Mẹ Bích Nga, một bà mẹ nổi tiếng về kinh nghiệm chăm trẻ sơ sinh và nuôi dạy con với nhiều mẹo hay trên nhiều diễn đàn. Nhờ các bài luyện tập được thực hiện hàng ngày này mà 2 cô con gái của chị đều biết lẫy và đạt các kĩ năng vận động từ rất sớm cũng như khả năng học hành xuất chúng.
- Khám phá từ đôi bàn tay
- Cùng dạy con khám phá đôi bàn chân linh hoạt
- Hãy để con khám phá thế giới trong mắt bé
- Lắng nghe âm thanh cuộc sống
- Tăng cường giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ cơ thể và hưởng ứng nụ cười của bé
- Các bài tập vận động cho bé 3 tháng đầu đời
2 cô con gái xinh xắn của mẹ Bích Nga từng được rất nhiều độc giả trầm trồ ngưỡng mộ vì các bé đạt được kĩ năng thể chất như lẫy, ngồi, bò từ rất sớm. Không những vậy, cả 2 bé đều có thể cầm thìa dĩa xúc ăn thành thạo và có một thái độ tự lập tuyệt vời ngay từ khi mới 1 tuổi.
Hầu hết các mẹ đều thắc mắc, để dạy con như vậy có khó và vất vả không? Mẹ Bích Nga đã có bài viết chia sẻ cụ thể cách chăm trẻ sơ sinh, đặc biệt là giai đoạn 3 tháng đầu đời cần phải dựa trên nền tảng những kiến thức khoa học này.
Bạn có thể xem:
Khám phá từ đôi bàn tay
Đôi bàn tay nhỏ xinh là một kênh giao tiếp đặc biệt quan trọng của bé, là một “công cụ” giúp bé khám phá con người và cuộc sống xung quanh mình ngay từ những ngày đầu khi mới được sinh ra. Biết rằng nói ra điều này có lẽ không phù hợp với quan điểm truyền thống, nhưng mình vẫn bảo lưu ý kiến: hãy mạnh dạn vất đôi bao tay của bé đi. Trừ khi trời quá lạnh, tay bé thực sự không cần bao bịt gì cả.
Mẹ Bích Nga chia sẻ bí quyết chăm trẻ sơ sinh từ chính kinh nghiệm nuôi 2 bé gái của mình
Bao tay là rào cản cho sự phát triển giác quan của bé, chưa kể còn có một số nguy cơ gây hại cho bé nếu không cẩn thận. Hãy cắt ngắn móng tay và vệ sinh bàn tay bé thật sạch, rồi để đôi tay ấy tự do hoạt động theo sở thích khám phá của bé. Hồi Anh Thi còn nhỏ thì mình thỉnh thoảng vẫn đeo bao tay cho bé, nhưng đến Kitty thì “bái bai” với nó luôn.
Trong tháng đầu tiên, bé thường nắm tay rất chặt. Hãy khuyến khích bé “sờ soạng” khi có thể. Thời gian cho bé bú là lúc lý tưởng để làm điều đó. Khi bé thức, hãy nằm đối diện với bé, cho bé sờ mặt mẹ và mỉm cười cũng như nói chuyện cùng bé. Bé chưa thực sự hiểu nhiều nhưng bé cảm nhận được tình cảm âu yếm của mẹ.
Hàng ngày khi tắm và massage cho bé, đừng quên tiếp xúc với đôi bàn tay của bé để kích thích sự nhận biết của xúc giác. Khi bé được hai tháng, bé rất đam mê đôi bàn tay của mình. Bé thường xuyên ngắm nghía, mân mê và thậm chí nhét cả tay vào miệng. Lúc này, hãy chơi trò nắm ngón tay: mẹ đưa hai ngón tay cho bé nắm lấy hai bên, điều khiển tay của bé lên xuống nhẹ nhàng hoặc làm động tác xòe nắm và hát cho bé nghe.
Khi bé được ba tháng, hãy chuẩn bị cho bé một quả bóng mềm vừa tay với bé. Bé sẽ ôm bóng chơi, quan sát màu sắc trên quả bóng và thậm chí tuột tay đánh rơi bóng. Nếu bóng lăn quá xa, hãy đặt bóng bên cạnh người bé để bé lật và với tay lấy. Trò thả bóng, giữ bóng và lấy bóng rèn luyện sự khéo léo cũng như khơi gợi ý thức chiếm hữu trong bé.
Cùng dạy con khám phá đôi bàn chân linh hoạt
Bé thường được đeo vớ để giữ ấm đôi bàn chân, rất có lợi cho sức khỏe của bé. Thỉnh thoảng khi bé thức, hãy tháo vớ cho bé, xoa nắn đôi bàn chân và tập thể dục cho đôi chân. Hãy thơm lên đôi bàn chân trắng hồng của bé nữa. Có thể bé sẽ nhột và cười khanh khách.
Đôi khi, ở một số trẻ sơ sinh cũng có thể xuất hiện tình trạng móng mọc ngược ở bàn chân gây nên đau đớn cho trẻ. Chính vì vậy, bố mẹ hãy quan sát, kiểm tra móng chân của con.
Cách để ngăn ngừa tình trạng này là thường xuyên cắt tỉa móng cho trẻ, từ 1 đến 2 lần mỗi tháng hoặc khi móng con quá dài. Khi cắt, bố mẹ cũng cần chú ý những vấn đề sau:
- Cắt móng theo chiều ngang, không cắt theo hình tròn.
- Chủ động cắt khi mong dài, không để móng quá dài và tự gãy khi trẻ mang vớ, quần áo hay vui chơi. Vì móng chân một khi bị rách thì phần ngắn còn lại rất dễ bị mọc ngược, găm vào thịt của trẻ.
- Không được cắt quá sát da và ngắn. Bố mẹ hãy để lại một chút màu trằng ở cuối móng và nhẹ nhàng dũa các cạnh nếu chúng quá sắc.
Bí quyết chăm trẻ sơ sinh giúp con cứng cáp từ mẹ Sài gòn
Hãy để con khám phá thế giới trong mắt bé
Khi mới sinh ra, tầm nhìn của bé còn hạn chế. Bé không nhìn được các đồ vật xa và hơn nữa bé ngủ nhiều nên hãy để bé rèn luyện thị giác một cách tự nhiên. Có thể treo đồ chơi trên cũi, có đèn và nhạc để bé có trải nghiệm “tai nghe mắt thấy”.
Nên treo tranh trong phòng bé, đặc biệt là những tranh có màu tương phản như đen và trắng sẽ cuốn hút sự chú ý của bé. Những vật ca rô đen trắng như bàn cờ vua rất lý tưởng để bé luyện sự tập trung, không chỉ đơn thuần phát triển thị giác mà còn có lợi cho năng lực tư duy sau này của bé.Hãy cho bé đi chơi hàng ngày và chỉ cho bé xem những vật gần gũi với môi trường sống.
Khi bé được 3 tháng, mẹ hãy cùng bé nằm trên giường và đưa gương cho bé xem (lưu ý: tuyệt đối không được để cho bé chơi với gương một mình). Ban đầu, đừng vội làm gì cả, chỉ giơ gương cho bé nhìn thấy khuôn mặt hai mẹ con ở trong đó. Ồ, ngạc nhiên chưa, có một người giống hệt mẹ mình, lại có một đứa bé xíu nào bên cạnh nữa.
Sau đó, hãy mỉm cười để bé thấy nụ cười của mẹ trong gương, đưa tay chỉ và nói “mẹ, mẹ”. Hãy khuyến khích bé nhìn mặt mẹ rồi lại nhìn vào gương để so sánh. Tiếp đến, hãy hướng sự tò mò của bé sang cái “đứa nhỏ xíu” kia. Cầm bàn tay bé lên và chỉ vào đó, bé sẽ thấy đứa kia cũng đang đưa tay lên. Hãy đặt vào tay bé một món đồ chơi cho bé soi gương và so sánh. Bé càng lúc càng linh hoạt hơn và mong muốn khám phá.
Bí quyết chăm trẻ sơ sinh giúp con cứng cáp từ mẹ Sài gòn
Bạn có thể xem:
Lắng nghe âm thanh cuộc sống
Khi bé mới sinh, hãy kích thích phản xạ nghe của bé bằng đồ chơi treo cũi, giọng nói và tiếng hát khe khẽ, nhạc hòa tấu, tiếng chuông gió leng keng và tiếng vỗ tay theo nhịp khi chơi cùng bé.
Bé sơ sinh phản ứng với âm cao tốt hơn âm trầm, do đó thỉnh thoảng hãy giả giọng trẻ con lanh lảnh và trong trẻo để tạo hứng thú cho bé. Khi được một tháng, hãy hướng dẫn cho bé nghe và nhận thức những âm thanh khác nhau như tiếng dịch chuyển đồ vật, tiếng chuông điện thoại…
Lúc này, cái lục lạc là đồ chơi phù hợp cho bé. Bé cũng dần dần nhận thức được những âm thanh cuộc sống khi được đi chơi như tiếng cười nói của người qua lại, tiếng lá cây xào xạc, tiếng động của nước… Bé càng lớn thì nhu cầu giao tiếp với xã hội càng cao, do đó đừng hà tiện giờ đi chơi bên ngoài của bé.
Bí quyết chăm trẻ sơ sinh giúp con cứng cáp từ mẹ Sài gòn
Tăng cường giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ cơ thể và hưởng ứng nụ cười của bé
Hãy thường xuyên cho bé nhìn ngắm những phản ứng của khuôn mặt cũng như sử dụng ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp với bé. Hãy làm những động tác ngộ nghĩnh và hồn nhiên như một người bạn của bé vậy, và khi được hưởng ứng, bé sẽ ham mê làm trò một cách vui tươi và lém lỉnh khiến mẹ phát ghiền cho mà xem.
Những cảm xúc trên gương mặt mẹ là những bài học thực tiễn và sinh động có ảnh hưởng rất nhiều đến trí tuệ và tâm hồn của bé. Ba mẹ có thể giao tiếp với bé bất cứ lúc nào: khi bé bú, bé chơi, khi tắm, massage và cả khi thay tã cho bé. Ngay cả khi bé ngủ, đôi mắt nhìn ngắm dịu dàng của mẹ cùng lời ca khe khẽ cũng tác động tích cực đến tiềm thức của bé.
Nụ cười có tác dụng với người lớn ra sao thì cũng có tác dụng với bé như vậy, do đó hãy hưởng ứng nụ cười của bé. Khi bé cười, hãy cười lại, vỗ tay, tỏ ra rất vui thích để bé thấy mình được khuyến khích. Hãy nói chuyện nhiều với bé, thỉnh thoảng thơm vào phần dưới cằm bé để bé cười phá lên.
Bí quyết chăm trẻ sơ sinh giúp con cứng cáp từ mẹ Sài gòn
Các bài tập vận động cho bé 3 tháng đầu đời
Hãy cho bé vận động với một thái độ tích cực và vừa sức với bé. Bé được vận động nhiều sẽ có cơ thể săn chắc hơn, cứng cáp hơn (dù có thể trông bé không bụ bẫm theo quan điểm truyền thống), bé cũng phản xạ nhanh và linh hoạt hơn. Vận động còn giúp bé sảng khoái, vui vẻ và minh mẫn.
Chăm trẻ sơ sinh, mẹ cần năng cho con vận động đúng cách
Mẹ có thể bật nhạc trong thời gian bé tập thể dục, hoặc hãy hát và tạo âm thanh từ miệng khi tập cho bé. Cá nhân mình thì thường chọn phương án thứ hai.
- Động tác tay: Vừa hát vừa tập cho bé theo bài “Thể dục buổi sáng” (Một – Tay giơ cao lên trời. Hai – Tay dang ngang bằng vai. Ba – Tay song song trước mặt. Bốn – buông thả hai tay). Có thể tập cho bé từ vài ngày sau khi sinh, càng lớn càng tăng dần. Đồ chơi hỗ trợ (khi bé được một tháng tuổi): bộ lục lạc đeo tay/chân hình thú bông ngộ nghĩnh có phát ra tiếng kêu nho nhỏ vui tai.
- Động tác chân: Xoa nắn chân cho bé. Tập cho bé co duỗi chân, nâng lên hạ xuống, vừa làm vừa tạo ra các âm thanh túc tắc vui tai để bé được thư giãn. Có thể tập cho bé từ vài ngày sau khi sinh, càng lớn càng tăng dần. Đồ chơi hỗ trợ (khi bé được một tháng tuổi): bộ lục lạc đeo tay/chân hình thú bông ngộ nghĩnh có phát ra tiếng kêu nho nhỏ vui tai.
- Động tác ngón tay: Nắm bàn tay bé, mở từng ngón tay rồi lại xếp vào, lần lượt tay này đến tay kia. Mình thì vừa làm như vậy vừa đọc bài thơ “Những ngón tay xinh” mà mình viết cho con. Động tác này giúp các ngón tay của bé linh hoạt.
Động tác cổ: Đồ chơi hỗ trợ là những con rối tay xinh xắn hoặc quả bóng đầy màu sắc. Mẹ xỏ tay vào con rối, điều khiển ngúc ngắc đầu rối và đưa trước mặt cho bé xem. Khi bé đã chăm chú nhìn, hãy từ từ đưa lên phía trán bé, bé sẽ ngước mắt và ngửa cổ ra để nhìn, tiếp đó mẹ hạ tay xuống để bé cúi cổ. Đưa rối sang trái và sang phải để bé quay đầu theo. Đây là bài tập rèn luyện thị giác và cơ cổ, giúp cổ bé mau cứng cáp. Có thể bắt đầu tập khi bé được 1 tháng.
- Động tác vặn mình: Đồ chơi hỗ trợ là chiếc lục lạc nhiều màu sắc có tiếng kêu leng keng vui tai. Hãy gõ lục lạc xuống giường cạnh hông của bé (bên trái hoặc bên phải tùy ý). Bé sẽ lắng nghe và hướng mắt về phía có tiếng kêu để tìm kiếm. Ban đầu bé chỉ dừng lại ở mức độ lắng nghe và quan sát thôi. Sau đó, bản năng chiếm hữu kích thích bé mãnh liệt khiến bé xoay hông và với tay. Nếu bé lấy được, hãy cho bé cầm nắm một chút để thưởng cho nỗ lực của bé. Sau đó tiếp tục lặp lại động tác nhưng đổi bên.
- Động tác bụng: Đặt bé nằm ngửa, một tay nâng lưng và một tay đỡ đầu bé rồi từ từ nâng lên như tư thế ngồi hơi ngả lưng, cho mặt bé hướng vào mặt mẹ. Có thể chơi ú òa với bé hoặc làm các điệu bộ trên khuôn mặt để vui đùa cùng bé. Có thể tập động tác này từ 2 tháng tuổi.
- Động tác trườn: Cho bé nằm sấp, tay mẹ nắm lấy hai bàn chân bé và đặt hai gót chân chạm nhau, đẩy đùi bé về phía hai bên. Theo phản xạ bé sẽ nhích về trước chút xíu, lúc đó mẹ ấn bàn tay mình xuống giường để tạo điểm tựa cho bé. Có thể tập động tác này từ 3-4 tháng tuổi.
- Động tác đi bộ dưới nước: Tay mẹ giữ nách cho bé đứng thẳng, chân đặt trên sàn bể (nhớ không để bé nhón chân). Bé sẽ tự bước về trước theo phản xạ và mẹ điều chỉnh theo nhịp bước của bé trong khi vẫn duy trì lực nâng. Bé bước trong nước nhẹ hơn trên cạn nhiều nên bé không mệt, lại được làn nước ấm vỗ về đôi chân khiến bé rất thích. Có thể tập động tác này từ 4-6 tháng tuổi.
Nhờ các động tác cơ bản trên đây kết hợp với chế độ phơi nắng thường xuyên mà 2 cô con gái của mình khá cứng cáp và đều biết lật lúc 2,5 tháng (bé tự lật, mẹ hoàn toàn không ép).
Theo Blog mẹ Bích Nga
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!