Dấu hiệu sữa về không khó nhận biết như mẹ tưởng. Ngay từ cuối thai kỳ và sau sinh mẹ hãy chịu khó quan sát 3 tín hiệu đặc trưng này.
Dấu hiệu sữa về bắt đầu từ việc có sữa non cuối thai kỳ
Sữa non được hình thành ở mẹ bầu khi đang mang thai ở tháng thứ 7 (khoảng 24 – 28 tuần) trở đi.
Dấu hiệu nhận biết có sữa non các mẹ có thể quan sát thấy là đầu ti có những đốm trắng nhỏ li ti như mụn, ngực căng cứng và đau (gần giống hiện tượng căng sữa sau sinh), làm cho mẹ bầu cảm giác ngứa ngáy và khó chịu. Khi mẹ bầu có những dấu hiệu này thì khoảng vài tuần nữa sẽ tiết ra sữa non.
Sữa non chỉ xuất hiện nhiều trong 48 giờ đầu sau khi sinh con. Nếu các mẹ mang thai ở tháng thứ 7 mà chưa có sữa non thì cũng không cần quá lo lắng vì sữa non chỉ được tiết ra nhiều khi bé bú sớm ngay sau khi sinh, khi bé bú, tuyến vú sẽ bị kích thích làm cho sữa về nhiều và liên tục.
Dấu hiệu sữa mẹ về là khi mát xa thấy đầu ti tiết ra sữa
Để biết chính xác sữa đã về hay chưa, mẹ có thể dùng tay mát xa và vắt nhẹ nhàng theo chiều hướng ra đầu vú.
Thêm vào đó, khi mẹ thực hiện các động tác mát xa quanh bầu ngực, cơ thể sẽ tăng tiết prolactin và oxytocin, giúp kích thích sữa tiết ra nhiều hơn. Ngoài ra, động tác mát xa cũng góp phần đánh tan các cục sữa đông (nếu có), khơi thông dòng chảy của sữa trong các tiểu thùy và ống dẫn sữa, giúp sữa về đều và nhiều hơn.
Cách mát xa gọi sữa về gồm 6 bước cơ bản, nhìn chung khá đơn giản. Chỉ cần chịu khó áp dụng, sau 5 ngày mẹ sẽ thấy lượng sữa bắt đầu được cải thiện.
Bước 1
Dùng 3 ngón tay (ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa) vuốt theo động mạch tuyến vú theo chiều từ bầu ngực ra đầu vú, thực hiện mỗi bên khoảng 5 lần.
Bước 2
Tiếp tục dùng 3 ngón tay vuốt quanh bầu vú 4 vòng, 2 vòng theo chiều kim đồng hồ, 2 vòng ngược chiều kim đồng hồ.
Bước 3
Dùng 3 ngón tay túm quanh đầu vú, kéo thật nhẹ nhàng ra ngoài để mô phỏng động tác em bé bú mẹ. Thực hiện khoảng 4 lần.
Bước 4
Dùng 1 bàn tay tạo thành hình chữ C để đỡ bầu vú từ bên dưới, tay này rung nhẹ bầu vú theo tần suất tăng dần. Tay còn lại dùng 3 ngón (ngón cái, trỏ và giữa) đặt lên quầng vú, mát xa nhẹ nhàng. Thực hiện tương tự với bên ngực còn lại, kéo dài khoảng 1 phút mỗi bên.
Bước 5
1 tay đặt bên trên quầng vú, dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ ép theo chiều từ trên xuống dưới, tay còn lại ép theo chiều từ dưới lên trên và đều hướng ra ngoài quầng vú. Thực hiện 3 – 5 lần mỗi bên.
Bước 6
Một tay ấn và kéo nhẹ đầu vú, tay còn lại xoa bóp nhẹ bầu vú. Với những mẹ nào bị ngắn hoặc thụt núm vú, động tác này sẽ cho hiệu quả rất tốt. Thực hiện khoảng 4 lần.
Bầu ngực căng tức
Sau giai đoạn sữa non, ngực mẹ sẽ bắt đầu sản xuất sữa chuyển tiếp. Đây là loại sữa trong những ngày chuyển từ sữa non sang sữa trưởng thành. Sữa chuyển tiếp thường được tiết ra trong khoảng 2-5 ngày cho đến 10-14 ngày sau khi sinh.
Trong giai đoạn này, bởi vì lượng sữa chuyển tiếp lớn hơn nhiều so với sữa non, nên ngực của bạn sẽ to và săn chắc hơn. Lúc đầu bạn có thể thấy không thoải mái và khó cho bé bú đúng cách.
Khi vú bị căng, bé có thể có vấn đề với việc trẻ ngậm kín miệng quanh núm vú và quầng vú. Song hành động này của bé lại giúp sữa ra ngoài và cải thiện sự ứ sữa bên trong vú. Nếu không, mẹ phải tìm đến phương pháp vắt sữa bằng tay hoặc một máy hút sữa để lấy ra một ít sữa giữa các lần cho trẻ bú.
Việc làm này sẽ giúp cho vú sản phụ mềm hơn mà không gây tiết ra quá nhiều sữa, điều mà khiến sự cương sữa trầm trọng hơn.
Dấu hiệu sữa mẹ về của mẹ sinh mổ có khác với mẹ sinh thường không?
Hiện các ca sinh mổ sử dụng phương pháp tê tủy sống hoặc tê ngoài màng cứng, chứ rất ít trường hợp sử dụng gây mê. Các loại phương pháp này thường không ảnh hưởng đến việc cho con bú nên mẹ có thể cho em bé bú ngay sau khi sức khỏe cho phép.
Mẹ sinh mổ sữa có thể về chậm hơn một chút so với mẹ sinh thường nhưng không cách nhau quá nhiều. Thông thường 5 – 6 giờ sau khi hồi sức cho mẹ (tính thời gian từ phòng hồi sức sau mổ về phòng bệnh nghỉ ngơi) là sữa mẹ đã có thể về ngay. Nên lưu ý dù sinh mổ hay sinh thường thì lượng sữa của mẹ đều như nhau.
Theo các chuyên gia y tế, việc sản phụ mổ đẻ cho con bú ngay trong một giờ đầu sau sinh là hoàn toàn không có hại. Vấn đề là bà mẹ cần người hướng dẫn để đỡ bé được bú mẹ trong tư thế thoải mái nhất.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!