Thai sản là một trong những chế độ quan trọng của người lao động, nhất là với chị em phụ nữ. Tuy nhiên do tính chất công việc và các vấn đề về sức khoẻ, nhiều chị em quyết định tạm dừng công việc để nghỉ ngơi. Câu hỏi đặt ra là có nên nghỉ thai sản sớm không? Và mẹ bầu cần chuẩn bị những thủ tục gì để được hưởng chế độ thai sản của bảo hiểm xã hội?
Mẹ bầu có nên nghỉ thai sản sớm?
Mang thai là một quá trình khó nhọc, và còn nhọc nhằn hơn khi bạn mang bầu mà vẫn làm việc. Đối với phụ nữ có sức khoẻ tốt, không bị ốm nghén và mệt mỏi trong thời gian thai kỳ thì việc đi làm đến sát ngày sinh không ảnh hưởng gì nhiều. Tuy nhiên với không ít người, đi làm trong giai đoạn bầu bì quả thực rất khó khăn. Do đó việc có nên nghỉ thai sản sớm hay không còn tuỳ thuộc vào tình trạng sức khoẻ của từng mẹ bầu.
Việc nghỉ thai sản sớm được khuyến khích trong các trường hợp thai phụ có một số biến chứng khi mang thai như tiền sản giật, vỡ ối, chuyển dạ sinh non, hoặc mang đa thai. Còn nếu hành trình mang thai của bạn không có gì bất thường thì không có lý do gì bạn phải ngồi ở nhà. Quan trọng là không làm việc quá sức và cần thận trọng hơn bình thường để đảm bảo sức khoẻ cho mẹ và bé.
Quy định của pháp luật về việc nghỉ thai sản sớm
Việc nghỉ thai sản sớm dành cho lao động nữ theo điều Điều 34 Luật bảo hiểm xã hội 2014 được quy định:
- Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng.
- Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
- Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
Theo quy định trên, pháp luật cho phép lao động nữ nghỉ thai sản trước khi sinh không quá 02 tháng mà không cần xin phép hay có sự đồng ý của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu muốn nghỉ trước sinh nhiều hơn 02 tháng thì phải thỏa thuận với công ty để nghỉ không lương hoặc bạn thuộc trường hợp sức khỏe yếu mà tiếp tục đi làm sẽ ảnh hưởng tới người mẹ, thai nhi và có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền.
Ngoài ra, tuỳ vào từng giai đoạn thai kỳ mà lao động nữ sẽ được nghỉ những ngày khác nhau, cụ thể
- Đi khám thai: được nghỉ việc 05 ngày cho 05 lần khám thai
- Khi thai có vấn đề (sẩy thai, nạo, hút, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý): nghỉ tối đa 50 ngày
- Nhận con nuôi: người lao động nhận nuôi con dưới 06 tháng tuổi vẫn được nghỉ việc hưởng chế độ cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
Mức hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ
- Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
- Mức hưởng đối với lao động nữ khám thai và lao động nam tính theo tháng chia 24 ngày.
- Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng như trên, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý và thực hiện các biện pháp tránh thai thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.
- Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.
Cách tính tiền thai sản
Tiền trợ cấp thai sản
Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi sẽ được hưởng tiền thai sản, bao gồm:
- Trợ cấp một lần: Mức trợ cấp = 2 x lương cơ sở
Cụ thể:
- Từ 01/01/2019, mức trợ cấp là: 1.390.000 x 2 = 2.780.000 đồng
- Từ 01/07/2019, mức trợ cấp là: 1.490.000 x 2 = 2.980.000 đồng
Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được nhận khoản trợ cấp này.
Tiền hưởng chế độ thai sản
- Mức hưởng hàng tháng = 100% x mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 06 tháng trước khi nghỉ sinh
Ví dụ: Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là 5 triệu đồng/tháng; lao động nữ nghỉ sinh 06 tháng => Tiền hưởng chế độ thai sản của lao động nữ là 5 triệu đồng x 6 tháng = 30 triệu đồng.
Tiền dưỡng sau sinh
Lao động nữ sau khi sinh con mà trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 ngày đến 10 ngày. Trong đó, tối đa 10 ngày nếu lao động nữ sinh đôi trở lên; 07 ngày nếu sinh mổ; 05 ngày với các trường hợp khác. Cần lưu ý, khoản tiền dưỡng sức này chỉ được cấp cho người lao động có thời gian nghỉ dưỡng sức nối liền với thời gian nghỉ thai sản.
Khi nghỉ dưỡng sức sau sinh, lao động nữ được hưởng trợ cấp mỗi ngày bằng 30% mức lương cơ sở. Như vậy, khi mức lương cơ sở từ ngày 01/07/2019 được điều chỉnh tăng lên 1,49 triệu đồng/tháng, mức trợ cấp dưỡng sức sau sinh của lao động nữ theo đó cũng tăng lên.
Mẹ bầu đi làm trong thời gian mang thai có thể gặp một vài thách thức tại nơi làm việc, chẳng hạn như ốm nghén, ăn uống có nhiều thay đổi hay khó khăn trong việc di chuyển. Do đó, để giữ sức khỏe và đăm bảo công việc vẫn hoàn thành, mẹ bầu nên biết cách làm giảm bớt những khó chịu khi mang thai và những áp lực, hoạt động trong công việc có thể gây nguy hiểm cho thai nhi.
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!