Từ tháng thứ 18 trở lên, trẻ bắt đầu tập nói và “bập bẹ” những âm thanh đầu tiên. Tuy nhiên, vẫn có những em bé chậm nói khiến không ít mẹ sốt ruột. Đừng vội lo lắng, hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân trẻ chậm nói và cách khắc phục qua bài viết sau.
Nguyên nhân trẻ chậm nói
Thông thường, các cột mốc quan trọng trong quá trình học nói của trẻ em bao gồm những giai đoạn:
– Từ 6 tháng, bé tập nói những từ đơn giản, dễ nhớ;
– Khi đủ 12 tháng, bé dần phát âm rõ hơn và hiểu ý những chữ mình phát âm;
– Từ 18 tháng, bé biết gọi tên người, đồ vật, con vật và bắt chước những từ mình được nghe thường xuyên nhưng nói chưa chuẩn;
– Trên 2 tuổi, bé có thể nói được các câu có 2 đến 4 từ;
– Từ 3 tuổi, trẻ tiếp thu ngôn ngữ vượt trội, vốn từ vựng tăng lên và nói chuyện rành mạch, rõ ràng hơn.
Trẻ chậm nói khiến nhiều bố mẹ lo lắng
Tuy nhiên trên thực tế, không phải em bé nào cũng hoàn thiện khả năng ngôn ngữ của mình theo những cột mốc này. Nhiều em bé dù đã đến tuổi học nói nhưng vẫn chưa có dấu hiệu bập bẹ nào, không tương tác với tiếng ồn hoặc nụ cười của người khác, không bắt chước ngôn ngữ của người khác hoặc không nghe theo hướng dẫn của bố mẹ. Đây cũng chính là những dấu hiệu trẻ chậm nói.
Đâu là nguyên nhân trẻ chậm nói?
Theo các bác sĩ nhi khoa, nguyên nhân trẻ chậm nói từ yếu tố thể chất và tinh thần:
– Yếu tố thể chất: Các cơ quan phát âm gồm tai, mũi, họng bị tật hoặc não bộ phát triển kém khiến con tư duy chậm, khả năng tiếp nhận và xử lý âm thanh kém nên không có phản xạ với ngôn ngữ.
– Yếu tố tinh thần: Do bé bị shock hay sợ hãi vấn đề gì đó, sang chấn tâm lý,… khiến bé không nói được. Về mặt nguyên nhân này, bố mẹ có thể theo dõi được vì bố mẹ là người chăm sóc con, ở bên con nhiều nhất nên sẽ biết được con đang gặp vấn đề gì về tinh thần.
Nguyên trẻ chậm nói có thể do tâm lý hoặc liên quan đến một bệnh lý nào đó
Muộn nhất là nếu đến 2 tuổi, bé chưa biết nói các từ đơn lẻ, không quay lại khi có ai đó gọi tên, 3 tuổi không nói được các câu đơn giản thì bố mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân trẻ chậm nói cũng như tìm cách khắc phục ngay.
Bởi vì, 0-6 tuổi là giai đoạn trí não của bé phát triển mạnh nhất, cũng là thời điểm con tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh và tích lũy kiến thức, từ vựng cho mình. Việc chậm nói sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình này, vô hình trung trở thành “rào cản” để con phát triển toàn diện.
Phương pháp dạy trẻ chậm nói
“Tám” chuyện với trẻ nhiều hơn
Nếu mẹ suy nghĩ rằng, giai đoạn này, từ vựng con còn ít, con sẽ không thể hiểu được những gì mình nói nên không trò chuyện cùng con thì có thể mẹ đã nhầm. Giai đoạn 0-6 tuổi, dù con có thể không hiểu hết những gì bạn nói nhưng con bắt đầu học tập, bắt chước những gì mọi người xung quanh nói và dần dần hình thành hệ thống từ vựng cho mình.
Vậy nên, thay vì để con tự chơi với điện thoại, mẹ cần “tám” chuyện với trẻ nhiều hơn, trò chuyện về mọi thứ thông qua các tình huống đơn giản hàng ngày: giới thiệu các đồ chơi, giới thiệu công việc mẹ đang làm như giặt đồ, nấu ăn…
Đọc sách cho con nghe
Sách là một kho từ vựng cũng như kiến thức khổng lồ mà bất kỳ bà mẹ nào thông thái nào cũng luôn ưu tiên dùng làm đạo cụ trong việc dạy con. Với trẻ chậm nói, sách càng trở nên quan trọng. Mẹ nên dành thời gian mỗi ngày để đọc sách cho con nghe, đương nhiên, sách phải phù hợp với độ tuổi của bé để bé cảm thấy gần gũi và dễ hiểu hơn.
Bố mẹ nên đọc sách, trò chuyện với con nhiều hơn
Trong lúc đọc sách cho con, mẹ có thể kết hợp một số bài tập dạy bé phát triển khả năng ngôn ngữ. Mẹ chỉ vào một nhân vật trong sách và giới thiệu từ vựng “ông bà”, “xe đạp”, “bông hoa”… và hướng dẫn con phát âm lại. Khi con đã dần có từ vựng và nói được những câu dài hơn, mẹ khuyến khích con kể lại nội dung câu chuyện mình đã đọc.
Cho bé tiếp xúc với nhiều người
Khi con gặp gỡ nhiều người, con sẽ cảm thấy dạn dĩ, tự tin hơn và muốn trò chuyện, giao tiếp với mọi người hơn. Mẹ có thể dẫn bé ra ngoài đi dạo, hướng dẫn bé “chào ông”, “chào bà”… để hình thành phản xạ của con với ngôn ngữ.
Nếu mẹ cứ ép bé ở nhà trong khi mình lại quá bận rộn không có thời gian tro chuyện cùng con, con không có điều kiện tiếp xúc với ngôn ngữ, lâu dần sẽ khiến con quên mất việc nói, lười nói…
Mỗi đứa trẻ đều có quá trình “học ăn, học nói” khác nhau. Điều quan trọng nhất vẫn là bố mẹ theo dõi sát sao các cột mốc phát triển của con, hiểu nguyên nhân trẻ chậm nói và có cách dạy con phù hợp để cùng con phát triển, hoàn thiện khả năng ngôn ngữ.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!