Rất nhiều chị em cảm thấy có sự thay đổi về cả tâm lý lẫn thể chất trong những ngày trước ngày hành kinh. Đó chính là dấu hiệu của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS).
PMS là tổ hợp các triệu chứng về rối loạn cảm xúc, thể chất và tâm lý xảy ra sau thời kỳ rụng trứng của một người phụ nữ và sẽ kết thúc khi bắt đầu hành kinh. Theo thống kê, có hơn 90% chị em gặp hội chứng này trong chu kỳ.
Các biểu hiện của hội chứng tiền kinh nguyệt
PMS có thể gây ra rất nhiều triệu chứng khác nhau, song hầu hết các chị em chỉ mắc phải một vài trong số những biểu hiện sau đây:
Các triệu chứng về thể chất
- Đau bụng tiền kinh nguyệt
- Đau đầu
- Sưng chân hoặc tay
- Thay đổi cảm giác thèm ăn và khát nước
- Mệt mỏi
- Các triệu chứng về tiêu hóa
- Ngực mềm đi
- Phù và tăng cân
- Đau nhức toàn thân
- Các vấn đề về da
Các triệu chứng về tinh thần
- Thường phải ngủ chợp mắt
- Cảm thấy phiền muộn
- Hay nhầm lẫn
- Mất ngủ
- Kém tập trung
- Cảm thấy bị mọi người xa lánh
- Hay cáu gắt, giận dữ
- Cảm thấy lo lắng, bồn chồn
- Thay đổi ham muốn tình dục
Phương pháp chẩn đoán hội chứng tiền kinh nguyệt
Để chẩn đoán chính xác nhất hội chứng tiền kinh nguyệt, các bác sĩ cần xác định một số dấu hiệu của bệnh nhân:
- Các biểu hiện diễn ra trong 5 ngày trước khi kỳ kinh nguyệt mới bắt đầu và lặp lại ít nhất trong 3 chu kỳ liên tiếp
- Triệu chứng thường sẽ kết thúc trong vòng 4 ngày sau khi kỳ kinh nguyệt mới bắt đầu
- Những tác động, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân
Chính vì thế, nếu có thể các chị em hãy ghi chú lại tất cả những biểu hiện đã xảy ra trong 2 – 3 tháng trước khi thăm khám. Cụ thể, các triệu chứng đó xuất hiện vào ngày nào trong tháng và thời điểm bắt đầu kinh nguyệt.
Nguyên nhân nào dẫn đến PMS?
Cho đến này, y học vẫn chưa xác định nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng tiền kinh nguyệt. Tuy nhiên theo nghiên cứu, có một số yếu tố có thể kích thích tình trạng này:
- Hormone thay đổi theo chu kỳ: Thông thường, các biểu hiện của hội chứng này sẽ thay đổi theo biến động của nội tiết tố và sẽ biến mất khi mãn kinh hoặc khi mang thai.
- Trầm cảm: Một số chị em mắc phải PMS nghiêm trọng có mắc bệnh trầm cảm chưa qua chẩn đoán. Dù vậy, chỉ riêng trầm cảm không gây ra tất cả triệu chứng của PMS.
- Thay đổi hóa chất não: Nồng độ serotonin – một chất dẫn truyền thần kinh, được cho rằng đóng vai trò chủ chốt ảnh hưởng đến tình trạng tâm lý. Khi nồng độ này dao động có thể gây ra PMS. Theo đó, không đủ lượng serotonin sẽ gây mệt mỏi, thèm ăn, khó ngủ,… trước khi hành kinh.
Cách khắc phục hội chứng tiền kinh nguyệt
Nếu chỉ xảy ra ở mức độ nhẹ hoặc trung bình thì chị em hoàn toàn có thể khắc phục PMS tại nhà bằng cách thay đổi chế độ ăn uống hoặc lối sống. Khi các triệu chứng tiền kinh nguyệt có dấu hiệu can thiệp vào đời sống, việc điều trị bằng thuốc có thể do bác sĩ quyết định.
Tuy nhiên, các bác sĩ chỉ cho người bệnh dùng thuốc trong những trường hợp nghiêm trọng, nhằm hạn chế tối đa các tác dụng phụ không mong muốn.
Tập thể dục hàng ngày
Hãy dùng ít nhất 30 phút mỗi ngày để đi bộ, bơi lội hoặc các hoạt động aerobic. Tập thể dục thường xuyên, đều đặn không chỉ giúp cải thiện sức khỏe rõ rệt, mà còn có thể làm giảm nhẹ các triệu chứng nhất định như mệt mỏi, tâm trạng chán nản,…
Ngoài ra, rèn luyện thả lỏng cơ bắp, các bài tập hít thở sâu hoặc tập Yoga, đi massage cũng là những giải pháp giải tỏa căng thẳng khi đang mắc PMS.
Thay đổi chế độ ăn uống
Những thay đổi trong thực đơn ăn uống hàng ngày cũng có khả năng làm giảm các biểu hiện của hội chứng tiền kinh nguyệt:
- Ăn ít hơn và chia thành nhiều bữa
- Hạn chế ăn muối và đồ ăn mặn
- Bổ sung thực phẩm giàu canxi vào bữa ăn hàng ngày
- Tránh uống bia, rượu và các loại đồ uống chứa cafein như cà phê, trà đặc
- Thiết lập chế độ ăn giàu carbohydrate phức hợp để làm dịu các triệu chứng bất thường trong tâm trạng và cảm giác thèm ăn. Carbohydrate phức hợp thường có nhiều trong ngũ cốc nguyên hạt, gạo nâu, lúa mạch, đậu lăng,..
Sử dụng thuốc
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng PMS mà bác sĩ có thể kê một hoặc một số loại thuốc điều trị hội chứng này. Hiệu quả sử dụng thuốc còn tùy theo thể trạng từng người. Các loại thuốc với các chức năng phổ biến nhất gồm có:
- Lợi tiểu: Uống thuốc lợi tiểu có thể giúp bạn thải các chất lỏng thừa qua thận khi việc tập thể dục và cắt giảm lượng muối không đủ để ngăn chặn việc tăng cân, sưng hay đầy hơi do PMS.
- Chống trầm cảm: Được chỉ định sử dụng trong 2 tuần trước khi kỳ kinh nguyệt bắt đầu.
- Tránh thai: Loại thuốc này được kê đơn nhằm tạm dừng quá trình rụng trứng. từ đó làm dịu đi các triệu chứng tiền kinh nguyệt.
- Chống viêm, không chứa steroid: Uống trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt, loại thuốc này có thể làm giảm đau bụng kinh và căng cứng đầu ngực.
Hội chứng tiền kinh nguyệt là tình trạng rất phổ biến ở các chị em phụ nữ. Mức độ của hội chứng này thường không quá nguy hiểm và hoàn toàn có thể khắc phục bằng thuốc hoặc những thay đổi trong sinh hoạt, ăn uống.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!