Lý do mất kinh sau khi ngưng sử dụng thuốc tránh thai ở nữ giới là gì? Tại sao lại có hiện tượng như vậy? Đó có thể là do cơ chế tự điều chỉnh của cơ thể. Tuy nhiên bạn cũng nên nắm được một số kiến thức cơ bản về nguyên nhân tại sao lại có hiện tượng này.
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Bác sĩ Vũ Nhật Nam – Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh
Các biện pháp tránh thai ảnh hưởng sức khỏe sinh sản nữ giới như thế nào?
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Hiện nay các biện pháp tránh thai phổ biến nhất dành cho phụ nữ bao gồm:
-Bao cao su
-Cấy que tránh thai
-Đặt vòng tránh thai
-Thuốc uống tránh thai
Trong số đó, bao cao su là biện pháp tránh thai an toàn, không gây ảnh hưởng đến cơ thể người phụ nữ, cũng như đạt hiệu quả cao, giúp phòng tránh các bệnh lây lan qua đường tình dục. Đối với các biện pháp như cấy que tránh thai, thuốc uống tránh thai sẽ ít nhiều gây ảnh hưởng đến nội tiết tố của người phụ nữ. Một số triệu chứng có thể gặp bao gồm đau đầu, buồn nôn, chu kỳ kinh có thể bị rối loạn hoặc vô kinh. Đối với biện pháp đặt vòng tránh thai có thể khiến thay đổi tâm trạng, chu kì kinh nguyệt cũng như một số vấn đề về da. Bên cạnh đó, đặt vòng tránh thai trong một vài trường hợp còn có nguy cơ nhiễm trùng cho người phụ nữ.
Thuốc tránh thai có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản?
Thuốc tránh thai luôn được khuyến cáo có tác dụng phụ là gây ra tình trạng kinh nguyệt bất thường ở nữ giới. Chuyên gia y tế đôi khi kê thuốc tránh thai trong một số trường hợp để cân bằng hormone và thiết lập một chu kỳ dễ đoán hơn cho cơ thể. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thuốc này thực sự có khả năng kích thích sinh sản, một phần vì chúng có thể giảm tỉ lệ mắc phải các triệu chứng ức chế sinh sản như lạc nội mạc tử cung.
Cơ chế thụ thai không bị ảnh hưởng ngay cả khi nữ giới đã sử dụng thuốc tránh thai (hay các biện pháp ức chế hormone sinh sản khác) trong một thời gian dài. Tuy nhiên cơ thể cần một thời gian khoảng vài tháng để phục hồi lại nguyên trạng.
Tránh thai bằng can thiệp nội tiết tố ảnh hưởng đến kinh nguyệt thế nào?
Mặc dù kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng sinh sản sẽ được phục hồi ngay sau khi ngưng sử dụng thuốc, nhiều chuyên gia đã cân nhắc ảnh hưởng của thuốc tránh thai lên chu kỳ kinh nguyệt phái nữ và giải thích lý do mất kinh khi ngừng tránh thai.
Thời gian cơ thể phụ nữ cần để điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt tùy thuộc vào lý do can thiệp hormone (nội tiết tố), các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khi thực hiện can thiệp nay hay các vấn đề nảy sinh theo tuổi tác. Chu kỳ có thể quay lại trong thời gian ngắn thường sau từ 3 đến 6 tháng nếu cơ thể khỏe mạnh nhưng cần thời gian lâu hơn để xóa hoàn toàn tác dụng phụ của can thiệp nội tiết tố.
Can thiệp nội tiết tố có làm giảm các triệu chứng bệnh khác?
Mặt khác, nếu nữ giới đã có vấn đề về sức khỏe gây ra kinh nguyệt bất thường như buồng trứng đa nang, suy giảm hoạt động tuyến giáp hay lạc nội mạc tử cung thì chắc chắn chúng sẽ trở lại ngay khi ngừng các biện pháp tránh thai.
Bác sỹ Camaryn Chrisman Robbins từ Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ và Trẻ sơ sinh, Đại học Washington cho biết: “Việc sử dụng phương pháp can thiệp nội tiết tố trong tránh thai để điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt không giúp giải quyết vấn đề mất cân bằng nội tiết cơ bản mà chỉ có thể điều chỉnh chu kỳ và tăng cường sức khỏe nội mạc tử cung. Những triệu chứng ban đầu vẫn có thể quay trở lại”.
Nhiều phụ nữ cho rằng việc có kinh trở lại sau khi thôi dùng thuốc tránh thai nghĩa là chu kỳ đã trở lại trạng thái bình thường. Điều này là không chính xác. Đó chỉ là chu kỳ giả khi cơ chế nội tiết tự nhiên của cơ thể bị ức chế gây ra mất cân bằng.
Dẫu vậy chúng ta không thể phủ nhận vai trò của thuốc tránh thai trong một số trường hợp. Các biện pháp tránh thai qua can thiệp nội tiết tố có chứa cả estrogen và progesterone thường được áp dụng để chữa trị một số triệu chứng lạc nội mạc tử cung và đa nang buồng trứng như mụn trứng cá và mọc tóc quá mức”.
Theo bác sĩ Nam, khi đã ngưng biện pháp tránh thai nhưng kinh nguyệt bị rối loạn hoặc mất đột ngột, chị em cần nên hạn chế căng thẳng, lo lắng, xây dựng chế độ ăn hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng, duy trì cân nặng vừa phải thông qua tập luyện thể dục thể thao. Đối với hầu hết trường hợp, kinh nguyệt sẽ quay về bình thường từ vài tuần đến vài tháng. Tuy nhiên, nếu tình trạng trên kéo dài, cần nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị tốt nhất.
Tóm lại, nếu bạn không thấy kinh nguyệt quay trở lại sau khi ngưng tránh thai thì chắc chắn là có nguyên nhân. Hãy tìm hiểu xem bạn có gặp phải một trong những lý do mất kinh sau đây không nhé.
Căng thẳng có thể là lý do mất kinh ở nữ giới
Phụ nữ không nên để vấn đề nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của mình. Chu kỳ càng trở nên kém đều đặn trong trường hợp nữ giới căng thẳng do những biến cố lớn hay áp lực cuộc sống quá nặng nề. Trạng thái tâm lý căng thẳng có thể ảnh hưởng đến cân bằng nội tiết tố vốn dĩ có vai trò quan trọng trong việc duy trì chu kỳ kinh nguyệt đều đặn khi trứng được sản xuất và niêm mạc tử cung bong ra nếu trứng không được thụ tinh.
Cân nặng cơ thể quá thấp
Việc tăng giảm cân đột ngột luôn luôn ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt bất kể chỉ số BMI ban đầu là bao nhiêu. Nếu BMI (chỉ số khối cơ thể, chỉ số bình thường dao động trong khoảng 18.5 – 24.9) thấp hơn 18, nữ giới có khả năng bị vô kinh thứ phát (kinh nguyệt không xuất hiện nữa). Hãy kiểm tra lại chế độ ăn uống và sinh hoạt để đảm bảo đưa ra lựa chọn sinh hoạt hợp lý để tăng thêm cân nặng.
Béo phì
Ngược lại, nếu BMI từ 35 trở lên, nữ giới đối mặt với nhiều nguy cơ sức khỏe, trong đó có thể kể đến tiểu đường, tim mạch và cũng là lý do mất kinh ở nhiều phụ nữ. Các nghiên cứu đã tìm ra mối tương quan đặc biệt giữa béo phì và hiện tượng mất kinh. Giống như khi bị thiếu cân trầm trọng, cơ thể người béo phì có lượng mô mỡ cao, tác động xấu đến nồng độ nội tiết tố như insulin (hormone có vai trò làm giảm đường huyết) và globulin gắn với hormon sinh dục.
Buồng trứng đa nang (PCOS) là lý do mất kinh phổ biến
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của kinh nguyệt bất thường là hội chứng buồng trứng đa nang, đây là kết quả của sự tăng nồng độ nội tiết tố nam androgen (hormone kích thích tố sinh dục ở nam giới). Thống kê cho thấy béo phì và đa nang buồng trừng dường như đi đôi với nhau, gần 80% bệnh nhân mắc đa nang buồng trứng có chỉ số BMI rất cao. Mặc dù đến nay chưa có biện pháp chữa trị triệt để hội chứng này, vẫn có nhiều can thiệp có thể áp dụng để điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt và tăng khả năng có con ở nữ giới.
Polyp và u xơ tử cung
Nếu nữ giới có chu kỳ kinh nguyệt bất thường hoặc có thêm những triệu chứng như đau khi quan hệ và đau lưng dưới, có thể nguyên nhân gây ra mất kinh là polyp và u xơ tử cung. Mặc dù nghe có vẻ hơi đáng sợ nhưng thực ra phần lớn chúng là lành tính, polyp chỉ là những khối nhỏ phát triển trên cổ tử cung và không có triệu chứng rõ ràng. Mặc dù vậy, polyp có thể gây ra tình trạng kinh nguyệt bất thường và đốm máu hoặc xuất huyết giữa hai chu kỳ kinh nguyệt.
U xơ là khối u mọc trong hoặc trên cổ tử cung, u xơ có thể gây đau bụng kinh và chảy máu nhiều hơn trong chu kỳ. Vậy tại sao polyp và u xơ có thể gây mất kinh? Vì cả hai xuất hiện để phản ứng với sự biến động của các nội tiết tố có vai trò điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt.
Mất cân bằng tuyến giáp
Nghe có vẻ không liên quan nhưng tuyến giáp có vai trò khá quan trọng đối với chu kỳ kinh nguyệt. Các hormone tuyến giáp tác động trực tiếp đến chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới. Nếu nữ giới gặp phải tình trạng quá thừa hoặc quá ít các hormone này (cường giáp hoặc suy giáp) thì chu kỳ kinh nguyệt cũng trở nên bất thường hoặc mất hẳn kinh.
Cho con bú cũng là lý do mất kinh ở phụ nữ sau sinh
Với con số gần 50% phụ nữ cho con bú trong 6 tháng đầu tiên sau sinh hoặc hơn, cần nhìn nhận đúng về tác động của việc cho con bú lên chu kỳ kinh nguyệt. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc cho con bú mẹ hoàn toàn làm cho phụ nữ không có kinh nguyệt trong vài tháng đầu sau sinh (vô kinh), nhưng không có con số cụ thể về thời gian kéo dài hiện tượng này cũng như không có dấu hiệu nào cho thấy sự trở lại của chu kỳ. Đây là nguyên nhân dẫn đến mang thai ngoài ý muốn nếu không áp dụng các biện pháp tránh thai.
Nhằm ngăn chặn tình trạng này, nhiều phụ nữ sử dụng loại thuốc tránh thai chỉ chứa thành phần là progesterone. Bác sỹ Robbins cho biết: “Thuốc tránh thai đường uống chỉ chứa progesterone là cứu cánh tuyệt vời cho phụ nữ đang cho con bú vì nó không ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ. Đã có những kết quả nghiên cứu cho thấy estrogen làm giảm lượng sữa của người mẹ, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Hiện nay có nhiều biện pháp tránh thai an toàn cho phụ nữ ngay từ khi sinh xong và nữ giới có thể tiếp tục sử dụng các biện pháp tránh thai có chứa estrogen sau khi ngừng cho con bú”.
Lời kết
Kinh nguyệt bất thường sau khi sinh là hoàn toàn bình thường nếu người mẹ vẫn đang cho con bú. Nhưng nếu em bé đã cai sữa mẹ được nhiều tháng mà chu kỳ vẫn chưa trở lại bình thường thì các mẹ nên đi kiểm tra nồng độ nội tiết tố trong cơ thể để có biện pháp can thiệp kịp thời nếu có vấn đề gì xảy ra.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!