Cũng giống như hồi đi học, phụ huynh ta không biết nói gì với cô giáo thì giờ đây, đặt địa vị mình vào chỗ đó, mình nên đối thoại với thầy cô của con thế nào?
Gia đình, nhà trường và xã hội! Đây là ba thứ không thể tách rời được. Nếu như trước đây, việc liên hệ với nhà trường chỉ thông qua những cuốn sổ liên lạc khô khan, ít cập nhật thì nay, phụ huynh đã có thêm những công cụ để giúp cho việc liên hệ dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, việc cập nhật thông tin hàng ngày giúp chúng ta nắm bắt được tình hình học tập của con, tâm sinh lý con ở trường.
Nhưng đó là công nghệ!
Cũng phải có lúc, bạn đến trường gặp thầy cô. Nếu gõ bàn phím và bấm điện thoại đơn giản, việc đói thoại với thầy cô của con – mặt đối mặt – lại là vấn đề hoàn toàn khác.
Đối thoại với thầy cô của con: Phụ huynh lo ngại những gì?
Tâm lý e ngại tồn tại ở cả hai bên
Tôi hiểu rằng, phụ huynh khi phải đến đối thoại với thầy cô của con thường có tâm lý e ngại. Một số câu hỏi đặt ra ở đây là:
– Con mình làm gì sai nhỉ?
– Nó bắt nạt bạn bè? Hay đánh nhau?
– Bị điểm kém? Hay đốt sổ đầu bài?
– Ăn cắp? Chả lẽ lại là ăn cắp…?
– Thầy cô định nói gì với mình ? Khen hay chê nhỉ ?
– Nhỡ thầy cô phản ánh xấu, mình sẽ phản ứng ra sao ?
…
Rất nhiều câu hỏi hiện ra trong đầu phụ huynh lúc này. Điều này tạo tâm lý bối rối khi đối thoại với thầy cô của con.
Tâm lý người trong cuộc
Hãy cùng lắng nghe tâm sự từ chính người trong cuộc – một giáo viên từ Đại học FPT.
Trước khi là giáo viên, thầy cô cũng từng là học sinh
“Các thầy cô giáo đang vô cùng lúng túng. Thầy cô không còn là một nguồn tri thức duy nhất nữa. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin trong những năm gần đây, đã phá vỡ uy tín truyền trống của các thầy cô.
Trò cần kiến thức? Google một phát ra ngay. Thầy cô phải uốn lưỡi chắc hơn 7 lần trước khi phát biểu.
Phụ huynh cũng đang lúng túng. Kiến thức không đủ, không biết tư vấn cho con thế nào. Không biết muốn cho nó thành ông này bà kia hay chỉ là người hữu ích. Thông tin ngành nghề xã hội thì vô cùng đa dạng.
Đọc xong bảo đảm ong đầu. Ông con thì suốt ngày thấy học thêm. Về đến nhà lại chui tọt vào phòng mạng mẽo. Có trời biết đang làm gì. Cũng ko biết phải tâm sự với ai.
Học trường quốc tế thì đắt, lại sợ mất gốc. Học trường có tên tuổi, đến họp thì chỉ biết ngồi im, đóng đủ tiền hội rồi về. Đâu dám kêu ca thắc mắc”.
Vậy đấy! Thực ra, tâm lý của phụ huynh thế nào, các thầy cô cũng biết. Nói đơn giản hơn, người chịu áp lực nhiều nhất ở đấy chính là giáo viên. Vừa phải đào tạo các con đúng bài bản, vừa phải chịu áp lực từ phụ huynh.
Đối thoại với thầy cô của con: Hãy hỏi những điều cần thiết!
Dường như những vấn đề như vậy sẽ không bao giờ dứt trong những cuộc tranh luận về trách nhiệm của gia đình và nhà trường. Vì vậy việc hiểu rõ và phân định trách nhiệm của hai bên sẽ tránh được những hiểu lầm không đáng có.
Dưới đây là một số những câu hỏi giúp phụ huynh có thể hiểu rõ những gì đang diễn ra trong lớp học và sau đó họ sẽ biết cần phải làm gì ở nhà để hỗ trợ con. Một số câu hỏi dường như hơi tế nhị và có thể khiến cho giáo viên cảm thấy không hài lòng.
Nhưng nếu phụ huynh khéo léo, có lẽ vẫn hỏi được.
Thầy cô là người hiểu con mình!
Những câu hỏi đúng trọng tâm để hiểu hơn về con mình
– Thầy cô đã sử dụng các thang đánh giá như thế nào? Làm thế nào để tôi có thể hiểu được cách đánh giá của các thầy cô?
– Tôi sẽ phải làm gì khi con gặp khó khăn khi học trên lớp?
– Những nội dung nào là khó khăn và phức tạp nhất mà con bắt buộc phải nắm được khi kết thúc năm học?
– Thầy cô có thể cho tôi biết về những điểm mạnh nhất và yếu nhất của con?
– Trong các giờ học hàng ngày thầy cô đã phát triển tư duy phản biện của con như thế nào?
– Hệ thống đánh giá mà thầy cô sử dụng đã thúc đẩy tạo động lực cho con như thế nào?
– Làm thế nào để tôi có thể hỗ trợ con phát triển ngôn ngữ ở nhà?
– Thầy cô có thể gợi ý cho tôi một số câu hỏi mà tôi có thể hỏi con?
Việc trao đổi giữa nhà trường và gia đình rất quan trọng!
– Các thầy cô đã ghi nhận sự tiến bộ của con bằng cách nào
– Các chiến thuật, kĩ thuật dạy học mà thầy cô sử dụng thường xuyên nhất trong năm học này là gì?
– Thầy cô đã sử dụng những cách tiếp cận mới nào trong việc dạy học? Nếu có thể hãy cho tôi biết hiệu quả của nó?
– Chúng tôi nên sử dụng các nguồn tài liệu ở đâu để có thể hỗ trợ được con?
– Điều gì mà tôi đã bỏ quên không hỏi thầy cô?
– Làm thế nào để tôi có thể nhận ra những gì con đang nói dối về lớp học?
– Nếu con tôi cần hỗ trợ riêng, tôi sẽ phải làm như thế nào?
Lời kết
Tạo ra sự thoải mái trong giao tiếp khiến phụ huynh và thầy cô hiểu nhau hơn
Đối thoại với thầy cô của con không hề khó. Quan trọng là cách mà bạn tiếp cận như thế nào mà thôi. Hãy nhớ, trước khi là giáo viên, thầy cô cũng từng là học sinh. Những trò ma mãnh hồi xưa chắc cũng không thay đổi nhiều đâu. Tự tin lên nhé! Tất cả vì tương lai con em chúng ta.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của TheAsianParent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!