Dạy trẻ tự bảo vệ bản thân là việc phụ huynh nào cũng nên chú ý nhưng không phải ai cũng biết cách dạy con đúng. Tự bảo vệ là kỹ năng cơ bản nhất để con có thể phát triển khoẻ mạnh, an toàn và lành mạnh. Một số cách dưới đây có thể giúp bố mẹ có cái nhìn cụ thể hơn về việc dạy con những năm đầu đời để trẻ có nền tảng và khả năng tự bảo vệ mình.
1. Khuyến khích con thể hiện cảm xúc và hiểu cơ thể
Dạy con chia sẻ cảm xúc là cần thiết
Ngay từ những năm đầu đời, bố mẹ nên chú ý đến việc con biểu hiện những cảm xúc lo lắng, sợ hãi, buồn, vui của con. Chú ý xem bé có thể hiện đúng cảm xúc cần có không, và dạy con hiểu về những cảm giác diễn ra bên trong mình. Đồng thời hướng dẫn trẻ nhận biết những phản xạ tự nhiên của cơ thể khi gặp tình huống nguy hiểm như tim đập nhanh, muốn khóc, buồn nôn, tay chân run, đổ mồ lạnh. Từ khi trẻ còn nhỏ, hãy dạy con cách bày tỏ cảm xúc và chia sẻ cảm giác với bố mẹ ngay khi có gì bất thường hay khó chịu.
2. Dạy con phân biệt, chia sẻ cảm giác an toàn và không an toàn
Hướng dẫn bé tình huống an toàn và không an toàn
Dạy trẻ tự bảo vệ bản thân, bố mẹ phải dạy con nhận biết tình huống không an toàn cần tự vệ. Trẻ con có thể chưa hiểu được nhiều tình huống và phân biệt được lúc nào là an toàn và lúc nào nguy hiểm.
Vì thế người lớn cần đưa ra nhiều tình huống giả định, hướng dẫn con nhận biết và giải thích, hướng dẫn cho con nên làm gì để tự bảo vệ mình. Từ đó mỗi khi có cảm giác không đúng, bé sẽ nhớ lời bố mẹ hoặc tìm đến để nói chuyện, hỏi hay kể với bố mẹ.
3. Giúp trẻ chọn người tin cậy để nhờ giúp đỡ
Bố mẹ không thể ở bên cạnh con mọi lúc mọi nơi. Hãy giúp trẻ chọn ra vài người đáng tin cậy và hướng dẫn cho con tìm đến những người này nếu bố mẹ không có mặt và con cảm thấy nguy hiểm.
Chẳng hạn như giải thích và dạy con khi lo lắng hay sợ hãi, cảm thấy bị đe doạ thì nên lặp tức tìm đến cô giáo, chú cảnh sát, cô/dì/chú/bác thân thiết đáng tin cậy của gia đình, chú bảo vệ. Chú ý nên chọn những người bố mẹ hiểu rõ và cảm thấy an toàn để giao con cho, đồng thời giữ liên lạc với những người này để có thể liên hệ ngay khi có vấn đề.
4. Dạy con về ranh giới tiếp xúc cơ thể để tự bảo vệ bản thân
Cho bé biết nắm tay, đập tay hay hôn gió cũng là cách thể hiện cảm xúc, không cần ôm hôn
Giải thích cho bé hiểu mỗi người đều có ranh giới trên cơ thể mà không ai được phép chạm vào hay vượt qua. Con có quyền nói không, từ chối khi có người muốn vượt qua. Chẳng hạn con có quyền nói không với hành động ôm chặt, hôn má, nựng má, hôn môi.
Hãy dạy cho con về ranh giới này, rằng không ai được chạm vào thân thể bên trong áo quần con, không được động vào vùng kín, hay nựng ở các vùng trên cơ thể. Thậm chí nếu trẻ cảm thấy không thoải mái khi được hôn lên mặt, hãy cho con hoàn toàn quyền quyết định và cho phép bé từ chối. Bên cạnh đó, cũng hãy chỉ cho con có những cách thể hiện cảm xúc như đập tay, hôn gió mà không cần phải tiếp xúc cơ thể.
5. Hướng dẫn trẻ cách nói không
Để dạy trẻ tự bảo vệ bản thân, phụ huynh cũng chú ý dạy con về việc từ chối, cách nói không. Hãy hướng dẫn con lắng nghe cảm xúc không đồng ý của mình, cũng như nhận biết tình huống nguy hiểm và có hành động từ chối.
Việc từ chối nên đi kèm tư thế và lời nói. Tư thế nói “Không” là hai tay chống hông, hai chân hơi tách ra, hai vai mở rộng và đầu ngẩng cao hoặc hai tay tự vệ trước ngực, chân lùi lại ở tư thế thủ.
Phụ huynh nên hướng dẫn trẻ thực hiện các tư thế trên thường xuyên đi kèm nói “Không”, “Dừng lại”, “Tôi không thích/không muốn”… Tư thế này sẽ giúp trẻ tự tin hơn, hữu ích trong tình huống bị bắt nạt hoặc có ai cố ý chạm vào phần riêng tư trên cơ thể bé. Phụ huynh hãy huấn luyện trẻ thực hiện động tác trên khi 4-5 tuổi và trẻ sẽ hình thành thói quen này đến khi trưởng thành.
Biết nói không để tự bảo vệ mình
6. Hãy gọi đúng tên và chức năng các bộ phận trên cơ thể
Ngay khi trẻ có thể nhận thưc và thấu hiểu, phụ huynh cần đảm bảo trẻ nắm rõ tên gọi, chức năng các bộ phận trên cơ thể, đặc biệt dạy con phân biệt các bộ phận riêng tư. Hãy giải thích với con rằng, riêng tư nghĩa là chỉ dành riêng cho trẻ, người ngoài không được phép chạm vào. Hướng dẫn con nhận thấy dấu hiệu nguy hiểm khi có người muốn động chạm nơi riêng tư và dạy con thằng thừng từ chối bằng cách nói “Không”, “Dừng lại” và báo với người lớn ngay lập tức.
Có rất nhiều cách dạy trẻ tự bảo vệ bản thân, nhưng để thành thói quen cho con, bố mẹ nên kiên nhẫn giải thích, hướng dẫn trẻ xử lý từ khi còn nhỏ, đừng la mắng hay đổ lỗi cho con khi con bị bắt nạt.
Xem thêm:
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!