Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó phổ biến nhất là những thay đổi về nội tiết tố, thể chất của mẹ bỉm sữa và mối quan hệ với người thân, gia đình.
Trầm cảm sau sinh – Xin đừng chủ quan
“Một thực trạng đáng buồn ở Việt Nam là chưa có nhiều gia đình thực sự hiểu đúng về khái niệm cũng như hệ lụy ngầm của trầm cảm sau sinh với người phụ nữ”, một bác sĩ tâm lý cho biết. “Ngay cả bản thân người chồng và người thân trong gia đình đôi khi cũng chỉ nhận ra mọi chuyện khi đã muộn. Tôi từng gặp rất nhiều phụ nữ có một thai kỳ hoàn hảo. Họ chịu khó tập thể dục, áp dụng một chế độ dinh dưỡng tuyệt vời nhất và sinh ra những em bé xinh đẹp, khỏe mạnh. Và rồi mọi chuyện trở nên tồi tệ một cách khó hiểu kể từ khi họ sinh con.”
Từ viện trở về nhà, không ít bà mẹ rơi vào tình trạng trầm cảm mà không biết lý do tại sao
“Tôi đã từng ngồi khóc hàng giờ khi hoàng hôn xuống. Tôi cảm thấy nhớ bố mẹ mình. Rồi tôi tự hỏi tại sao mình lại phải sinh con và ở nhà chồng. Tôi cần lắm bữa cơm mẹ nấu, lời hướng dẫn, chỉ bảo tôi. Và cứ thế nước mắt trào ra. Gần một tháng sau sinh tôi đã bị cảm xúc buồn bã, tủi thân như vậy bủa vây”. Một mẹ bỉm sữa kể về trải nghiệm trầm cảm ở mức độ nhẹ của mình.
Ngay cả những bà mẹ nổi tiếng xinh đẹp như hoa hậu Á hậu Hoàn vũ Việt Nam Trà My cũng không thoát khỏi tình trạng này. Cô đã có lần chia sẻ với giới báo chí rằng “Tôi bị trầm cảm ở trong suy nghĩ, chứ không phải do yếu tố bên ngoài tác động. Bởi chồng rất chiều tôi, mẹ chồng lại giúp chăm con. Nhưng tự bản thân tôi có những suy nghĩ tiêu cực, nghĩ mình xấu, mình béo, không ai đón nhận nữa. Tôi còn nghĩ chẳng lẽ sinh con xong mình cứ ở nhà thế này?”
Trầm cảm sau sinh có thể ở dạng nhẹ, vừa hoặc nặng, có thể thoáng qua hoặc kéo dài, thậm chí có thể không tự hết nếu không có biện pháp can thiệp về mặt tâm lý. Nhưng dù thế nào thì điều quan trọng nhất chính là gia đình, và bản thân người mẹ cần nhận thức được những nguyên nhân gây nên trầm cảm ở họ, từ đó mới tìm ra được cách giải quyết tận gốc của vấn đề.
Những nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh
Trầm cảm có thể xảy ra với bất kỳ người phụ nữ sau khi sinh con với những biểu hiện ban đầu như buồn bã, chán nản, ũ rủ, mất ngủ, ăn uống giảm sút, tính tình thất thường, không muốn tiếp xúc với người khác, thậm chí không muốn chăm sóc chính em bé của mình, … Theo các chuyên gia tâm lý, ở mặt bề nổi, trầm cảm xuất phát từ những nguyên nhân phổ biến như sau:
1. Sự thay đổi hormone đột ngột sau sinh
Sau khi người mẹ sinh con, nhau thai bong ra làm một nguồn cung cấp estrogen mất đi, gây ra tình trạng mất cân bằng nội tiết tố nữ sau khi sinh. Nếu bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn, nồng độ estrogen sẽ giảm sâu hơn nữa để không gây ức chế hormone tiết sữa prolactin.
Bạn hãy hình dung rằng, với người phụ nữ hormone estrogen đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Nhờ có nó mà não bộ mới có sự hứng thú với tình dục cũng như các cảm xúc tích cực, vui vẻ. Khi lượng hormone này bị giảm xuống đột ngột thì cảm giác chán chường là điều tất yếu sẽ xảy ra.
Nhưng may mắn thay, nếu bạn chỉ bị trầm cảm vì nguyên nhân này thì chỉ cần cơ thể cân bằng lại nội tiết (khoảng một vài tuần đến một vài tháng sau khi sinh con) là những biểu hiện trầm cảm cũng dần dần biến mất.
2. Tự ti về cơ thể sau sinh – Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh
Đầu tóc xộc xệch, da mặt khô, môi tróc lở, những vết nám trên da mặt, rạn bụng, rạn mông, cơ thể không còn eo ót như ngày nào, … Thay đổi cơ thể sau sinh là điều mà mọi phụ nữ đều phải trải qua. Họ muốn dành thời gian làm đẹp, lấy lại dáng vóc biết bao nhưng trớ trêu thay, công việc chăm con mọn (nhất là mẹ đơn thân, mẹ bỉm không có người giúp đỡ) đã lấy đi toàn bộ thời gian của họ. Và những người phụ nữ ấy cảm thấy bất lực rồi sinh ra trầm cảm.
3. Công việc chăm con vất vả gây nhiều áp lực cho người phụ nữ, cuối cùng dẫn đến trầm cảm sau sinh
Một trong những bà mẹ nổi tiếng, MC Thùy Minh cũng từng trải qua dấu hiệu bị trầm cảm khá nặng. Cô kể: “Tối qua mình lên cơn trầm cảm khiếp đảm, thấy căm ghét cuộc đời, thấy bất hạnh tâm can, thấy mình không có đủ thời gian cho con lớn, con bé, người ở cạnh và chính bản thân… Chỉ có 3 phút để tắm. Stress khi nghĩ đến công việc. Nghiến răng kèn kẹt khi ông chồng về nhà đi cả giày vào phòng ngủ. Nói chung ở trạng thái nổ tung…”.
Chăm sóc trẻ sơ sinh chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với các bà mẹ. Bạn sẽ bị quay mòng mòng trong một chu trình lặp đi lặp lại không bao giờ kết thúc là cho con ăn, thay tã bỉm, dỗ con ngủ, làm việc nhà, … Những đêm con quấy khóc, ốm đau và bạn được chớp mắt chỉ vài tiếng đồng hồ. Lâu dài sự kiệt quệ về thể chất khiến tinh thần họ cũng bị đi xuống. Do đó, trầm cảm như một điều tất yếu với phụ nữ sau sinh.
4. Phụ nữ đã từng có tiền sử bệnh trầm cảm
Những sản phụ trước kia có chứng trầm cảm sẽ mắc chứng trầm cảm sau sinh cao từ ba đến năm lần so với người bình thường. Ngoài ra sản phụ tuổi còn ít, sản phụ có tiền sử bệnh căng thẳng, lo lắng hoặc những sản phụ có tiền sử bệnh về tâm lý cũng rất dễ xuất hiện hiện tượng trầm cảm sau sinh.
Ngoài 4 nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh cơ bản như trên, tất nhiên còn có những lý do sâu xa hơn nữa từ mối quan hệ gia đình, vợ chồng và vấn đề tâm lý của người phụ nữ. Nhưng thực trạng hiện nay cho thấy, để mọi người thừa nhận một bà mẹ bị trầm cảm, đang gặp khó khăn về tâm lý và nên được khám chữa theo một lộ trình phù hợp thực sự không phải điều dễ dàng.
Lúc này đây cần nhất là sự cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ từ chính gia đình thì người phụ nữ đó mới có thể sớm vượt qua được giai đoàn khó khăn này.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!