Dấu hiệu tim thai yếu là gì? Điều đó có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của thai nhi? Hãy cùng tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Cách đo tim thai
Có hai phương pháp đo nhịp tim thai trong thời gian chuyển dạ:
- Phương pháp nghe tim thai: Bác sĩ sẽ đặt một ống nghe hoặc một đầu dò siêu âm Doppler lên bụng của sản phụ để nghe tim của bé tại mỗi thời điểm nhất định.
- Theo dõi bằng monitor: Trong monitor theo dõi tim thai, nhân viên y tế sẽ sử dụng thiết bị đặc biệt để đánh giá sự phản hồi của nhịp tim thai nhi tới cơn co tử cung. Thông số này được monitor liên tục ghi nhận trên giấy. Sau mỗi thời điểm nhất định, các bác sĩ và nữ hộ sinh sẽ kiểm tra thông tin trên giấy. Tần suất kiểm tra sẽ dày hơn nếu có bất kỳ vấn đề gì phát sinh.
Tùy thuộc một số yếu tố như nội quy, chính sách bệnh viện, đánh giá rủi ro, tình trạng chuyển dạ, các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp theo dõi tim thai phù hợp. Nếu sản phụ không gặp biến chứng hay các yếu tố nguy cơ trong chuyển dạ, có thể lựa chọn bất kỳ một trong hai phương pháp theo dõi kể trên.
Như thế nào được gọi là tim thai yếu? Dấu hiệu nào cho thấy tim thai yếu?
Tim thai là một trong những cơ quan được hình thành và phát triển sớm nhất. Ngay từ tuần thứ 2, phôi thai đã có 2 mạch máu để tạo thành ống dẫn của tim. Đến tuần thứ 5, phôi thai bắt đầu xuất hiện tim thai. Ở tuần thứ 6 thì tim thai đã hoạt động. Sau đó đến tuần thứ 7, tim thai đã chia thành 2 buồng. Lúc này, tim thai có nhịp đập rõ ràng hơn.
Nhịp tim của thai nhi dưới 110 nhịp/phút được xem là yếu
Thông thường nhịp tim thai sẽ dao động trong khoảng 140-160 nhịp/phút. Nếu thai nhi hoạt động nhiều trong bụng mẹ, nhịp tim có thể tăng lên 180 nhịp/phút. Khi thai nhi phát triển càng lớn thì nhịp tim thai sẽ giảm dần vào các giai đoạn cuối của thai kỳ. Tuần thứ 14 nhịp tim là khoảng 150 nhịp/phút, tuần 20 là 140 nhịp/phút và đến những tháng cuối là 130 nhịp/phút.
Theo các bác sĩ, nhịp tim của tim thai dưới 110 nhịp/phút được đánh giá là tim thai yếu. Mẹ bầu cần lưu ý theo dõi tình trạng của bé. Bạn cũng cần tái khám định kỳ để bác sĩ hỗ trợ theo dõi và sớm phát hiện dấu hiệu tim thai yếu.
Dấu hiệu tim thai yếu có nguy hiểm không?
Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, dấu hiệu tim thai yếu dự báo nguy cơ sảy thai sớm. Theo nghiên cứu, nếu tốc độ nhịp tim dưới 70 nhịp/phút trong tuần 6 – 8, tỷ lệ sảy thai lên đến 100%. Nếu nhịp tim của thai nhi dưới 90 nhịp/phút, tỷ lệ sảy thai vào khoảng 86%. Trong khi đó, mẹ có 50% nguy cơ sảy thai nếu nhịp tim dưới 120 nhịp/tim.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tim thai yếu
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này. Trong đó, phổ biến như:
- Mẹ bầu có tiền sử huyết áp thấp
- Khả năng lưu thông máu đến tử cung của mẹ bầu kém
- Nhau thai có dấu hiệu bất thường
- Tử cung bị vỡ
- Thai nhi có dị tật bẩm sinh
Tùy thuộc tuổi thai và nguyên nhân, bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp xử lý phù hợp. Trong các trường hợp này, mẹ bầu sẽ được chỉ định siêu âm tim thai để đánh giá tình trạng. Nếu thai nhi có dị tật tim bẩm sinh nhẹ, trẻ có thể tự khỏi khi trưởng thành. Ngược lại, trong các trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ sẽ có biện pháp can thiệp sớm.
Mẹ bầu nên làm gì để phòng ngừa tim thai yếu?
Thực tế, bạn không thể ngăn 100% nguy cơ tim thai yếu. Tuy nhiên, mẹ bầu có thể thực hiện các điều sau để giảm thiểu tối đa:
Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Việc bổ sung đủ dinh dưỡng luôn vô cùng quan trọng trong suốt những tháng thai kỳ. Đặc biệt, mẹ cần chú ý đến thành phần axit folic. Theo thống kê, trẻ được bổ sung axit folic đầy đủ có thể ngăn ngừa 70% nguy cơ dị tật bẩm sinh, trong đó bao gồm cả vấn đề về tim thai yếu.
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ góp phần nâng cao sức khỏe mẹ bầu
Một số chất dinh dưỡng khác mẹ bầu cần bổ sung là:
- Sắt có trong thịt bò, cá hồi, gan
- Đạm trong thịt gia cầm, trứng, sữa và cá
- Canxi trong hải sản như cua, ghẹ, rau xanh
- Các loại vitamin trong rau củ, trái cây
Tiêm phòng
Việc khám sức khỏe và tiêm phòng trước khi mang thai hỗ trợ phòng ngừa những căn bệnh nguy hiểm tấn công thai nhi.
Sinh hoạt lành mạnh
Thói quen sinh hoạt lành mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ, không thức khuya… giúp tăng cường sức khỏe mẹ bầu. Trong giai đoạn thai kỳ, mẹ không nên vận động mạnh, làm việc nặng.
Bạn cũng cần tránh xa các loại chất kích thích có nguy cơ ảnh hưởng thai nhi như rượu, bia, thuốc lá. Những bài tập nhẹ nhàng giúp ngăn chặn nguy cơ thai nhi mắc bệnh tim mạch.
Tinh thần lạc quan
Mẹ bầu nên giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ và không cáu gắt. Thai nhi là một phần của cơ thể mẹ. Bất kì trạng thái nào cũng mẹ cũng sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.
Khám thai định kỳ
Việc thăm khám định kỳ giúp bạn có thể theo dõi sát sao tình trạng của thai nhi. Bác sĩ cũng sẽ kịp thời phát hiện những điều bất thường như dấu hiệu tim thai yếu.
Dấu hiệu tim thai yếu dự báo những bất ổn với sức khỏe thai nhi. Thế nên, mẹ bầu cần đặc biệt chú ý để có những biện pháp xử lý kịp thời.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!