Vợ chồng bạn hoàn toàn khỏe mạnh, không áp dụng các phương pháp tránh thai, rất hòa hợp trong chuyện gối chăn, bạn không nuôi con bú… nhưng đợi mãi vẫn chưa có tin vui. Bạn đang băn khoăn không biết nguyên nhân khó mang thai đến từ đâu.
Trên thực tế, nguyên nhân khó mang thai không chỉ do vô sinh mà còn do rất nhiều các yếu tố khác khiến hai vợ chồng mãi không thể có con dù đã rất cố gắng.
Quá căng thẳng
Theo một nghiên cứu năm 2014, những chị em thường xuyên bị căng thẳng thì khó có bầu hơn do sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần bị tác động. Cụ thể, căng thẳng cản trở chức năng vùng dưới đồi, kiểm soát tuyến yên. Đây là bộ phận điều hòa tuyến thượng thận, tuyến giáp và buồng trứng. Từ đó nó sẽ gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, thay đổi nồng độ hormone và sự rụng trứng dẫn đến giảm khả năng thụ thai.
Đối với nam giới, khả năng sinh sản cũng bị ảnh hưởng đáng kể bởi các yếu tố gây căng thẳng trong cuộc sống như: công việc, gia đình và các mối quan hệ xã hội. Việc không thể đối phó với những vấn đề này để giải tỏa tình trạng căng thẳng có tác động tiêu cực rất lớn đến khả năng sinh sản của phái mạnh.
Nếu nguyên nhân khó thụ thai của hai bạn là do tình trạng căng thẳng kéo dài, hãy chia sẻ cùng nhau những khó khăn, khúc mắc trong công việc cũng như cuộc sống, hoặc sắp xếp công việc đi du lịch ít ngày để giải tỏa căng thẳng.
Quá béo hoặc quá gầy
Việc thừa cân có thể ảnh hưởng đến quá trình sản sinh hormone và khiến chị em khó dính bầu. Chị em càng thừa nhiều cân thì chức năng buồng trứng càng dễ bị suy giảm. Một nghiên cứu năm 2009 cho thấy nếu bị béo phì từ lúc 18 tuổi thì chị em dễ bị hội chứng buồng trứng đa nang – nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh vô sinh hiếm muộn ở nữ giới.
Ngược lại, nếu chị em bị suy dinh dưỡng, khả năng mang thai cũng sẽ bị ảnh hưởng. Theo một nghiên cứu năm 2009 của Đại học Harvard, những người bị thiếu dinh dưỡng sẽ có nguy cơ thiếu hóc môn leptin (giúp kiểm soát cảm giác đói và no). Việc thiếu leptin khiến kinh nguyệt không đều từ đó khiến cho cơ hội thụ thai cũng giảm đáng kể.
Vì thế, chị em nên duy trì cân nặng ở mức có lợi cho sức khỏe. Chỉ số BMI càng lý tưởng, cơ hội thụ thai càng nhiều.
Ngủ ít cũng là một nguyên nhân khó mang thai ở cả 2 giới
Thức khuya, ngủ ít, mất ngủ là thói quen phổ biến làm tăng khả năng vô sinh ở cả 2 giới nhưng lại bị phớt lờ hoặc xem nhẹ. Thiếu ngủ có thể khiến cơ thể mệt mỏi, gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, tác động tiêu cực đến chu kỳ sinh sản ở cả nam và nữ giới.
Với nam giới, ngủ ít hơn năm giờ một đêm và tình trạng kéo dài trong 1 tuần, nồng độ Testosterone sẽ suy giảm 10-15% so với khi họ nghỉ ngơi đầy đủ.
Ở phụ nữ, thiếu ngủ khiến họ lo lắng, căng thẳng, gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, tăng mức độ cortisol – một kích thích tố căng thẳng gây tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản.
Các bệnh đường sinh dục
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục như chlamydia và bệnh lậu có thể dẫn đến viêm xương chậu (PID) và khó thụ thai. Bên cạnh đó, nó có thể gây nhiễm trùng dương vật, âm đạo, cổ tử cung, niệu đạo, với tỉ lệ lây nhiễm cao.
Thực tế, khuẩn chlamydia có thể gây viêm ống dẫn trứng mà không có biểu hiện gì khác. Do đó, nhiều chị em không biết mình có bệnh đến cho khi khó có bầu và đi khám.
Tuổi tác
Theo các nghiên cứu, khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, thường ở độ tuổi 40-50, chị em không còn rụng trứng và sẽ khó có thể thụ thai. Tuy nhiên, ngay cả trước khi đến giai đoạn này, chị em vẫn có thể gặp vấn đề về khả năng sinh sản khi kinh nguyệt không đều và số lượng trứng giảm, được gọi là tiền mãn kinh.
Theo nhiều bác sĩ, sau tuổi 35 khả năng mang thai càng khó hơn. Dù vậy, không có một độ tuổi nào cố định quy định suy giảm khả năng sinh sản ở chị em, có chị em bị suy buồng trứng sớm, ngược lại có người vẫn có khả năng sinh sản khi ở tuổi 40.
Chế động vận động thể chất quá mức
Tập thể dục giúp bạn giữ vóc dáng, khỏe mạnh và tràn đầy sức sống, điều này có thể cải thiện khả năng sinh sản ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, tập luyện quá nhiều ảnh hưởng đến sự cân bằng năng lượng và tác động tiêu cực đến chu kỳ sinh sản.
Không chỉ với nữ giới mà cả với đàn ông, việc quá chăm tập thể dục cường độ mạnh cũng sẽ ảnh hưởng đến cơ hội làm cha. Theo các nghiên cứu tại ĐH. Stony Brook, Mỹ, tập thể dục quá mức cần thiết sẽ làm tăng nồng độ cortisol, một loại hormone gây căng thẳng, làm giảm nồng độ testosterone, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe sinh sản nam giới.
Do đó, mặc dù tập luyện làm tăng khả năng thụ thai nhưng điều quan trọng là phải có bài tập phù hợp, cần tránh các bài tập cường độ nặng, quá sức.
Tiêu thụ quá nhiều chất béo chuyển hóa
Các chất béo chuyển hóa có trong bánh mỳ kẹp, pizza, khoai tây chiên, đồ ăn chiên rán… có thể tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản, khiến việc rụng trứng không xảy ra. Ccác mẹ hãy cố gắng hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm này vì chúng làm tăng nguy cơ rối loạn ngày rụng trứng tới 73%.
Khi bạn thèm ăn chúng, tốt hơn là nên chọn đồ ăn nhẹ như chuối, ngũ cốc nguyên hạt, hạnh nhân hay sữa chua. Bên cạnh đó, đừng quên bổ sung vào thực đơn của mình thật nhiều rau xanh và uống đủ nước.
Mặc đồ lót quá chật
Phụ nữ thường thích mặc đồ lót chật vì nó làm nổi bật hình dáng cơ thể của họ. Tuy nhiên, điều đó có thể làm giảm lưu thông không khí, dẫn đến viêm nhiễm vùng kín, cản trở chức năng của các cơ quan sinh sản.
Đối với nam giới, nếu mặc đồ lót chật thì số lượng và chất lượng của tinh trùng bị sụt giảm. Việc mặc quần lót quá chật sẽ khiến cơ thể họ không thoải mái, nhiệt độ vùng kín tăng làm giảm sức sản xuất tinh trùng.
Tiếp xúc nhiều hóa chất độc hại
Các chất độc môi trường gây hại cho cả nam và nữ giới. Tiếp xúc nhiều với hóa chất, thuốc trừ sâu, khói thuốc lá, nhựa, bao bì thực phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân (như dầu gội, mỹ phẩm) có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản. Chúng làm giảm khả năng thụ thai của các cặp đôi xuống tới 29%.
Do đó, cần phải tránh tiếp xúc với các hóa chất này bằng cách ưu tiên các thực phẩm hữu cơ, kiểm tra kỹ nhãn các sản phẩm gia dụng trước khi mua, lựa chọn thực phẩm tươi sống thay vì thực phẩm đóng hộp, sử dụng cốc, chai inox không gỉ hoặc cốc thủy tinh để đựng nước… Nếu bắt buộc phải tiếp xúc với các nguồn hóa chất kể trên, luôn dùng găng tay, bảo hộ đầy đủ.
Sử dụng chất bôi trơn
Chất bôi trơn ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng vận động của tinh trùng, làm cho tinh trùng khó đi đến trứng và làm chậm quá trình thụ thai. Do đó, hãy suy nghĩ thật kĩ khi muốn sử dụng bất cứ loại chất bôi trơn nào. Nếu bắt buộc phải sử dụng chất bôi trơn, hãy thử loại chất bôi trơn không ảnh hưởng đến tinh trùng. Ngoài ra, chất bôi trơn từ tự nhiên, dầu ô liu, dầu thực vật hay dầu em bé sẽ là lựa chọn an toàn và hiệu quả hơn cho các cặp đôi.
“Yêu” quá nhiều hoặc quá ít
Một số cặp đôi có thể nghĩ rằng cắt giảm việc quan hệ có thể “tiết kiệm” được tinh trùng, hay chỉ quan hệ nhiều trong thời gian rụng trứng sẽ làm cho việc mang thai dễ dàng hơn. Tuy nhiên, khoảng thời gian dài không quan hệ tình dục sẽ khiến các cặp đôi bỏ qua thời kỳ có thể thụ thai. Do đó, hãy thoải mái quan hệ tình dục thường xuyên, đặc biệt chú ý đến việc quan hệ một vài ngày trước khi rụng trứng.
Ngược lại, một số cặp vợ chồng lại quan niệm rằng quan hệ tình dục càng nhiều sẽ càng nhanh và dễ thụ thai hơn. Tuy nhiên, nhiều không phải là luôn luôn tốt. Nếu có mục đích mang thai, quan hệ tình dục nhiều lần trong một ngày hoặc thậm chí mỗi ngày có thể gây “kiệt sức”. Sau đó, khi đến ngày rụng trứng – vốn là thời điểm thời điểm dễ thụ thai nhất, một hoặc cả hai vợ chồng có thể không quan tâm đến chuyện “yêu” nữa, kết quả là bỏ lỡ cơ hội thụ thai
Ngoài ra, một số nguyên nhân khó mang thai khác cần phải xem xét như sử dụng rượu bia, chất kích thích, hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động, tính toán nhầm thời điểm rụng trứng, tiền sử gia đình có người vô sinh… Nếu trong vòng 1 năm không sử dụng biện pháp tránh thai (trên 35 tuổi thỉ 6 tháng), cả 2 vợ chồng cần phải đi khám tại các bệnh viện hoặc trung tâm hỗ trợ sinh sản để được điều trị sớm.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!