Đau nhức chân khi mới mang thai là hiện tượng phổ biến ở hầu hết các bà bầu và nó sẽ còn kéo dài cho đến hết thai kỳ. Vậy, nguyên nhân hiện tượng này là do đâu và làm sao để khắc phục? Cùng tìm hiểu ngay sau đây mẹ nhé!
Vì sao bà bầu thường bị đau nhức chân khi mới mang thai
Sự thay đổi hormone
Khi nồng độ hormone tăng lên, chúng sẽ kích thích cơ thể sản xuất thêm chất lỏng để vận chuyển chất dinh dưỡng và oxy cho bé, điều này khiến nhiều bà bầu bị đau nhức chân, chân sưng to, thậm chí phù nề.
Ăn uống thiếu chất
Khi cơ thể bị thiếu hụt các chất quan trọng như muối khoáng, magie, canxi,… bà bầu sẽ rất dễ bị chuột rút, dẫn đến hiện tượng đau nhức chân khi mới mang thai. Các cơn đau thường xuất hiện vào ban đêm khi bàn chân đã mệt mỏi do hoạt động suốt cả ngày dài.
Giãn tĩnh mạch
Có khoảng 20% phụ nữ mang thai gặp tình trạng này. Nguyên nhân là do cơ thể sản xuất thêm máu trong hệ tuần hoàn làm tăng áp lực lên thành tĩnh mạch, khiến tĩnh mạch bị kéo giãn, từ đó, mẹ sẽ cảm thấy chân đau nhức, nặng nề, mệt mỏi và áp lực hơn bình thường.
Do đi giày không vừa vặn
Khi mang thai, cơ thể mẹ thường sẽ tăng cân nên bàn chân cũng trở nên phù nề, múp míp hơn. Từ đó, những đôi giày thường ngày mẹ mang sẽ không còn vừa vặn với mẹ nữa. Đó là lúc mẹ cần phải thay những đôi giày to hơn, vừa chân hơn để cải thiện tình trạng đau nhức chân khi mới mang thai.
Vận động sai tư thế
Đi, đứng, ngồi, nằm sai tư thế là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiện tượng đau nhức chân ở bà bầu. Những hàng động tưởng chừng như rất bình thường này có thể gây chèn ép dây thần kinh, khiến máu lưu thông đến chân bị trì trệ, gây ra đau nhức, tê mỏi.
Ít vận động
Nhiều bà bầu lo sợ sức khỏe bị ảnh hưởng và muốn đảm bảo cho em bé được an toàn nên không dám vận động nhiều. Tuy nhiên, việc ngồi hay nằm quá lâu ở một tư thế sẽ khiến các mạch máu bị chèn ép, máu lưu thông kém sẽ dẫn đến hiện tượng đau nhức chân khiến mẹ khó chịu.
Bà bầu bị đau nhức chân khi mới mang thai có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Đa số các trường hợp đau nhức chân khi mang thai đều không ảnh hưởng nhiều đến thai nhi cũng như mẹ bầu. Tuy nhiên, chúng lại khiến mẹ bầu mệt mỏi và gặp khó khăn khi di chuyển.
Ngoài ra, cơn đau nhức chân thường xảy ra vào ban đêm khiến nhiều mẹ khó chịu đến không ngủ được. Nếu tình trạng này kéo dài thường xuyên, mẹ bầu sẽ bị bực bội, khó chịu, lâu dần sinh ra chán ăn khiến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi bị ảnh hưởng.
Cách giảm đau nhức chân cho bà bầu
Chế độ ăn uống
Để hạn chế tình trạng đau nhức chân khi mang thai do chuột rút, mẹ bầu nên ăn nhiều thực phẩm giàu canxi, kali, phốt pho, magie,… Ngoài ra, mẹ cũng lưu ý không ăn nhiều đồ dầu mỡ, cay nóng và uống nhiều nước, tăng cường thêm thức ăn giàu năng lượng để cơ thể cảm thấy khỏe khắn hơn.
Tập luyện, vận động
Đi bộ nhẹ nhàng từ 15 – 20 phút mỗi tối sẽ giúp cơ thể tăng cường tuần hoàn máu, làm giảm chứng đau nhức chân trong thai kì cho bà bầu rất hiệu quả. Ngoài ra, các bài tập như yoga, thiền hay bơi lội,… đều có tác dụng giảm đau nhức rất hiệu quả.
Bên cạnh đó, khi ngồi làm việc, mẹ hãy dành chút thời gian luyện tập bằng cách ngồi với một chân nhấc lên, xoay mắt cá chân 10 lần sang phải rồi sau đó xoay sang trái. Đổi chân và lặp lại 10 lần. Bài tập này cũng giúp làm giảm đau nhức chân rất tốt.
Chườm ấm chân
Mẹ có thể làm giảm cơn đau nhức chân khi mới mang thai bằng cách đặt một túi/chai chườm nóng nhỏ lên bắp chân, mắt cá chân hoặc bất kỳ nơi nào bị đau nhức trong 15 – 20 phút, lăn đi lăn lại thường xuyên.
Massage chân, ngâm chân
Thường xuyên ngâm chân, massage chân sẽ giúp các tĩnh mạch ở chân được kích hoạt và lưu thông, làm giảm triệu chứng mỏi chân khi mang thai. Các mẹ có thể nhờ chồng massage nhẹ nhàng cho mình trước khi đi ngủ. Cách đơn giản là dùng 2 tay nắm lấy bàn chân và nhẹ nhàng nhấn ngón tay cái vào lòng bàn chân để máu huyết lưu thông.
Thay đổi tư thế nằm, ngồi
Khi bị đau nhức chân, thay vì nằm ngửa, mẹ nên nằm ở tư thế nghiêng, tốt nhất là nghiên bên trái, có thể kê gối để chân, cố gắng nâng cao chân càng nhiều càng tốt để giảm áp lực lên tĩnh mạch chủ dưới và giúp máu lưu thông tốt hơn.
Khi ngồi làm việc ở văn phòng một thời gian dài, mẹ bầu nên thường xuyên đứng lên, đi lại nhẹ nhàng trong văn phòng để giảm căng cơ và tê mỏi tay chân. Nên ngồi thẳng, không bắt chéo chân để tránh bị tê nhức chân.
Vừa rồi là những thông tin về hiện tượng đau nhức chân khi mới mang thai. Đây là triệu chứng khó tránh khỏi ở hầu hết bà bầu nên mẹ hãy cố gắng làm quen, có thể áp dụng các cách theAsianparent chia sẻ bên trên để làm giảm các cơn đau nhức.
Xem thêm
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!