnh viện để được kiểm tra và can thiệp kịp thời.
Điều trị
Nhiễm độc thai nghén có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, vì thế khi đã được xác nhận tình trạng, bà bầu nên tuân thủ và theo sát quá trình điều trị. Hiện tại các biện pháp điều trị nhiễm độc thai kỳ ở các bệnh viện uy tín có thể bao gồm:
- Điều trị không thuốc bằng cách thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh, hạn chế muối và gia vị, giải quyết tâm trạng căng thẳng, hạn chế làm việc nặng nhọc.
- Và điều trị bằng thuốc với hai nhóm thuốc lợi tiểu và thuốc hạ huyết áp để kiểm soát hai triệu chứng phù và tăng huyết áp. Ngoài ra nhóm thuốc an thần và chống co giật như magie sulfate cũng được dùng để dự phòng và điều trị tiền sản giật.
Nếu nằm trong nhóm nguy cơ nhiễm độc thai nghén cao, mẹ bầu nên lựa chọn bác sĩ và bệnh viện sản khoa uy tín để thực hiện thăm khám cũng như điều trị một cách an toàn.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!