Mới đây, trung tâm Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, vừa thực hiện ca phẫu thuật đón em bé sơ sinh khổng lồ có cân nặng lên tới 5,1 kg cho sản phụ trú tại TP Việt Trì.
BSCKI Vũ Thị Thanh Hương, Trưởng khoa Phụ ngoại – Phụ nội tiết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết cả ekip phẫu thuật đã rất bất ngờ khi bé trai có cân nặng lên tới 5,1 kg. Các y bác sĩ gửi lời chúc mừng gia đình và chúc bé khỏe mạnh.
Đây là trường hợp trẻ sơ sinh nặng cân nhất được ghi nhận tại Trung tâm Sản nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Hiện nay, sức khỏe của sản phụ và em bé ổn định. Hai mẹ con đang được chăm sóc tại bệnh viện.
Theo thông tin từ phía người nhà, đây là lần sinh đầu tiên của sản phụ. Gia đình đặt tên ở nhà cho con là Sữa.
Trẻ thừa cân sơ sinh chưa hẳn là tốt
Khảo sát của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho thấy những trẻ sinh ra có cân nặng sơ sinh trên 3,5 kg có nguy cơ bị thừa cân cao hơn 2,4 lần so với trẻ có cân nặng thấp hơn mức này.
Và những trẻ này nếu không được bú sữa mẹ thì nguy cơ thừa cân sau này sẽ tiếp tục tăng lên vì theo bác sĩ Nguyễn Thanh Danh, Trung tâm Dinh dưỡng, nếu trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ thì nguy cơ thừa cân sẽ cao hơn 2,8 lần so với trẻ được bú sữa mẹ.
Những trẻ thừa cân sơ sinh dễ mắc những bệnh mãn tính như: đái tháo đường, tăng huyết áp, mạch vành, sỏi mật, ung thư… khi lớn lên.
Hiện nay, mặc dù biết được nguy cơ mắc những bệnh mãn tính của trẻ thừa cân sơ sinh nhưng việc theo dõi trẻ sau này rất khó khăn.
Bác sĩ Ngô Minh Xuân cho biết, các BV phụ sản chỉ có thể theo dõi trẻ trong thời gian ngắn sau khi chào đời, còn giai đoạn sau cần phải có sự theo dõi chặt chẽ của gia đình về chế độ ăn, dinh dưỡng và vận động hợp lý.
Cha mẹ trẻ cần biết được những chỉ số phát triển cân đối giữa cân nặng, chiều cao và độ tuổi để theo dõi sự phát triển của trẻ và hạn chế nguy cơ mắc bệnh cho trẻ.
Không nên quá chú trọng cân nặng của mẹ và bé
Từ trước đến nay, nhiều bà mẹ vẫn muốn con mình sinh ra trông thật bụ bẫm nên quan niệm không phải ăn cho mình mà ăn cả cho con đang trong bụng. Vì vậy, họ ra sức ăn và tăng cân một cách quá mức.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Minh Xuân, đây chính là quan niệm sai lầm. Trẻ nặng hơn 3,8 kg có thể mắc nhiều bệnh lý khác nhau như hạ đường huyết, suy hô hấp, hồng cầu đậm đặc gây vàng da do hầu hết mẹ của chúng mắc bệnh tiểu đường.
Vì vậy, trẻ cần được theo dõi chặt chẽ, nhất là những ngày đầu sau sinh để hạn chế những biến chứng. Đặc biệt, những thai phụ tăng cân từ 15 kg trở lên trong lúc mang thai dễ sinh em bé sơ sinh khổng lồ.
Nếu trẻ có cả cha và mẹ thừa cân thì nguy cơ thừa cân của trẻ cũng tăng từ 3,4 đến 6,2 lần so với trẻ có cha mẹ bình thường.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của TheAsianParent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!