Hiện nay có rất nhiều người quan tâm mang thai hộ là gì, quy định luật pháp như thế nào, đặc biệt là những cặp vợ chồng hiếm muộn. Mang thai hộ là trường hợp người mẹ không thể mang thai và phải nhờ người phụ nữ khác sinh con cho mình. Trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có các quy định pháp lý về vấn đề này. Hãy cùng đọc bài viết để có sự hiểu biết đúng đắn về mang thai hộ là gì và tránh vi phạm pháp luật nhé:
- Mang thai hộ là như thế nào?
- Một số quy định trong Luật mang thai hộ tại Việt Nam
- Quy trình mang thai hộ theo đúng quy định của pháp luật
- Con sinh ra theo hình thức mang thai hộ là con của ai?
Mang thai hộ là gì và có những hình thức nào?
Mang thai hộ hay đẻ thuê là gì? Theo điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, có 2 hình thức mang thai hộ như sau:
- Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: Có nghĩa là 1 người phụ nữ tự nguyện mang thai hộ cho cặp vợ chồng có người vợ không thể mang thai, sinh con. Ngay cả khi người vợ này có nhờ tới kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Để tiến hành, noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng sẽ được thụ tinh trong ống nghiệm. Sau đó cấy vào tử cung của người tự nguyện mang thai hộ. Người này sẽ mang thai và sinh con.
- Mang thai hộ vì mục đích thương mại: Tức là 1 người phụ nữ mang thai cho người khác vì mục đích hưởng lợi về kinh tế hoặc một số lợi ích khác.
Cũng theo Luật hôn nhân và gia đình 2014, chỉ có mang thai hộ vì mục đích nhân đạo mới được tính là hợp pháp.
Có thể bạn chưa biết
Mang thai hộ là sao? Hình thức mang thai hộ mở ra cơ hội làm cha mẹ cho các cặp vợ chồng hiếm muộn
Một số quy định trong Luật mang thai hộ tại Việt Nam
1. Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Sau khi đã tìm hiểu mang thai hộ là gì, hãy cùng tìm hiểu điều kiện mang thai hộ đúng theo đúng quy định của Luật pháp nước ta nhé! Dưới đây là một số chia sẻ từ Công ty Luật TNHH Lawkey về điều kiện mang thai hộ:
1.1 Đối với người nhờ mang thai hộ
Theo Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, các cặp vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ nếu đủ các điều kiện sau:
- Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, các bên đều tự nguyện và được lập thành văn bản.
- Giấy xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai, sinh con dù có áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
- Vợ chồng đang trong tình trạng không có con chung.
- Hai vợ chồng đã được tư vấn về y tế, tâm lý và pháp lý.
Cần có giấy tờ chứng minh người vợ không thể mang thai, sinh con vì nhiều lý do khác nhau
1.2 Đối với người mang thai hộ
Cũng theo Luật mang thai hộ, người mang thai hộ phải đáp ứng các điều kiện dưới đây:
- Có quan hệ thân thích cùng hàng với bên vợ/chồng nhờ mang thai hộ.
- Đã từng sinh con và mỗi người chỉ được phép mang thai hộ 1 lần.
- Ở độ tuổi phù hợp. Có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ.
- Nếu người mang thai hộ có chồng thì phải có văn bản đồng ý của người chồng.
- Đã được tư vấn về y tế, tâm lý, pháp lý.
2. Thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Tại Điều 96 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định thỏa thuận này phải được lập thành văn bản có công chứng. Nếu vợ chồng bên nhờ mang thai hộ ủy quyền cho nhau, hoặc vợ chồng bên mang thai hộ ủy quyền cho nhau, thì phải lập thành văn bản có công chứng. Không được phép ủy quyền cho người thứ 3. Còn nếu thỏa thuận được lập chung cùng thỏa thuận với cơ sở y tế, thì phải có xác nhận của người có thẩm quyền tại cơ sở y tế này.
3. Mang thai hộ trái pháp luật có thể bị phạt tù 5 năm
Sau khi tìm hiểu mang thai hộ là gì, chúng ta đã biết rằng pháp luật chỉ công nhận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Riêng với những trường hợp mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ được xem là vi phạm pháp luật.
Việc không tuân thủ Luật mang thai hộ sẽ bị xử lý thích đáng
Cụ thể, Điều 187 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, cá nhân nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị phạt cải tạo đến 02 năm. Nặng hơn có thể phạt tù từ 3 tháng – 2 năm. Ngoài ra, một số trường hợp có thể bị phạt tù từ 01 – 05 năm:
- Đối với 02 người trở lên.
- Phạm tội 02 lần trở lên.
- Tái phạm nguy hiểm.
- Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức.
Có thể bạn chưa biết
Quy trình mang thai hộ theo đúng quy định của pháp luật
Cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ nộp hồ sơ đến cơ sở y tế được phép thực hiện. Hiện cả nước có 5 cơ sở được cấp phép là BV Từ Dũ, Hùng Vương, Mỹ Đức, Phụ sản T.Ư và T.Ư Huế.
Hồ sơ đề nghị thực hiện mang thai hộ bao gồm 12 loại giấy tờ sau:
(1) Đơn đề nghị được thực hiện mang thai hộ.
(2) Giấy cam kết tự nguyện mang thai hộ.
(3) Giấy cam kết của người mang thai xác nhận chưa từng mang thai hộ.
(4) Bản xác nhận vợ chồng chưa có con chung được cấp bởi UBND xã nơi 2 vợ chồng thường trú.
(5) Bản xác nhận của cơ sở y tế về việc người vợ không thể mang thai.
(6) Bản xác nhận của cơ sở y tế đối với người mang thai hộ về khả năng mang thai và từng sinh con.
(7) Bản xác nhận của UBND xã chứng minh về mối quan hệ thân thích giữa người nhờ mang thai với người mang thai hộ.
(8) Bản xác nhận đồng ý của chồng người mang thai hộ (nếu có).
(9) Giấy xác nhận nội dung tư vấn về y tế.
(10) Giấy xác nhận nội dung tư vấn về tâm lý.
(11) Giấy xác nhận nội dung tư vấn về pháp luật.
(12) Bản thỏa thuận giữa vợ chồng nhờ mang thai với bên mang thai hộ.
Trong 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, bệnh viện phải có kế hoạch điều trị để thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Trong trường hợp không thể thực hiện thì phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.
Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn có con nhờ mang thai hộ
Con sinh ra theo hình thức mang thai hộ là con của ai?
Câu hỏi này khá nhạy cảm và thường gây tranh cãi hiện nay. Theo quy định tại Luật Hôn nhân & Gia đình thì việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được thực hiện bằng cách:
– Lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng và tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm;
– Cấy phôi vào tử cung của người phụ nữ mang thai hộ để người này mang thai và sinh con.
Do đó, về mặt sinh học, có thể khẳng định em bé sinh ra là con của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ, vì phôi thai được tạo ra từ noãn và tinh trùng của cặp vợ chồng này.
Bên cạnh đó, về mặt pháp lý, Điều 94 Luật Hôn nhân & Gia đình nêu rõ:
Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra
Vì vậy, có thể khẳng định, khi đứa trẻ được sinh ra thì đây chính là con của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ.
Tổng kết
Trên đây là một số chia sẻ về mang thai hộ là gì, quy trình mang thai hộ ra sao, cùng với một số quy định quan trọng. Các cặp vợ chồng nếu có ý định nhờ người mang thai hộ hãy tham khảo thêm để tránh vi phạm luật mang thai hộ nhé!
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!