Đau cửa mình khi mang thai tháng thứ 8 là hiện tượng sinh lý phổ biến do áp lực trọng lượng của thai nhi, vùng xương chậu bị giãn ra… Hãy đọc bài viết này của theAsianparent Việt Nam để biết:
- Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị đau cửa mình khi mang thai tháng thứ 8
- Các cách giảm đau cửa mình khi mang thai tháng thứ 8 cho mẹ bầu
Nguyên nhân khiến mẹ bầu đau cửa mình khi mang thai tháng thứ 8
3 tháng cuối cùng trong hành trình mang thai, ắt hẳn mẹ đang cảm thấy cơ thể mình ngày càng nặng nề, kéo theo đó là những cơn đau nhức đến mất ngủ và khó thở. Đau cửa mình có thể là một trong số vấn đề thai kỳ khiến nhiều mẹ lo lắng.
Cảm giác căng tức ngay tại vùng âm đạo, đôi khi tưởng như thai nhi đang thúc đòi ra nhưng cũng có lúc tê buốt đến khó chịu. Các bác sĩ sản khoa giải thích về hiện tượng này như sau:
Thai nhi lớn nhanh khiến mẹ cảm thấy đau nhiều hơn
Đến cuối tháng mang thai thứ 8, phần lớn các cơ quan của bé đã được phát triển, ngoại trừ phổi. Bé di chuyển trong bụng mẹ ít hơn vì có ít khoảng trống hơn. Bé cũng sẽ tự xoay mình nằm chúc đầu xuống.
Bạn có thể chưa biết:
Buốt cửa mình có phải sắp sinh? Mẹ bầu phải làm sao khi bị buốt cửa mình?
Thai nhi đạp gần cửa mình có phải là dấu hiệu nguy hiểm?
Thông thường, các em bé đã đạt đến trọng lượng và chiều dài như khi được sinh ra. Mẹ thấy đấy, bé đang lớn lên rất nhanh, gần như là một bé sơ sinh rồi. Bé càng lớn bao nhiêu thì áp lực dồn lên vùng cửa mình của mẹ sẽ càng nhiều bấy nhiêu.
Vùng xương chậu của người mẹ thay đổi vào tháng thứ 8
Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu phát triển gia tăng trọng lực xuống vùng xương mu, khiến cho vùng xương chậu bị co giãn đến mức tối đa. Chính vì thế, xương chậu trở nên yếu và dễ bị thương tổn nhiều hơn, dẫn đến đau vùng xương chậu cũng như cửa mình của mẹ bầu.
Bé đạp mạnh làm mẹ bầu đau cửa mình khi mang thai tháng thứ 8
Đau cửa mình có phải sắp sinh? Nhiều thai phụ khi càng gần đến tháng chuẩn bị sinh thì cơn đau cửa mình càng kịch liệt hơn. Có người cho rằng đó là hiện tượng sắp sinh, thực ra hiện tượng này xảy ra chủ yếu là do thai nhi chuyển động, quay đầu và đẩy người xuống khung xương chậu và cửa mình, khiến mẹ cảm thấy ê ẩm tới mức đi không nổi.
Do đó, mẹ hãy yên tâm rằng nếu vì những nguyên nhân nói trên thì đây là điều hoàn toàn bình thường mà bà mẹ nào cũng phải trải qua.
Tuy nhiên cũng có trường hợp mẹ bầu bị đau cửa mình vào tháng thứ 8 do tình trạng bệnh lý như viêm âm đạo, bệnh lây truyền qua đường tình dục, … Nhưng thường nếu thai phụ mắc bệnh thì sẽ có những biểu hiện bệnh lý đi kèm rõ ràng hơn (khí hư chuyển màu, có mùi, xuất hiện các nốt mụn rộp, …) đòi hỏi người mẹ phải đi khám chuyên khoa để có hướng điều trị an toàn và phù hợp.
Bà bầu đau nhức vùng kín do lưu lượng máu tăng: Lượng máu chảy về tử cung sẽ gia tăng trong giai đoạn có thai, từ đó gây đau nhức ở vùng âm đạo. Mẹ bầu sẽ có cảm giác đau này mỗi khi chạm nhẹ vào âm đạo hoặc những lúc đi vệ sinh.
Đau âm đạo do thai ngoài tử cung: đây là tình trạng thường rất khó chẩn đoán. Các dấu hiệu đi kèm có thể gặp là: xuất huyết, đau ngực, chóng mặt, đau lưng và huyết áp thấp.
Bên cạnh đó, tình trạng bà bầu bị đau buốt vùng kín cũng có thể xuất phát từ các nguyên nhân khác như táo bón, do hoạt động quan hệ tình dục hoặc do mẹ bầu đang bị căng thẳng.
Việc đau nhức âm đạo dữ dội có kèm tình trạng chảy máu có thể chỉ ra tình trạng sẩy thai. Do đó, nếu bạn cảm thấy khó chịu vùng kín, đừng quên đi bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán chính xác.
Các cách giảm đau cửa mình khi mang thai tháng thứ 8 cho mẹ bầu
Trước hết, mẹ bầu nên suy nghĩ tích cực rằng đau buốt cửa mình khi mang thai đều là hiện tượng sinh lý bình thường. Chúng sẽ dần biến mất ngay sau khi bạn sinh con.
Do đó việc dùng thuốc là không cần thiết trong trường hợp này. Tất cả các chứng đau nhức ở 3 tháng cuối thai kỳ đều được cải thiện với những mẹ có một chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý và khoa học. Đồng thời mẹ có thể áp dụng một số cách giúp thuyên giảm tình trạng khó chịu này như sau:
Thư giãn với các bài tập yoga và hoạt động nhẹ nhàng
Yoga giúp tăng tính linh hoạt và chuyển động dẻo dai. Các dây chằng và cơ bắp sẽ trở nên đàn hồi hơn giúp giảm nguy cơ bị chuột rút và đau nhức vào giai đoạn cuối thai kỳ. Mẹ bầu có thể tập yoga ở nhà hoặc phòng tập. Nếu được tập dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên nghiệp thì sẽ an toàn hơn nhiều.
Còn nếu mẹ không có điều kiện đến các lớp tập thì những giây phút đi bộ thư giãn hay các bài tập thể dục nhẹ nhàng đều phù hợp để cơ bắp mẹ bầu được vận động hàng ngày, giúp cho quá trình chuyển dạ diễn ra dễ dàng hơn.
Bạn có thể chưa biết:
Cục thịt lồi ra ở cửa mình khi mang thai là bị làm sao, có nguy hiểm không?
Vì sao mẹ bầu hay bị tiểu buốt khi mang thai? Liệu có ảnh hưởng đến sức khoẻ thai nhi?
Uống nhiều nước
Mẹ cần bổ sung các chất dinh dưỡng đầy đủ, uống nước nhiều hơn, và đặc biệt là canxi vì khi mang thai mẹ sẽ bị mất một lượng lớn canxi để nuôi dưỡng và hình thành phát triển thai nhi.
Mát xa vùng cửa mình và xương chậu bằng nước ấm khi đi tắm
Mẹ bầu nên dùng nước ấm để tắm gội, tốt nhất là sử dụng vòi hoa sen lúc tắm và dành ra 3 – 5 phút để mát xa sườn xương chậu mỗi lần đi tắm.
Nằm nghiêng bên trái giúp mẹ ngủ ngon hơn
3 tháng cuối thai kỳ là thời điểm tử cung người mẹ phát triển mạnh mẽ trong ổ bụng và thường xoay về bên phải. Khi mẹ nằm nghiêng sang trái sẽ giúp tử cung dễ dàng phình to và không chịu áp lực từ các bộ phận khác trong cơ thể.
Từ đó cũng giúp nhau thai dễ dàng nhận được oxy, máu và các chất dinh dưỡng. Nhờ đó mẹ bầu sẽ cảm thấy dễ chịu và ít đau nhức hơn.
Hy vọng với những thông tin trên, các mẹ bầu đau cửa mình khi mang thai tháng thứ 8 có thể hiểu hơn về tình trạng sức khỏe của mình.
Xem thêm:
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!