Nghỉ thai sản có được hưởng lương tháng 13 không? Đây là một câu hỏi thường gặp của các chị, các mẹ trong thời gian mang thai và nghỉ hưởng chế độ thai sản. Đặc biệt, vào dịp cuối năm thì câu chuyện lương tháng 13 lại càng nóng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, không phải lao động nữ nào đang trong thời gian nghỉ thai sản cũng được nhận khoản tiền này. Hãy cùng tìm hiểu các vấn đề xoay quanh lương tháng 13 để biết bạn đang thuộc đối tượng nào và yêu cầu đơn vị tuyển dụng đảm bảo quyền lợi cho mình theo đúng quy định nhé.
1. Tại sao lại được gọi là lương tháng 13?
1 năm người lao động làm việc trong 12 tháng, vậy tại sao lại có lương tháng 13? Mặc dù đây là mối quan tâm của rất nhiều người nhưng thực chất, khái niệm lương tháng 13 chưa được quy định cụ thể trong Bộ Luật Lao Động. Lương tháng 13 thường được hiểu là một khoản phúc lợi mà các đơn vị tuyển dụng dành cho người lao động.
Khác với mức lương cố định được hưởng hàng tháng, lương tháng 13 có mức tính khác nhau mỗi năm do phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Lương tháng 13 là một chế độ đãi ngộ được nhiều doanh nghiệp sử dụng để thu hút nhân lực về làm việc.
Cũng cần lưu ý thêm rằng đối với lao động nữ đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con và đang trong thời gian nghỉ thai sản sẽ không được trả lương. Vì ngay từ ngày đầu tiên bắt đầu hưởng chế độ thai sản thì cơ quan bảo hiểm sẽ thanh toán cho bạn 3 khoản trợ cấp gồm: trợ cấp một lần khi sinh con, trợ cấp trong thời gian nghỉ sinh và trợ cấp dưỡng sức sau sinh. Lúc này, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH nữa.
Tuy nhiên nếu thời gian nghỉ sinh của bạn lại đúng vào dịp Tết hoặc rơi vào các kì nghỉ lễ trong năm thì theo khoản 7, điều 34, Luật BHXH 2014, cơ quan bảo hiểm vẫn phải có trách nhiệm chi trả đầy đủ chế độ chính đáng mà bạn được hưởng theo quy định.
2. Lương tháng 13 có được quy định trong hợp đồng lao động không?
Vì lương tháng 13 chưa nằm trong văn bản Luật cụ thể nào nên người làm nghiệp vụ chuyên môn cũng như người lao động cần căn cứ vào khái niệm tại khoản 1, điều 103, Bộ Luật lao động năm 2012 để hiểu được bản chất của khoản phúc lợi này. Khi đó, lương tháng 13 là một cách gọi khác về tiền thưởng mà người sử dụng lao động chi trả cho người lao động thường là vào dịp kết thúc một năm làm việc nhưng lại không phải là khoản tiền bắt buộc mà người sử dụng lao động phải chi trả.
Căn cứ thưởng được dựa trên mức độ hoàn thành công việc của người lao động và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, hoặc nguồn thu có được ngoài ngân sách của cơ quan, đơn vị. Quy chế áp dụng tiền thưởng là khác nhau tùy theo từng nơi làm việc nhưng thường có sự tham khảo của các tổ chức đại diện cho tập thể người lao động, điển hình như tổ chức công đoàn để đi đến thống nhất chung.
Trên cơ sở đó, tiền lương tháng 13 có thể được thể hiện trên các văn bản Hợp đồng lao động, quy chế thưởng, phạt nhưng không phải là quy định bắt buộc đối với tất cả cơ quan, doanh nghiệp. Chính vì vậy, lao động nữ cần lưu ý rằng khi bắt đầu kí hợp đồng lao động với nơi làm việc, nếu bạn có câu hỏi “nghỉ thai sản có được hưởng lương tháng 13 không” thì bạn cần trao đổi, thỏa thuận, thống nhất với người tuyển dụng để thuận lợi hơn trong quá trình công tác, tránh xảy ra tranh chấp, thắc mắc sau này
3. Cách tính lương tháng 13 thường gặp cho lao động nữ hưởng thai sản
Nếu trong HĐLĐ có quy định điều kiện để được hưởng lương tháng thứ 13 thì trước khi nghỉ sinh, bạn cần trao đổi với kế toán phụ trách về quyền lợi được hưởng như các khoản trợ cấp và lương thưởng.
Hiện nay, có một số cách tính lương tháng 13 thường được áp dụng đối với người lao động nói chung và lao động nữ đang hưởng thai sản nói riêng, ví dụ:
– Nếu HĐLĐ hoặc quy chế thưởng phạt không ghi rõ “ngoại trừ cán bộ nghỉ thai sản” thì lương tháng 13 vẫn được tính bình thường như mọi lao động khác của công ty. Công thức chung được nhiều công ty áp dụng hiện nay là: Lương tháng 13 = lương trung bình tháng/12 tháng x số tháng đi làm trong năm.
– Một cách tính khác là mức lương cơ bản chia đều cho số ngày đi làm quy định của 1 năm (trừ ngày nghỉ và ngày lễ) nhân với số ngày thực tế đi làm trong năm.
– 1 số công ty quy định: đối với HĐLĐ từ 1 năm trở lên,sản phụ hưởng lương tháng 13 theo mức chung. Nếu hợp đồng kí dưới 1 năm thì mức thưởng là 500.000 đồng.
Lương tháng 13 là thành quả xứng đáng sau 1 năm cống hiến cho doanh nghiệp. Mẹ hãy nắm rõ những thông tin cơ bản trên để đảm bảo quyền lợi trong suốt quá trình nghỉ sinh nhé!
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!