“Mẹ bị cúm có nên cho con bú không?” là thắc mắc của rất nhiều chị em phụ nữ trong giai đoạn nuôi trẻ sơ sinh. Trên thực tế các chuyên gia khuyên không nên dừng việc cho con bú thậm chí khi mẹ bị cúm vì nhiều nguyên nhân sẽ được đề cập trong bài viết.
- Mẹ bị cúm có nên cho con bú không?
- Mẹ cảm cúm cần lưu ý gì khi cho con bú?
Mẹ bị cúm có nên cho con bú không?
Nhiều chị em phụ nữ lo ngại khi đang trong thời gian cho con bú mà lỡ bị cảm cúm thì virus cúm có thể truyền qua đường sữa mà ảnh hưởng đến em bé. Trên thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Thậm chí mẹ bỉm không cần phải ngưng cho bé bú nếu mình đang bị cúm. Bs CKII Nguyễn Thị Từ Anh thuộc bệnh viện Từ Dũ giải thích trường hợp này như sau: Virus cúm không lây qua sữa mẹ mà lây qua giọt bắn khi ho, hắt hơi. Trường hợp các có thể lây qua bàn tay dính nước mũi hoặc dịch họng do chạm vào mũi và miệng. Ngay cả virus SARS-CoV-2 cũng không hề có trong sữa mẹ. Vì vậy UNICEF từng khuyến nghị nếu mẹ đang nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 thì vẫn cứ hãy tiếp tục cho bé bú sữa vì khi mẹ bị cúm, trong sữa mẹ có kháng thể chống lại virus cúm nên cho trẻ bú mẹ cũng giống như đang chích vaccin cho trẻ.
Mẹ bị cúm có nên cho con bú không? (Nguồn: Unsplash)
Trên thực tế, khi mẹ bị cúm, khả năng cao bé cũng có thể bị lây cúm nhưng không phải lây qua đường sữa mẹ mà có thể qua các đường giọt bắn nêu trên. Việc ngưng cho bé bú sữa vì lo sợ của một vài người mẹ ngược lại có thể khiến bé dễ bị cúm hơn, vì lúc này bé bị ngưng cung cấp kháng thể từ sữa mẹ. Khoa học chứng minh sữa mẹ có hiệu quả phòng ngừa nhiều loại siêu vi như cúm mùa (influenza virus), tiêu chảy (rotavirus), viêm đường hô hấp (RSV) và bại liệt (polio virus)…. Hệ miễn dịch của mẹ sẽ tạo ra các kháng thể chống lại các loại vi trùng, virus đang tấn công hai mẹ con. Kháng thể này lưu thông trong máu mẹ và vào trong sữa mẹ thông qua các khe hở tế bào tuyến sữa từ đó truyền qua cho bé. Ngoài ra, các tế bào lympho chuyên tạo kháng thể cũng được tập hợp đến tuyến sữa để tiết các kháng thể trực tiếp vào trong sữa mẹ. Ngoài ra, trong sữa mẹ còn có những axit béo và một số loại monoglycerides giúp sữa mẹ có tác dụng chống lại virus. Đặc biệt các thành phần chất béo kháng virus này không bị huỷ khi đun nóng sữa mẹ lên.
Xem thêm:
Mẹ cảm cúm cần lưu ý gì khi cho con bú?
Với những bà mẹ vẫn đang lo lắng cho sự an toàn sức khoẻ bé khi cho bé bú lúc mẹ bị cúm thì có thể lưu ý các biện pháp sau để bảo vệ bé.
1. Nếu mẹ có các biểu hiện cúm nặng: hắt hơi liên tục, ho, khạc đờm, nên cách ly với con một thời gian. Thường xuyên đeo khẩu trang để không lây virus ra môi trường bên ngoài, hoặc vào các đồ vật, đồ chơi của bé. Tạm ngừng việc cho con bú vài ngày đến khi các dấu hiệu thuyên giảm.
2. Trong thời gian cách ly với con, mẹ có thể vắt sữa cho con bú bằng bình hay xúc thìa. Vẫn đeo khẩu trang khi chiết sữa, vệ sinh sạch sẽ tay, núm vú và dụng cụ vắt để tránh virus vào sữa của bé.
3. Khi có thể cho bé bú bình thường mẹ cần đeo khẩu trang cẩn thận, rửa tay sạch sẽ trước khi bế bé, lau sạch đầu vú bằng nước ấm trước khi cho con bú để loại bỏ virus.
Mẹ cần rửa tay sạch sẽ trước khi bế bé (Nguồn: Unsplash)
4. Mẹ chỉ nên tiếp xúc với bé khi cho bú, những hoạt động chăm sóc khác nên nhờ sự trợ giúp của người trong gia đình.
5. Mẹ nên thường xuyên đeo khẩu trang kể cả khi ở trong nhà để tránh lây cho người nhà và tránh thải virus ra môi trường thông qua việc hắt hơi, ho…
6. Không đưa tay đang dơ hoặc chưa vệ sinh sạch sẽ lên vùng mặt của bé, không hôn bé khi đang bị cúm.
7. Mẹ có thể cho bé bú lại bình thường sau khi khỏi bệnh khoảng 2 tuần.
8. Hỏi ý kiến bác sĩ khi sử dụng các thuốc bên ngoài.
9. Nếu chưa bị cúm, mẹ nên phòng ngừa bằng cách tiêm phòng và tránh tiếp xúc gần những người đang mắc bệnh. Khi trẻ đủ tháng tuổi nên tiêm phòng cúm cho trẻ.
Mẹ nên tiêm phòng đầy đủ để ngừa cúm và lây cho bé (Nguồn: Unsplash)
Mẹ bị cúm có nên cho con bú không? Câu trả lời là hoàn toàn không được ngừng việc cho con bé, vì đối với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng duy nhất cung cấp kháng thể cho bé. Việc ngưng cho bé bú mẹ có thể là nguyên nhân khiến sức khoẻ bé yếu hơn, dễ bị mắc bệnh hơn.
Nguồn thông tin: Chống đỡ virus bằng sữa mẹ – Bệnh viện Từ Dũ
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!