Nguyên nhân sinh non là do đâu? Sinh non có nguy hiểm cho mẹ và bé hay không? Ắt hẳn đây là thắc mắc chung của nhiều mẹ bầu khi bắt đầu mang thai. Sinh non là tình trạng mẹ chuyển dạ sớm khoảng 3 tuần so với ngày dự sinh (trước 37 tuần).
Được biết, nếu mẹ chuyển dạ sớm vài ngày thì không có vấn đề. Song nếu chuyển dạ ở tháng thứ 7 hoặc 8, cả mẹ và bé đều có nguy cơ đối diện nhiều rủi ro. Theo thống kê, tỷ lệ sinh non trên thế giới dao động từ 5 – 18% mỗi năm. Hãy cùng tìm hiểu đâu là nguyên nhân sinh non và mẹ bầu cần phải lưu ý những gì!
Tại sao lại có tình trạng sinh non?
Có nhiều yếu tố dẫn đến việc sinh non ở mẹ bầu, được chia thành ba nhóm chính: tự chuyển dạ, mẹ bị vỡ nước ối sớm và sinh sớm theo chỉ định của bác sĩ. Hai nhóm nguyên nhân đầu tiên sở hữu tính chất tương đối giống nhau. Chúng được gọi chung là sinh non tự phát.
Có 3 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sinh non
Sinh non do nguyên nhân tự phát
Chuyển dạ là một quá trình hết sức phức tạp và khó dự đoán. Tình trạng sinh non tự phát diễn ra do mẹ bầu chuyển dạ sớm. Lúc này, bác sĩ không thể can thiệp để ngăn chặn. Có đến 2/3 ca sinh non xảy ra do sự tự phát này.
Thực tế, không phải lúc nào bác sĩ cũng có thể xác định chính xác nguyên nhân khiến mẹ bầu chuyển dạ sớm hoặc vỡ ối sớm. Hơn 50% ca sinh non không có lý do rõ ràng. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng sinh non.
Nhiễm trùng vùng kín
Các vi khuẩn trong cơ thể phát triển làm cho lớp màng bọc thai nhi bị yếu. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến nước ối. Khi màng ối xuất hiện tình trạng bất thường, môi trường sống của thai nhi bị đe dọa. Từ đó, nguy cơ sinh non sẽ cao hơn.
Vấn đề cổ tử cung gây nguy cơ sinh non
Cổ tử cung quá ngắn hoặc quá hẹp tăng nguy cơ sinh non ở mẹ bầu.
Hút thuốc lá
Nếu mẹ bầu hút thuốc lá trực tiếp hoặc thụ động, khả năng sinh non sẽ rất cao. Nicotine trong thuốc lá làm cho mạch máu trong cổ tử cung bị co lại. Điều này ngăn cản việc nạp oxy và dinh dưỡng cho bé.
Căng thẳng cũng là nguyên nhân sinh non
Tình trạng căng thẳng kéo dài sẽ khiến mẹ bầu có nguy cơ chuyển dạ sớm hơn dự kiến.
Mẹ bầu bị căng thẳng trong thai kỳ cũng có thể gây ra nguy cơ sinh non
Khoảng cách giữa hai lần mang thai quá ngắn gây nguy cơ sinh non
Sau lần sinh đầu, mẹ cần được nghỉ ngơi ít nhất 11 – 12 tháng. Việc thụ thai liên tiếp không chỉ tăng nguy cơ sinh non mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.
Mang thai sinh đôi, sinh ba
Việc mang bầu nhiều hơn một bé khiến tử cung bị quá tải. Do đó, tình trạng sinh non có thể xảy ra.
Nguy cơ sinh non vì yếu tố di truyền
Nếu mẹ hoặc chị của bạn từng sinh non, khả năng bạn sinh non sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, nếu bạn đã từng sinh non thì ở lần sinh tiếp theo, điều này cũng có thể xảy ra tiếp tục.
Sinh non do chỉ định của bác sĩ
Ngoài sinh non tự phát, việc sinh non còn được chỉ định thực hiện bởi bác sĩ. Đối với hầu hết phụ nữ, mang thai chỉ gây ra một số khó chịu nhẹ. Song có một vài trường hợp, do sức khỏe người mẹ không tốt nên mang thai gây ra những tác động xấu. Thậm chí, việc này còn gây nguy hiểm tính mạng của mẹ và bé.
Tiền sản giật
Đây là một bệnh lý nghiêm trọng, xuất hiện vào giai đoạn nửa sau của thai kỳ. Tiền sản giật làm cho huyết áp của mẹ bầu đột ngột tăng cao. Ngoài ra, chức năng thận cũng bị ảnh hưởng. Trong trường hợp xấu nhất, nó có thể gây tử vong. Lúc này, bác sĩ phải chỉ định sinh sớm để bảo vệ an toàn cho cả mẹ và bé.
Tiền sản giật là một bệnh lý nguy hiểm
Thai nhi tăng trưởng yếu
Có nhiều lý do khiến cho em bé không thể phát triển tốt trong bụng mẹ. Nhau thai xảy ra vấn đề, nhiễm trùng, mang thai song sinh, di truyền… là những nguyên nhân phổ biến. Trong các trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định mẹ sinh sớm hơn ngày dự sinh.
Suy thai cũng là nguy cơ sinh non
Những vấn đề về dây rốn, lưu lượng máu, mẹ có tiền sử bệnh gan… có nguy cơ gây nên tình trạng suy thai. Bác sĩ sẽ tiến hành khám và đưa ra quyết định cho mẹ sinh khẩn cấp nếu cần thiết.
Có thể phòng ngừa nguy cơ sinh non không?
Ngoại trừ sinh non do chỉ định, mẹ bầu có thể phòng ngừa việc sinh non theo hướng dẫn của bác sĩ. Mặc dù không thể hoàn toàn loại bỏ song nó cũng sẽ giúp bạn giảm nguy cơ sinh non.
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân bằng suốt giai đoạn thai kỳ
- Luyện tập thể dục thể thao nhẹ nhàng, đều đặn, tránh tập quá sức
- Không nên đi du lịch xa trong những tháng mang thai
- Nói không với thuốc lá và rượu bia
- Kiêng việc giao hợp nếu có chẩn đoán yếu tố nguy cơ
- Thực hiện khâu vòng cổ tử cung ở tuần thứ 12 – 14 của thai kì nếu có hở eo
Nguyên nhân sinh non vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời chính xác 100%. Tuy nhiên với sự phát triển của y học hiện nay, các mẹ bầu vẫn có thể giảm nguy cơ sinh non nếu làm đúng hướng dẫn của các bác sĩ.
Theo verywellfamily
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!