Trải qua 2 tháng mang thai đầu tiên với rất nhiều cảm xúc, khi bước vào tháng thứ 3 của thai kỳ mặc dù rất cẩn thận nhưng không ít mẹ vẫn gặp phải tình trạng đau bụng nên cảm thấy khá lo lắng. Vậy đau bụng khi mang thai tháng thứ 3 có phải là dấu hiệu nguy hiểm với thai nhi? Mẹ cần làm gì để hạn chế tình trạng đau bụng trong giai đoạn nhạy cảm này?
Khi nào thì đau bụng khi mang thai tháng thứ 3 không nguy hiểm đối với thai nhi?
Không phải tất cả các triệu chứng đau bụng đều cảnh báo nguy hiểm, nếu mẹ đau bụng trong các trường hợp sau thì không nên quá lo lắng:
- Đầy bụng, khó tiêu: Khi mang thai, áp lực từ tử cung cản trở phần nào hoạt động của dạ dày cùng với sự thay đổi hormone khi mang thai là 1 trong những nguyên nhân làm chậm quá trình tiêu hóa khiến bạn dễ bị đầy hơi, khó tiêu.
- Ốm nghén: vào tháng thứ 3 khi những cơn ốm nghén vẫn còn tiếp diễn thì mẹ bầu thường xuyên có cảm giác buồn nôn và nôn ọe nên hay có cảm giác đau quặn bụng.
- Căng cơ và dây chằng: ở 1 số người khi mang thai tháng thứ 3, bụng bầu sẽ xuất hiện sớm hơn những thai phụ khác cũng có thể bị đau bụng do căng cơ và dây chằng vì nó phải nâng đỡ tử cung đang ngày càng lớn dần lên.
- 1 số trường hợp khác: ngoài các nguyên nhân trên, chị em cũng có thể cảm thấy đau bụng dưới khi bị ho liên tục hoặc đứng lên ngồi xuống ngột đột.
Đau bụng bất thường mẹ không nên chủ quan
Trong thời gian này thai nhi vẫn đang trong quá hình thành các bộ phận của cơ thể, do đó mẹ bầu vẫn phải hết sức thận trọng vì tỷ lệ sảy thai vẫn rất cao. Nếu chị em gặp phải 1 trong các hiện tượng sau đây thì nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời:
- Mẹ có tiền sử mắc khối u buồng trứng, u xơ tử cung khi có thai thường xuất hiện chứng đảo ngược cuống u nang buồng trứng hoặc đảo ngược u cơ dưới tử cung, mẹ bị nang xoắn buồng trứng dẫn đến cơn đau quặn 1 phần bụng dưới. Việc phẫu thuật can thiệp tỷ lệ giữ thai sẽ rất thấp.
- Đau thắt 1/3 vùng bụng, cơn đau âm ỉ kéo dài có thể là biểu hiện của viêm ruột thừa khi mang thai. Tuy rất ít gặp nhưng không cứu chữa kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến cả mẹ và thai nhi.
- Nếu bị đau ê ẩm vùng bụng quanh rốn thì có thể mẹ bị ký sinh trùng đường ruột khi mang thai. Nếu giun chui vào ống mật hoặc ruột thừa thì cơn đau càng dữ dội hơn.
- Mang thai ngoài tử cung nhưng không được phát hiện sớm nên khi khối thai vỡ gây hiện tượng đau bụng dữ dội, cơn đau di chuyển khắp vùng bụng, xuất huyết âm đạo ra máu đỏ tươi, buồn nôn, hoa mắt chóng mặt, ngất xỉu do cơ thể bị suy kiệt vì chảy máu trong.
- Đau bụng từng cơn giống như co thắt, mức độ đau tăng dần, âm đạo ra máu đỏ tươi hoặc máu vón cục… đây là những triệu chứng của hiện tượng dọa sảy và sảy thai.
Mẹ nên làm gì khi có hiện tượng đau bụng khi thai được 3 tháng?
Khi có các biểu hiện đau bụng bất thường trên, chị em nên đến ngay các cơ sở y tế kiểm tra kịp thời để không dẫn đến hậu quả đáng tiếc cho cả mẹ và thai nhi. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, kể cả các bài thuốc dân gian khi không có ý kiến của bác sĩ.
Với các trường hợp khác mẹ cần chú ý thực hiện tốt những điều sau đây có thể cải thiện tình trạng đau bụng của mình:
- Ngay khi có những cơn đau xuất hiện, các mẹ nên lập tức nghỉ ngơi, dừng mọi việc đang làm lại để thư giãn, thả lỏng cơ thể cho mọi thứ được ổn định.
- Tăng cường chế độ dinh dưỡng khi mang thai, bổ sung vitamin, khoáng chất cần thiết để đảm bảo cho thai nhi phát triển tốt, cơ thể mẹ khỏe mạnh. Hệ miễn dịch tốt có thể đẩy lùi được nhiều bệnh tật. Với các mẹ bầu bị ốm nghén nên chia nhỏ thành nhiều bữa ăn, ăn khi cảm thấy thèm để giảm cảm giác khó chịu, buồn nôn.
- Chế độ nghỉ ngơi cũng như đi lại vận động hợp lý; hạn chế làm việc nặng; không bê, xách đồ nặng làm cơ thể mệt mỏi, suy nhược sức khỏe. Bạn cũng không nên đứng hoặc ngồi quá lâu, không nên thay đổi tư thế đột ngột, việc ngồi hay nằm quá nhiều có thể tăng nguy cơ bị chuột rút.
- Hạn chế đến những nơi đông người hoặc nơi có khả năng lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm trong mùa dịch.
- Đi khám thai đúng lịch hẹn để theo dõi sự phát triển của con cũng như theo dõi sức khỏe của mẹ.
Lời kết
Khi mang thai dù 1 dấu hiệu đau bụng nhỏ cũng làm mẹ cảm thấy lo lắng. Tuy nhiên, không phải trường hợp đau bụng khi mang thai tháng thứ 3 nào cũng là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm cho thai kỳ. Vì vậy, mẹ nên hiểu rõ các dấu hiệu bất thường của cơ thể để có thể thăm khám kịp thời, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Xem thêm
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!
Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!