Mang thai bị u nang buồng trứng có nguy hiểm không? U nang buồng trứng nằm trong nhóm những bệnh thường gặp ở phụ nữ, chiếm tới 3,6% trong tổng số các bệnh lý phụ khoa, đặc biệt hay xảy ra đối với chị em đang trong độ tuổi sinh sản. Là bệnh không hiếm gặp ngay cả đối với chị em trong thời kỳ mang bầu, khiến nhiều chị em lo lắng, hoang mang.
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Bác sĩ Vũ Nhật Nam – Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh
U nang buồng trứng là gì?
Như đã nói ở trên, u nang buồng trứng là bệnh rất phổ biến đối với chị em phụ nữ. Đây là hiện tượng buồng trứng xuất hiện khối u cư trú. U có vỏ bọc bên ngoài và bên trong chứa dịch lỏng.
Tuy là khối u lành tính nhưng nếu không phát hiện kịp thời, bệnh có thể phát triển thành ung thư buồng trứng rất nguy hiểm, thậm chí tới tính mạng con người.
Bệnh lý u nang buồng trứng trong thai kỳ thường được chẩn đoán qua siêu âm thai.
Có 2 dạng u nang buồng trứng:
1. U nang cơ năng (u nang hoàng thể)
Là những khối u hình thành do hoạt động nội tiết của buồng trứng thay đổi khi mang thai. U nang buồng trứng cơ gây rối loan nội tiết ở buồng trứng, khiến nang trứng phát triển kém hơn bình thường nhưng thường là u lành tính, có thể tự biến mất ở tuần thứ 12 của thai kỳ và không gây nguy hiểm.
2. U nang thực thể (u nang bệnh lý)
Hay gặp ở những chị em có tiền sử sảy thai, nạo phá thai hay thai chết lưu. U nang bệnh lý khiến chức năng của tuyến giáp bị suy giảm và mất cân bằng nội tiết trong thời gian dài, bệnh có thể gây biến đổi về tổ chức học buồng trứng ở những khối u, vì vậy đây là những khối u có nguy cơ ung thư hóa, nguy hểm cho cả mẹ và bé. Trong đó chia làm 3 dạng:
- U nang dạng nước là hay gặp nhất, chiếm khoảng 40% các khối u nang buồng trứng. Nếu trên bề mặt u có các mạch máu tăng sinh hình lược, hay có các nhú trên bề mặt hoặc trong lòng u là những dấu hiệu nghi ngờ ung thư hóa.
- U nang dạng nhầy: chiếm khoảng 20% các khối u buồng trứng
- U nang dạng bì: chiếm khoảng 25% các khối u buồng trứng
Mang thai bị u nang buồng trứng sẽ có biểu hiện như thế nào?
Mang thai bị u nang buồng trứng sẽ không có biểu hiện rõ ràng cho tới khi có biến chứng
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: U nang buồng trứng là bệnh rất phổ biến ở nữ giới, gặp ở mọi lứa tuổi và cũng có thể xảy ra trong thời gian mang thai. Đa phần, u nang buồng trứng khi mang thai là không triệu chứng, phụ nữ chỉ phát hiện ra khi đi khám thai. Trong một số trường hợp, bệnh có thể có một số biểu hiện như đau bụng ở vùng bụng dưới hoặc vùng chậu bên có u nang, cảm giác đè nặng hơn là đau, đầy hơi, chậm tiêu, ăn kém, bụng to hơn tuổi thai hoặc áp lực ổ bụng cao bất thường. Nếu u nang buồng trứng vỡ, thai phụ sẽ cảm thấy đau bụng đột ngột mức độ nặng, cần đến bệnh viện cấp cứu ngay.
Các triệu chứng phổ biến sau đó là:
- Khó thở khi u to chèn ép cơ hoành
- Sốt cao, đau lưng khi khối u chèn ép gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Khó khăn trong việc đi tiểu hoặc không đi được.
- Cảm thấy buồn nôn, đau ngực hoặc muốn nôn giống như bị nghén
- Các cơn đau bụng đột ngột xuất hiện, sốt hoặc có biểu hiện nhiễm độc khi u bị vỡ hoặc bị xoắn
- Khi u phát triển đến giai đoạn ác tính, cơ thể gầy yếu, sụt cân, bụng to nhanh
Nguyên nhân gây ra u nang buồng trứng khi mang thai
Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh lý u nang buồng trứng mà có thể kể đến như:
- Các nang trứng phát triển không đầy đủ, không rụng và không hấp thu được các chất lỏng trong buồng trứng.
- Mạch máu của các vùng lạc nội mạc tử cung trong buồng trứng vỡ gây chảy máu tạo thành nang.
- Lượng hormon Chorionic Gonadotropin dư thừa dẫn tới hình thành u nang lutein.
- Sự tăng tiết quá mức của luteinizing hormone (LH).
- Thể vàng phát triển dẫn tới dẫn tới xuất hiện u hoàng thể.
- Ngoài ra, ở giai đoạn 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, trong buồng trứng của người mẹ có thể xuất hiện tự nhiên một vài u nang để hỗ trợ bào thai cho đến khi nhau thai được hình thành. Đôi khi u cũng xuất hiện cho đến hết thai kỳ.
Mẹ mang thai bị u nang buồng trứng ảnh hưởng như thế nào đến thai nhi?
Bệnh này gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi do bào thai phải chịu sự chèn ép của khối u khiến không gian để phát triển của bé bị thu hẹp.
Đặc biệt, nếu u nang bị xoắn hay bị phá vỡ sẽ gây sảy thai. Những trường hợp này thường được chỉ định đình chỉ thai nghén để bảo vệ sức khỏe của thai phụ.
Tuy nhiên, không phải trường hợp mang thai bị u nang buồng trứng nào cũng có biến chứng xảy ra, có nhiều trường hợp cả mẹ và bé đều được an toàn trong suốt thai kỳ và bé được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh.
Làm gì khi phát hiện u nang buồng trứng?
Thai phụ bị u nang buồng trứng phải được theo dõi y tế chặt chẽ. Đầu tiên, mẹ bầu sẽ phải làm các xét nghiệm để xác định tình trạng khối u như: lành tính hay ác tính, kích thước khối u… Ở từng giai đoạn bệnh sẽ có cách điều trị khác nhau:
- Ba tháng đầu: Cả thai phụ và bào thai đều phải được theo dõi chặt chẽ. Do u nang buồng trứng có thể tự teo trong giai đoạn này nên thường không có can thiệp y tế gì trong 3 tháng đầu nếu không có điều gì bất thường.
- Ba tháng giữa: Nếu hết 3 tháng đầu mà u nang buồng trứng không tự teo đi thì bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp loại bỏ khối u thích hợp tùy theo từng trường hợp cụ thể. Đây là thời điểm thích hợp nhất cho phẫu thuật loại bỏ khối u vì thai nhi lúc này được nuôi dưỡng bởi nhau thai và dây rốn, tử cung cũng ít nhạy cảm hơn.
- Ba tháng cuối thai kỳ: Nếu phát hiện u nang buồng trứng ở giai đoạn này, thông thường các bác sĩ sẽ đợi đến khi em bé được sinh ra mới tiến hành điều trị để tránh ảnh hưởng tới thai nhi.
Bác sĩ Nam cho biết hầu hết các u nang buồng trứng khi mang thai đều tự biến mất trong thai kỳ mà không cần điều trị gì. Tuy nhiên, bệnh có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như chèn ép thai nhi, nguy cơ sảy thai sớm nếu u nang buồng trứng xoắn hoặc vỡ. Vì vậy, trong giai đoạn mang thai, mẹ bầu cần khám thai định kì theo đúng lịch hẹn, khi phát hiện u nang buồng trứng, mẹ bầu cần tuân thủ điều trị của bác sĩ để bảo đảm sức khỏe cho mẹ và thai nhi.
Tuy nhiên, cách điều trị nói trên chỉ áp dụng với khối u lành tính. Trong bất cứ thời điểm nào, nếu phát hiện khối u ác tính thì thai phụ sẽ được chỉ định phẫu thuật ngay lập tức để đảm bảo an toàn.
Phòng ngừa u nang buồng trứng khi mang thai
U nang buồng trứng là bệnh lý có thể tự mất đi nhưng cũng rất dễ bị tái phát mặc dù đã phẫu thuật, đặc biệt đối với các trường hợp mắc bệnh này khi mang thai.
Do đó, chị em cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học. Quan trọng hơn, cần đi khám trước và trong thai kỳ thường xuyên, đặc biệt là trong 3 tháng đầu là thời điểm u nang dễ được phát hiện hơn các giai đoạn khác, sau 3 tháng đầu, tử cung sẽ lớn lên theo sự phát triển của thai nhi, u buồng trứng sẽ khó sờ thấy khi khám và khó quan sát bằng máy siêu âm, do đó khả năng bỏ sót sẽ cao hơn.
Mang thai bị u nang buồng trứng không quá đáng sợ. Khi có bất cứ biểu hiện gì, chị em cần thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt để sớm phát hiện bệnh và điều trị sớm.
U nang lành tính hoàn toàn không đáng ngại, nhưng nếu là u ác tính, trong mọi trường hợp, các bác sĩ sẽ ưu tiên cứ người mẹ trước nếu xem xét không có khả năng cứu cả 2. Do đó, mẹ bầu và gia đình cần chuẩn bị trước tâm lý trong trường hợp này. Còn với những chị em đang có ý định mang bầu thì nên đi kiễm tra sức khỏe tổng thể trước khi mang thai để được chữa trị u nang buồng trứng trước khi mang thai sẽ tốt hơn.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!