Dạy bé các con vật quen thuộc, một việc tưởng chừng như đơn giản với các bé lớn nhưng lại khiến nhiều ba mẹ mới nuôi dạy trẻ sơ sinh lần đầu lúng túng. Nên bắt đầu dạy cho trẻ về thế giới vật nuôi từ thời điểm nào và dạy như nào để bé cảm thấy hứng thú. Ba mẹ hãy cùng áp dụng 5 bí quyết dưới đây.
Vì sao ba mẹ nên dạy bé các con vật quen thuộc ngay từ thuở sơ sinh?
Các chuyên gia tâm lý trẻ em cho biết, khi ba mẹ dạy cho trẻ sơ sinh về động vật và các âm thanh của động vật, đó không chỉ đơn giản là dạy bé tập nói mà còn là cách hiệu quả giúp trẻ dần dần tiếp xúc với văn hóa và đời sống xã hội xung quanh trẻ.
Nhiều nghiên cứu cũng chứng minh được rằng, trẻ em khi còn nhỏ nếu được tiếp xúc và được dạy cách đối xử tốt với động vật, biết yêu thương, chăm sóc thú vật quanh mình thì khi bắt đầu đi học và lớn lên, đứa trẻ ấy thường nhạy cảm hơn, có lòng vị tha, biết yêu thương, quan tâm chăm sóc bạn bè và những người yếu thế hơn mình.
Ngoài việc giúp trẻ phát triển IQ (trí thông minh) trong những năm đầu đời thì EQ (trí tuệ cảm xúc) cũng không kém phần quan trọng. Bởi vậy mà việc dạy trẻ em biết, hiểu, yêu thương, đối tốt và tôn trọng các loài động vật cũng như sự sống chung quanh chính là bài học làm người đầu tiên mà bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng nên để tâm.
5 cách thú vị để dạy bé các con vật quen thuộc trong năm đầu đời
Một câu hỏi mà rất nhiều các bậc cha mẹ thường cảm thấy lúng túng là “Nên dạy bé sơ sinh về các con vật từ thời điểm nào”? Các chuyên gia phát triển não bộ trẻ em gợi ý rằng, không có một mốc cụ thể chính xác nhưng lời khuyên là ba mẹ nên bắt đầu càng sớm càng tốt. Lý do là vì trẻ có thể ghi nhớ âm thanh ngay từ khi còn là thai nhi. Khi bé chào đời, tốc độ phát triển não bộ, đặc biệt là các giác quan sẽ được gia tăng một cách nhanh chóng. Ba mẹ càng nạp cho bé nhiều dữ liệu “đúng cách” bao nhiêu thì trẻ sẽ càng sớm tiếp thu và học hỏi được nhiều bấy nhiêu.
Do đó dưới đây là 5 gợi ý về cách dạy bé làm quen với con vật trong năm đầu đời mà người đóng vai trò quan trọng chính là ba mẹ, những người chăm sóc và nuôi dạy trẻ hàng ngày.
1. Nuôi vật nuôi trong nhà
“Ngay từ khi còn mang thai, mình đã nghĩ đến việc tìm một người bạn cho con. Và sau cùng mình chọn một chú chó nhỏ vì cả hai vợ chồng đều yêu chó. Cún con luôn quấn quýt bên em bé nhà mình ngay từ khi chào đời. Cùng chơi, cùng đi dạo, … Dần dần bé cũng rất thích và quan tâm tới các loài thú vật. Bé tỏ ra yêu thương mọi con vật mà bé nhìn thấy”, một bà mẹ đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình về cách để con tiếp cận với với thế giới của các loài vật. Và đây cũng là gợi ý đầu tiên mà nhiều chuyên gia giáo dục học chia sẻ với những ai lần đầu làm cha mẹ.
Tất nhiên không phải gia đình nào cũng có thể nuôi chó, mèo hay vật cưng. Nhưng những ý tưởng đơn giản khác như bể cá hay loài vật nuôi mà bạn cảm thấy có khả năng chăm sóc cũng là một lựa chọn phù hợp. Hãy để trẻ làm quen với thú vật như một phần cuộc sống của trẻ. Khi đó tự nhiên trẻ cũng ham thích, tò mò muốn biết hơn về động vật.
2. Trò chuyện cùng bé bằng cách mô phỏng âm thanh con vật cho bé nghe
Trong 2-3 tuần đầu tiên, bé sẽ chủ yếu ngủ và chỉ thức dậy để ăn, tè, ị. Thời gian con có thể thức được rất ngắn, khoảng 10-15 phút là cùng. Trên thực tế, chỉ riêng ăn sữa, vỗ ợ hơi và thay bỉm tã cho bé xong cũng đã đến giấc ngủ kế tiếp của trẻ rồi. Dần dần từ 4 tuần tuổi trở đi, khi bé đã thức được dài hơn (20-30 phút), ba mẹ có thể tranh thủ một vài phút trong lúc con tỉnh táo nhất để trò chuyện và chơi cùng bé.
Nhìn thẳng vào mắt bé trong lúc trò chuyện là cách tuyệt vời nhất để giúp trẻ phát triển đa giác quan. Một trong những thời điểm được nhiều chuyên gia trẻ em Nhật Bản khuyến khích chính là lúc mẹ thay bỉm cho bé.
Nếu có thể mẹ hãy lên bổng xuống trầm, tạo tiếng nói có nhịp điệu, mô phỏng các âm thanh của con vật như tiếng mèo kêu, tiếng chó sủa, tiếng gà gáy, … để bé dễ dàng hứng thú với câu chuyện mẹ đang nói. Dần dần bé sẽ hóng chuyện và bắt chước mẹ. Sau này khi có hình ảnh con vật và tiếng kêu quen thuộc của con vật đó bé cũng sẽ dễ dàng nhận ra chúng hơn.
3. Phát triển xúc giác cho bé bằng các cuốn sách vải về động vật
Khác với sách thông thường là những câu chuyện cổ tích hoặc ngụ ngôn, sách vải có những hình thù ngộ nghĩnh và các hoạt động thú vị. Mẹ có thể tự may hoặc đặt mua những quyển sách vải về loài vật.
Hãy để bàn tay bé nhỏ của trẻ được cầm nắm, sờ vào các bộ phận của các loài vật, gọi tên chúng đồng thời nhắc lại các âm thanh quen thuộc mẹ đã từng mô phỏng trước đấy trong các cuộc trò chuyện hàng ngày. Mắt bé nhìn, tai bé nghe, tay bé được sờ. Sự kết hợp giữa các giác quan chính là cách hiệu quả và tuyệt vời nhất giúp bé làm quen về loài vật.
4. Cho bé chơi cùng mô hình các con vật
Khi trẻ đã bắt đầu biết cầm nắm, đặc biệt là từ giai đoạn biết ngồi trở đi, các loại đồ chơi an toàn như thú vật làm từ gỗ hoặc vải sẽ là công cụ giúp bé có thêm những hoạt động học về động vật hấp dẫn hơn. Bé có thể cầm nắm, gặm nhấm chúng. Trong lúc bé chơi như vậy ba mẹ đừng quên nói tên con vật, chỉ cho con thấy các bộ phận của con vật đó. Một lần nữa ba mẹ nhớ mô phỏng lại âm thanh đặc trưng của loài vật đấy.
5. Hoạt động thủ công về động vật
Khi trẻ lớn dần một chút, ba mẹ có thể tạo ra các hoạt động thủ công đơn giản cho trẻ 1 tuổi như bôi màu, xé giấy, nặn bột, … hình thù các con vật. Trong quá trình làm đồ thủ công, các bộ phận như tay, mắt trẻ được kết hợp nhịp nhàng, khéo léo, từ đó trẻ sẽ hứng thú với thế giới của động vật một cách tự nhiên nhất.
Ngoài các cách trên là phương pháp cơ bản để dạy trẻ trong năm đầu đời thì ba mẹ nên đưa trẻ ra ngoài tiếp xúc với thực tế. Những chuyến đi dạo công viên, sở thú, nông trại chính là khoảng thời gian tìm hiểu tuyệt vời nhất để trẻ dễ dàng nhận ra các loài vật mà con đã được học bấy lâu nay.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!