Khi lên ba, bé bỗng trở nên ngang bướng, thích làm theo ý mình, hay đòi hỏi, mè nheo, khóc lóc, ăn vạ, tranh giành, ghen tỵ, làm ngược ý cha mẹ, thậm chí là ném đồ đạc, có khi còn đánh lại người khác… đó chính là thời kỳ khủng hoảng tuổi lên ba.
Tuy nhiên, nếu tìm hiểu tâm lý của trẻ cùng với sự “khủng hoảng tuổi lên ba” này, bố mẹ sẽ không quá lo lắng, không vội vàng cho rằng con hư và sẽ có hướng dẫn con một cách phù hợp. Nếu không hiểu những phát triển của con, cha mẹ có thể sẽ đánh mắng khiến bé càng trở nên “lì”, “bướng” hơn.
Một điều mà cha mẹ cần hiểu trước, rằng con thay tính đổi nết như vậy là vì con đang lớn. Những hành động của con có thể là chưa đúng nhưng đều xuất phát từ sự trưởng thành chưa đầy đủ của con.
Một số biểu hiện của thời kỳ khủng hoảng tuổi lên ba ở trẻ
– Phản ứng tiêu cực: bé thường có biểu hiện không chịu phục tùng một số yêu cầu của người lớn.
– Ngoan cố: Bé kiên quyết nghiêng về phía sự thoả mãn đòi hỏi của bản thân, sự quyết định của mình. Nhiều khi bé đòi làm cho bằng được, không phải vì thật sự thích, mà là muốn bố mẹ phải chịu thua.
Khủng hoảng tuổi lên ba
– Tự tiện: Là xu hướng giải thoát khỏi người lớn. Bé tự mình làm điều gì đó mà không cần có ý kiến của người lớn. Thường bé chỉ hướng tới sự độc lập về mặt vận động, ở đây là sự vận động có chủ định và chủ kiến. Ví dụ: muốn đi chợ mua đồ cho mình, muốn cắt tóc cho em, muốn lái xe ôtô và muốn vẽ cả bức tranh to lớn,…
– Chống đối: Bé muốn làm trái lại những lời dạy dỗ và vi phạm những điều bị ngăn cấm
– Vô lễ với người lớn: Bé có biểu hiện nói trống không hoặc nói hỗn với người lớn như giơ tay đánh, cấu véo, hét to,… với người lớn.
Ở tuổi lên 3, trẻ có biểu hiện mong muốn thể hiện tính độc lập của bản thân vì vậy bé thường ngoan cố, có những phản ứng đối với những quyết định của chính mình…
Ở độ tuổi này, khả năng nhận thức của trẻ bắt đầu phát triển rõ rệt. Trẻ biết phân biệt giữa con gái – con trai, biết ba là nam giới – mẹ là nữ giới, biết ý thức về bản thân và bắt đầu nảy sinh những hành động khác với bình thường chỉ để nhằm mục đích khẳng định cái tôi nhỏ bé của mình.
Trẻ thích được khen hơn bị chê, trẻ thích tự ăn hơn được mẹ đút, trẻ thích tự chọn đồ mặc mỗi khi ra ngoài cùng ba mẹ…
Nguyên nhân bé trở nên bướng bỉnh
1. Bé bướng bỉnh vì con muốn tỏ rõ “quyền hạn” của mình
Nhiều bé ở tuổi này luôn luôn giành đồ chơi về phía mình, không cho người khác động tới những món đồ của mình. Bé cũng có thể nói “mẹ là của Bin” hoặc không cho người khác đến gần mẹ mình.
Khi bé có những biểu hiện này, cha mẹ không nên quát mắng bé, hay giật đồ chơi từ tay bé, mà cần nhẹ nhàng và kiên nhẫn giải thích cho bé hiểu cái nào là của bé, cái nào là của bạn, cái nào là của chung… Quan trọng hơn hết cha mẹ phải làm gương cho con thông qua sự quan tâm đến những người xung quanh, tạo cơ hội để con hướng đến với những hoạt động chia sẻ. Bạn đừng mong giải thích một lần bé sẽ tự động hiểu ngay, quá trình giải thích và thông cảm cần kiên trì và nhất quán với con, để con dần hiểu và nhận thông tin từ những lời giải thích từ cha mẹ.
Nếu bé có ý muốn thỏa đáng thì người lớn nên đồng tình và cho trẻ thực hiện. Ngược lại, trong trường hợp trẻ có những đòi hỏi quá quắt, người lớn cần tỏ thái độ thái độ nghiêm khắc và tuyệt đối không chiều theo ý trẻ. Trước đó phải giải thích cho bé hiểu lý do vì sao người lớn không chấp nhận ý muốn của bé để tránh việc bé chống đối lại người lớn.
Cha mẹ nên tránh dùng những lời nói mang tính “buộc tội” con là tham lam, hư đốn, không ngoan. Thật sự bé chưa hiểu được rằng không chia sẻ có nghĩa là tham lam, giật đồ chơi của bạn là hư đốn,… Cha mẹ cần diễn giải cho bé theo những cách mềm mỏng mà bé có thể hiểu được.
2. Bé chỉ làm theo ý mình bởi bé mong muốn độc lập
Ở tuổi này, bé nghĩ mình là trung tâm của gia đình và mong muốn độc lập, điều đó khiến bé luôn muốn làm theo ý mình. Nhưng bé chưa hiểu sự thoả hiệp giữa các lựa chọn mà chỉ khăng khăng đòi theo ý mình, do vậy, bé thường làm “sai” so với điều người lớn mong muốn ở trẻ, bắt người lớn làm theo ý mình…
Khi gặp tình huống này, thay vì ra lệnh, bắt bé phải làm theo ý mình, cha mẹ hãy khéo léo cho bé quyền lựa chọn trong một phạm vi thích hợp. Chẳng hạn: đừng la mắng để bắt bé mặc cái quần màu xanh, hãy hỏi bé là “con muốn mặc bộ quần áo xanh hay màu đỏ?”. Khi được quyền tự chọn, bé sẽ cảm thấy mình có “sự độc lập”, sẽ vui vẻ và hài lòng lựa chọn.
Bé ở tuổi này bắt đầu xuất hiện sự tự ý thức, bé ý thức được bản thân mình vì vậy người lớn nên giành thời gian trò chuyện với bé để hiếu mong muốn của bé, để khuyên bảo bé một cách nhẹ nhàng, khéo léo và cũng là để hiểu bé hơn cũng như cho bé hiểu hơn về thế giới xung quanh.
3. Bé đòi tự mình làm mọi việc vì bé đã lớn
Khi được 3 tuổi, các bé bắt đầu ý thức về khả năng của mình và muốn tự mình làm mọi việc, muốn chứng tỏ mình có thể làm được. Thế nhưng các ông bà, bà mẹ lại lo lắng là bé chưa có khả năng tự chăm sóc bản thân, hay làm sai nên thường không cho bé làm mà tự mình chăm sóc bé theo ý mình, không khuyến khích bé thực hiện theo ý mình. Trước sự bảo bọc này, bé lại tỏ ra chống đối, không cho bố mẹ mặc quần áo giùm, mà đòi tự mình làm chẳng hạn.
Nếu bé ăn vạ thì nên lờ đi chỗ khác hoặc đánh lạc hướng trẻ bằng cách thu hút trẻ tham gia các hoạt động khác. Khi cần xử phạt thì không nên đánh, mắng vì như thế sẽ làm cho cả cha mẹ và trẻ đều cảm thấy bị ức chế và có thể lần sau bé sẽ lặp lại những hành vi chống đối như thế.
Người lớn cần tạo cho trẻ cơ hội để trẻ tự phục vụ. Hãy hình thành tính độc lập tích cực cho trẻ bằng việc cho trẻ thực hiện một số thao tác tự chăm sóc bản thân của trẻ và tin tưởng vào khả năng đó của trẻ đồng thời cũng phải quan tâm hướng dẫn trẻ kịp thời để tránh hình thành những thói quen xấu.
Người lớn cần khuyến khích bé làm theo những yêu cầu của mình thay vì áp đặt bé làm theo, cần giải thích cho bé hiểu vì sao phải như vậy và bày tỏ thái độ tôn trọng bé cũng như tôn trọng những việc làm và khả năng của bé.
Người lớn hãy tạo một môi trường đồ chơi và vui chơi thoải mái cho bé. Ngoài việc chơi đóng vai thì có thể cho trẻ theo học các hoạt động năng khiếu vẽ, đàn, thể thao…
Ông bà cha mẹ nên nhìn nhận đây là cơ hội rất tốt để khuyến khích bé tự lập bằng cách để bé tự làm những việc cá nhân của mình như: tự mặc quần áo, tự xúc ăn, tham gia giúp việc nhà theo khả năng của bé như dọn bàn ăn, đi bỏ rác vào thùng, giúp mẹ nhặt rau, lấy nước cho bố…
Ở đây mọi thứ xử lý trong sự tôn trọng, giải thích và thỏa thuận với bé chứ tuyệt đối không thỏa hiệp với bé. Cái gì sai là Bố Mẹ phải nhất quán giải thích và nhất định không thỏa hiệp với cái sai mà bé làm hay mong muốn. Bố mẹ chỉ cần một lần thỏa hiệp, đó có thể là một vết trượt dài cho những lần sau và đi đến bất trị cho Bố Mẹ về lâu dài sau này.
Nguồn – TH – Phu Nu Today
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!