Điều kiện để hưởng chế độ thai sản 2021 như thế nào đối với lao động nữ theo đúng pháp luật hiện hành? Những ai nằm trong đối tượng này và các cột mốc nghỉ thai sản mẹ bầu nên nắm?
Những ai sẽ được hưởng chế độ thai sản 2021 theo quy định của pháp luật?
Theo Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) số 58/2014/QH13, người lao động tham gia BHXH bắt buộc được hưởng chế độ thai sản cho nữ:
- Đang mang thai
- Sinh con
- Mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ
- Nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi
- Đặt vòng tránh thai, triệt sản.
Và những chị em thuộc đối tượng nào sẽ được xét điều kiện để hưởng chế độ thai sản??
- Theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
- Cán bộ, công chức, viên chức;
- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.
Thai phụ nào đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản 2021?
Nếu đã nằm trong những đối tượng trên thì những điều kiện để hưởng chế độ thai sản 2021 là gì?
- Đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh hoặc nhận nuôi con nuôi: đối với lao động nữ sinh con, nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi hay người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ.
- Khi lao động nữ sinh con đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh.
Ngoài ra, người lao động nữ đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên mà chấm dứt hợp đồng lao động hoặc thôi việc trước khi sinh hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ này.
Người chồng – là lao động nam mà đang đóng BHXH có vợ sinh con cũng đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản 2021.
Tuy nhiên, trong năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nhiều khả năng cơ quan/công ty thai phụ cho nghỉ không lương. Do đó, hãy đảm bảo kiểm tra với công ty về việc đóng BHXH, để tránh bị đứt quãng và vô tình không đáp ứng đủ điều kiện.
Các cột mốc nghỉ chế độ thai sản lao động nữ nên nắm
Trong thai kỳ
Theo quy định tại Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày. Trường hợp ở xa cơ sở khám, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.
Thời gian nghỉ tính theo ngày làm việc, không bao gồm lễ, Tết, hày ngày nghỉ hàng tuần.
Thời gian nghỉ thai sản sau khi sinh
Nếu đáp ứng đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản 2021 thì lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản:
- Trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
- Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước sinh tối đa không quá 02 tháng.
Thời gian nghỉ ngơi nếu không may bị sảy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý
Đây là những trường hợp không may trong thai kỳ mà không một người phụ nữ nào muốn bản thân phải trải qua. Tuy nhiên, pháp luật nhà nước luôn muốn đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho lao động nữ, nên lúc này lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa sẽ tuỳ theo từng trường hợp, cụ thể là:
- 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;
- 20 ngày nếu thai từ 05 – 13 tuần tuổi;
- 40 ngày nếu thai từ 13 – 25 tuần tuổi;
- 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
Thời gian nghỉ tính theo ngày làm việc, không bao gồm lễ, Tết, hày ngày nghỉ hàng tuần.
Quyền lợi được yêu cầu nghỉ thêm nếu sức khoẻ chưa phục hồi
Điều 41 Luật Bảo hiểm Xã hội nêu rõ, ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản (sinh con, sảy thai, nạo, hút thai…), trong khoảng 30 ngày đầu làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi thì lao động nữ được quyền nghỉ thêm để dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ. Thời gian nghỉ thêm tối đa là:
- 10 ngày nếu sinh một lần từ 02 con trở lên;
- 07 ngày nếu sinh con phải phẫu thuật;
- 05 ngày đối với các trường hợp khác.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.
Luật pháp tuỳ vào từng thời điểm sẽ có những thay đổi để phù hợp với xã hội và nhu cầu người dân. Vì thế, mẹ hãy luôn theo dõi tin tức để có thể nắm rõ những thay đổi (nếu có). Hoặc nhờ đến trung tâm luật pháp để được tư vấn tuỳ vào từng trường hợp cụ thể.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!