Hội chứng ống cổ tay không phải là tình trạng hiếm gặp ngày nay. Vậy bạn đã biết gì về hội chứng này? Hội chứng này có ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe, có ảnh hưởng gì đến mẹ bầu và mẹ sau sinh không? Hãy cùng tìm hiểu nhé.
Hội chứng ống cổ tay là gì?
Đây là tình trạng các ngón tay và bàn tay bị đau, tê bì, có khi còn lan rộng lên cẳng tay hay cánh tay, thường xuất hiện sau chấn thương vùng cổ tay hoặc cơn đau thấp khớp. Hội chứng này cũng hay xảy ra vào giữa và cuối thai kỳ của nhiều sản phụ. Bệnh sẽ trở nên tồi tệ theo thời gian nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Dây thần kinh giữa là 1 trong những dây thần kinh chính ở bàn tay, có chức năng cảm nhận cảm giác ở ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn; đồng thời chịu trách nhiệm vận động cho các cơ xung quanh gốc ngón tay cái. Dây thần kinh giữa mềm nhất, nằm nông nhất khi đi qua ống cổ tay nên dễ bị tổn thương do chèn ép nhất, gây ra hội chứng ống cổ tay.
Nhiều tác nhân liên quan có thể gây chèn ép thần kinh giữa từ bên ngoài như chấn thương hay từ bên trong như các bệnh về khớp.
Nguyên nhân gây ra hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay là hệ quả của nhiều yếu tố kết hợp lại. Các nguyên nhân của hội chứng này bao gồm:
- Giới tính: phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới do có đường hầm ống cổ tay nhỏ hơn
- Hoạt động của tay: Việc lặp đi lặp lại cùng 1 chuyển động hoặc thực hiện các hoạt động uốn cong/gập duỗi quá mức bàn tay và cổ tay trong thời gian dài có thể làm tổn thương gân cổ tay, gây sưng viêm và áp lực lên dây thần kinh
- Phụ nữ mang thai có thay đổi nội tiết tố có thể gây sưng viêm các thành phần trong ống cổ tay
- Bệnh lý như béo phì, tiểu đường, viêm khớp, rối loạn chức năng tuyến giáp, suy thận cũng có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng này
- Tổn thương ở cổ tay do viêm khớp, viêm dây chằng hay chấn thương như gãy xương, trật khớp… làm thay đổi không gian trong ống cổ tay và gây áp lực lên dây thần kinh giữa.
Dấu hiệu, triệu chứng của hội chứng ống cổ tay
Các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay thường bắt đầu từ từ, bắt đầu từ cảm giác tê hoặc ngứa ran ở ngón tay cái và ngón giữa. Ngoài ra 1 số triệu chứng có thể kể đến gồm:
- Cảm giác các ngón tay sưng phồng mơ hồ
- Tay tê bì, chủ yếu ở ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn; có lúc tê cả bàn tay. Tê tay xuất hiện về đêm và giảm đi khi nâng tay cao hoặc vẫy cổ tay.
- Đau hoặc ngứa ran có thể đi lên cẳng tay về phía vai
- Tay yếu và vụng về, đau cơ, chuột rút, có xu hướng thả rơi đồ đang cầm, khó khăn khi thực hiện 1 số động tác như cầm nắm đồ vật, lái xe, đọc sách…
Phương pháp điều trị
Bệnh về ống cổ tay nên được điều trị càng sớm càng tốt từ khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Nếu được chẩn đoán sớm, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp điều trị không phẫu thuật để cải thiện tình trạng như:
- Cố định cổ tay bằng nẹp trong khi ngủ để giảm các triệu chứng ban đêm của cảm giác ngứa và tê.
- Giảm đau trong ngắn hạn bằng thuốc như corticosteroid, có tác dụng làm giảm viêm sưng, giảm áp lực lên dây thần kinh giữa
- Thường xuyên nghỉ ngơi để thả lỏng tay, tránh các hoạt động làm trầm trọng thêm triệu chứng, chườm lạnh để giảm sưng
- Vật lý trị liệu.
Nếu triệu chứng đã trầm trọng hơn hoặc không thể điều trị bằng phương pháp khác, người mắc bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật để giảm áp lực bằng cách cắt dây chằng nhấn trên dây thần kinh giữa. Có 2 kỹ thuật phẫu thuật:
- Phẫu thuật nội soi: bác sĩ sử dụng thiết bị có máy ảnh nhỏ gắn vào để xem xét bên trong ống cổ tay, sau đó phẫu thuật cắt dây chằng qua 1 – 2 vết rạch nhỏ trên cổ tay hoặc trong lòng bàn tay
- Phẫu thuật mở: bác sĩ rạch từ lòng bàn tay qua ống cổ tay và cắt xuyên qua dây chằng để giải phóng dây thần kinh. Sau phẫu thuật các mô dây chằng dần trở lại với nhau trong khi dây thần kinh có nhiều chỗ hơn. Cổ tay thường mất vài tháng để phục hồi hoàn toàn
Nếu hội chứng ống cổ tay do nguyên nhân viêm khớp dạng thấp hoặc các dạng viêm khác, việc điều trị viêm có thể làm giảm triệu chứng của hội này.
Hội chứng ống cổ tay khi mang thai và sau sinh
Ở mẹ bầu, hội chứng ống cổ tay thường xảy ra ở tam cá nguyệt thứ 2 hoặc thứ 3. Nếu mẹ có tiền sử mắc hội chứng này ở lần mang thai trước thì ở các lần sau cũng có thể bị lại. Sau khi sinh con, hội chứng ống cổ tay có thể tiếp tục hoặc thậm chí phát triển.
Mẹ bầu mắc hội chứng này do nhiều nguyên nhân, có thể do vị trí để tay trong lúc ngủ làm máu không lưu thông; 1 yếu tố khác là mẹ tăng cân quá nhanh, thừa cân khi mang thai, mẹ mang đa thai, ngực phát triển quá mức khi mang bầu…
Hội chứng ống cổ tay gây nhiều khó chịu cho mẹ bầu khi thường xảy ra ban đêm làm mẹ mất ngủ, khó ngủ; dần dần, bàn tay bị yếu đi ảnh hưởng đến khả năng vận động.
Khi bị hội chứng này, bà bầu nên nghỉ ngơi những quãng ngắn trong khi làm việc, dành thời gian rung lắc, xoay cổ tay để cải thiện lưu thông máu. Nẹp cổ tay cũng là phương pháp hữu hiệu để giảm cơn đau vào ban đêm.
Để ngăn ngừa hội chứng ống cổ tay khi mang thai, chị em nên thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý và duy trì mức cân nặng ở mức ổn định, hạn chế sử dụng muối, chất béo và đường; ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước; tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin B6 như bơ, tỏi, vừng, hạt hướng dương, thịt nạc, rau có màu xanh đậm, cá thu, cá ngừ, cá hồi…. nhằm thúc đẩy sức khỏe hệ thần kinh.
Kết luận
Đến nay vẫn không có biện pháp nào được chứng minh có thể ngăn ngừa hội chứng ống cổ tay, tuy nhiên các bạn hoàn toàn có thể giảm thiểu căng thẳng trên tay và cổ tay nhờ những biện pháp đơn giản như cải thiện tư thế, thường xuyên nghỉ ngơi, thư giãn khi có thể…
Hội chứng ống cổ tay có thể gây đau đớn và cản trở cuộc sống thường ngày. Các bạn nên nắm được triệu chứng để kịp thời nhận ra dấu hiệu của bệnh và can thiệp trong thời gian sớm nhât. Chẩn đoán và điều trị sớm là cách tốt nhất để ngăn ngừa tổn thương thần kinh vĩnh viễn.
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!