Lập thời gian biểu cho con là cách quan trọng giúp trẻ cảm thấy an toàn bởi trẻ biết mình sắp phải làm gì, sắp phải đối mặt với điều gì. Tuy nhiên làm cách nào để xây dựng và hình thành thói quen, kỷ luật dành cho trẻ? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp chi tiết các thắc mắc cũng như hướng dẫn ba mẹ các phương pháp hiệu quả.
Vì sao nên thiết lập thời gian biểu cho trẻ?
Thiết lập thời gian biểu là việc xây dựng một chuỗi một thói quen thường xuyên. Chẳng hạn trẻ nên ngủ dậy, ăn, chơi, hoạt động, … vào cùng một giờ trong ngày. Nghe có vẻ thật cứng nhắc. Tuy nhiên các chuyên gia tâm lý trẻ em giải thích rằng trẻ em cần những quy tắc và thói quen này vì một số lý do như:
- Để hiểu được giới hạn và ranh giới của mọi việc
- Học cách tự giác
- Trải nghiệm cảm giác thất vọng và hài lòng khi hoàn thành một công việc đúng giờ hoặc chậm trễ
- Dạy cho con biết về sự tự lập
Một khi trẻ hiểu được rằng buổi sáng bắt đầu bằng việc đánh răng rửa mặt, mặc quần áo, ăn sáng và sau đó đeo ba lô đi học, ba mẹ có thể sẽ không phải liên tục nhắc nhở hoặc hò hét thúc giục con. Tất cả mọi việc sẽ diễn ra theo một trình tự trơn tru bởi con luôn cảm thấy các công việc mình cần làm chỉ là một thói quen mà thôi.
Ngoài ra, ưu điểm của việc thiết lập thời gian biểu cho trẻ là con sẽ hiếm khi mè nheo, ăn vạ, khóc lóc, … vì trẻ biết được một ngày sắp tới của mình diễn ra như thế nào.
Cách thiết lập thời gian biểu cho con
Nếu trước đây con rất ít khi vào khuôn khổ với một thời gian biểu nhất định, ba mẹ giúp con từ từ thay đổi bằng cách xây dựng từng thói quen một. Chẳng hạn lúc đầu đặt thời gian biểu về giờ ăn, khi con đã quen thì chuyển sang giờ ngủ, giờ chơi, giờ làm bài tập, …
Có nhiều cách giúp trẻ nhận ra thời gian biểu của mình. Các chuyên gia gợi ý một số cách phổ biến như: Dán bảng các công việc cần làm lên chỗ bé dễ nhận thấy. Mỗi khi trẻ hoàn thành một công việc hãy tặng con một miếng sticker để con dán vào bên cạnh hoặc sử dụng đồng hồ nhắc nhở, …
Có thể mất từ vài tuần đến vài tháng để trẻ làm quen với thời gian biểu của mình nhưng quy tắc quan trọng nhất là từ từ, từng ít một. Sau một thời gian, trẻ sẽ trở nên quen thuộc với những công việc mà ba mẹ đặt ra. Khi đó con sẽ không cần bất kỳ lời nhắc nhở nào nữa.
Xây dựng quy tắc kỷ luật trong gia đình
Thiết lập thời gian biểu cũng có nghĩa là tuân theo các quy tắc giữa các thành viên trong gia đình. Là người làm cha làm mẹ, bạn cần có sự thống nhất và đề ra những quy tắc càng rõ ràng và cụ thể càng tốt.
Chẳng hạn trẻ chỉ có thể xem ti vi khi con đã hoàn thành bài tập, được chơi sau khi đã vệ sinh cá nhân sạch sẽ,…
Đi cùng với các quy tắc này là hình thức thưởng phạt nghiêm túc và rõ ràng. Trẻ nên được biết về hậu quả của những lần vi phạm các quy tắc. Ví dụ con sẽ không được đi chơi cuối tuần, chơi trò chơi, được phát tiền tiêu vặt, … Lưu ý là cách thiết lập kỷ luật cũng như phạt trẻ như thế nào nên phù hợp với lứa tuổi của con.
Linh hoạt với thời gian biểu của con
Đôi khi ba mẹ cần một chút linh hoạt. Có thể thỉnh thoảng cho trẻ được phép “vượt rào” bằng việc đi chơi khuya, ngủ muộn để xem sao, … Nhưng hãy nhớ rằng, khi mọi việc không được tuân thủ theo quy tắc, hãy giải thích cho con vì sao và chuyện này chỉ được phép diễn ra vào các dịp đặc biệt mà thôi.
Ngoài ra, thời gian biểu, quy tắc dành cho trẻ nên được điều chỉnh theo từng lứa tuổi của con. Một em bé trong độ tuổi chập chững sẽ cần thời gian biểu khác với bé mẫu giáo và càng khác với trẻ trong độ tuổi đi học.
Thiết lập thời gian biểu cho trẻ được xem là một phần của cách nuôi dạy con có kỷ luật. Lợi ích tuyệt vời của nó là ba mẹ sẽ không phải đối mặt với những cơn ăn vạ, gào khóc, phản kháng vô lý của trẻ. Đồng thời trẻ cũng luôn cảm thấy an toàn và tự lập với môi trường sống của mình.
Theo verywellfamily
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!