Nguyên nhân không có phôi thai cần được xem xét dựa trên việc thực hiện các xét nghiệm như xét rối loạn nhiễm sắc thể, tiền sử bệnh của chị em, môi trường sống, … để từ đó giúp cho việc mang thai vào lần kế tiếp được an toàn và khỏe mạnh hơn.
Hiện tượng không có phôi thai là gì?
Một trong những tình trạng hiếm gặp có thể xảy ra với người phụ nữ mới mang thai, khiến họ chưa kịp cảm nhận niềm vui làm mẹ là mang thai nhưng không có phôi thai (trứng trống). Đây cũng được xem là một dạng sảy thai sớm, có thể xảy ra ngay trong những tuần đầu mang thai. Tuy nhiên, nếu đi siêu âm và được kết luận là không có phôi thai thì ra 2 trường hợp như sau:
- Thứ nhất, chị em tính sai tuổi thai, đi khám quá sớm nên tuổi thai có thể bị xê dịch và đây là nguyên nhân vì sao siêu âm thấy túi thai chưa có phôi trong lòng tử cung.
- Hoặc trứng đã được thụ tinh và cấy vào thành tử cung nhưng không thể phát triển thành phôi thai, túi thai vẫn hình thành và phát triển nhưng lại không có phôi thai.
Với trường hợp đầu tiên, bạn chỉ cần kiên nhẫn chờ đợi thêm một vài tuần rồi đi siêu âm lại để có kết quả chính xác hơn.
Còn với trường hợp thứ 2, việc mẹ bầu không có phôi thai cần được xem xét nguyên nhân kĩ lưỡng nhằm có những thông tin tốt nhất, nhằm cải thiện cho lần mang thai kế tiếp.
Những nguyên nhân không có phôi thai thường xảy ra với chị em là gì?
Mặc dù kĩ thuật y học đã có các bước phát triển vượt bậc nhưng với bác sĩ sản khoa thì việc lý giải được chính xác nguyên nhân không có phôi thai đối với một phụ nữ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất đối với tình trạng này.
Rối loạn nhiễm sắc thể
Bác sĩ Phạm Thúy Nga, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản và Nam học (BV Phụ Sản Hà Nội) cho biết, có khoảng 12-15% chị em bị sảy thai vì bắt nguồn từ bất thường của noãn, tinh trùng hoặc phôi. Những bất thường này có thể không ảnh hưởng đến bố mẹ nhưng lại có sự ảnh hưởng lớn đến phôi, thai và có thể dẫn đến sảy thai.
Khi bạn sảy thai với mức độ nhiều hơn một lần, các bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm về di truyền của thai phụ cũng như của gia đình. Xét nghiệm nhiễm sắc thể (NST) đồ có thể được làm cho cả vợ và chồng để tìm các nguyên nhân bất thường về NST.
Các trường hợp bất thường về bộ NST, bác sĩ sẽ tư vấn kỹ cho bệnh nhân về vị trí bất thường cũng như khả năng di truyền cho các thế hệ sau.
Mang thai ngoài tử cung
Đây là tình trạng thai không làm tổ trong buồng tử cung mà lại nằm ở bên ngoài (phổ biến nhất là thai nằm ở vòi tử cung). Với tình trạng này, nồng độ hormone HCG ở phụ nữ mang thai ngoài tử cung sẽ có dấu hiệu giảm dần. Vì thế với trường hợp mang thai ngoài tử cung, khi thử thai sẽ thấy vạch thứ 2 lên mờ nhưng có thể không phát hiện thấy phôi thai khi đi siêu âm. Nếu nghi ngờ thai đã làm tổ ngoài tử cung các bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm đầu dò qua đường âm đạo để xác định vị trí túi thai.
Người mang thai bị hội chứng Antiphospholipid
Bệnh lý thuộc nhóm tự miễn, khi bị hội chứng Antiphospholipid, tình trạng máu đông diễn ra quá mức, làm tắc dòng chảy của máu và gây ra hàng loạt những tác động nguy hiểm đến các bộ phận của cơ thể. Đặc biệt đối với phụ nữ mang thai, nếu bị hội chứng Antiphospholipid sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu và những biến chứng nguy hiểm liên quan đến thai kỳ.
Ngoài 3 nguyên nhân trên thì còn có vô vàn các yếu tố khác có thể khiến người phụ nữ phải đối mặt với tình trạng phôi thai trống như độ tuổi mang thai, chất lượng tinh trùng của người bố, môi trường sống, …
Mẹ bầu cần chuẩn bị cho lần mang thai kế tiếp như thế nào?
Bác sĩ Phạm Thúy Nga cũng cho rằng, có những trường hợp sảy thai, túi thai trốn mà không rõ nguyên nhân. Kết quả điều trị trong những trường hợp này phụ thuộc vào kinh nghiệm của từng bác sĩ cũng như sự quyết tâm thay đổi về tâm lý, lối sống cũng như hoạt động sinh hoạt của từng người bệnh.
Ngoài ra, để có một thai kỳ kế tiếp khỏe mạnh và an toàn, chị em cần lưu ý những điều như:
– Tinh dịch đồ để xác định chất lượng tinh trùng
– Xét nghiệm sàng lọc di truyền tiền sản (PGS)
– Xét nghiệm nồng độ hormone kích thích nang trứng (FSH) hoặc hormone chống mullerian (AMH) để giúp cải thiện chất lượng trứng.
Đồng thời bạn cũng đừng quên thực hiện các xét nghiệm sức khỏe khác của cả hai vợ chồng trước khi mang thai và đảm bảo mình có một chế độ dinh dưỡng tốt nhất cho lần mang thai tới.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!